Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B: Niềm Vui & Thập Giá

Fri,22/03/2024
Lượt xem: 220

Chúa Nhật Lễ Lá, B

(Mc 11,1-10; Is 50,4-7; Pl 62,6-11; Mc 14,1-15,47)

Niềm Vui & Thập Giá

Với cử hành Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta hân hoan bước vào Tuần Thánh, bước vào cao điểm của phụng vụ Hội thánh, cử hành cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, nguồn sống của chúng ta. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta ở hai trạng thái gắn liền với nhau: niềm vui và thập giá. Niềm vui hân hoan vì Đức Chúa hiện diện, Người ngự đến, và đồng thời đưa chúng ta đi vào con đường dẫn tới niềm vui đích thực, con đường thập giá.

1.       Niềm vui đón Chúa hiện diện

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta được sống lại cảnh huy hoàng, vui mừng và hoan lạc chứa chan ánh sáng tình yêu của Chúa Giêsu, khi Người bước vào Kinh thành muôn thuở trong tư cách là Thái Tử của Hòa Bình, Vị Vua đích thực. Bởi vậy, vào đầu thánh lễ, cùng với con cái thành Sion, chúng ta đã phất cao những nhành lá, và hát vang “Chúc tụng Đức Vua, Đấng Nhân Danh Chúa mà đến” (Ca nhập lễ).

Đó là niềm vui đón Chúa hiện diện, Đấng ngự giá mây trời mà đến. Chúng ta cũng bày tỏ niềm vui của mình khi được tháp tùng Người, vui biết rằng Thiên Chúa đang gần gũi chúng ta, hiện diện trong và giữa chúng ta như một người bạn thân, một người anh em, và cũng là một vị vua. Người là ngọn hải đăng soi sáng chúng ta trên cuộc hành trình tiến về Giêrusalem thượng giới.

Phải nói rằng niềm vui này là gia sản lớn nhất của chúng ta, là chân tính của người Kitô hữu. Đức Phanxicô nói:

Đừng là những người nam nữ buồn sầu: một kitô hữu không bao giờ được buồn! Không bao giờ buông mình trong chán nản! Niềm vui của chúng ta không phải là nỗi hân hoan vì có nhiều của cải, nhưng vì đã gặp được một Nhân Vật là Chúa Giêsu, niềm vui của chúng ta bùng lên khi biết rằng chúng ta không bao giờ đơn côi, ngay cả trong những thời khắc khó khăn, ngay cả khi hành trình đời ta vấp phải những vấn nạn và thử thách xem chừng không vượt qua nổi.

Chúng ta tháp tùng, chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu, nhưng trên tất cả, chúng ta biết rằng Người đồng hành với chúng ta và mang vác chúng ta trên vai của Người. Đây là niềm vui, niềm hy vọng mà chúng ta phải mang đến cho thế giới này. Chúng ta hãy mang niềm vui đức tin đến cho tất cả mọi người! Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! Và như vậy, tâm thế trước hết của chúng ta là tâm thế của “niềm vui!”. Niềm vui của sự khiêm hạ, của con đường tự hủy, con đường thập giá.

2.       Thập giá con đường của niềm vui, niềm hy vọng

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vị thế khải hoàn của Đức Vua. Đoàn lũ dân chúng xưng tụng Người là Vua, và niềm vui của chúng ta cũng trào dâng vì biến cố này. Nhưng Chúa Giêsu là Vua kiểu nào đây?

Phụng vụ Lời Chúa của cử hành hôm nay dẫn chúng ta đến với con đường khải hoàn của Vua chúng ta. Một vị vua khiêm hạ. Tin mừng diễn tả: Người đang cưỡi trên một con lừa, chứ không phải là xa giá của hoàng gia. Người không được bao quanh bởi một đội quân biểu tượng của quyền lực, nhưng được chào đón bởi những con người khiêm tốn, đơn sơ, là những người cảm nhận được những gì sâu xa hơn nơi Chúa Giêsu, những người có ý thức đức tin rằng “đây là Đấng Cứu Độ”.

Chúa Giêsu không vào thành thánh để nhận được các danh hiệu dành cho các vị vua trần thế. Người vào thành để bị đánh đòn, bị xúc phạm và bị chà đạp như tiên tri Isaia đã tiên báo trong bài đọc thứ nhất (x. Is 50,6); một vị vua bị tước hết vinh quang danh dự để chấp nhận thân phận tôi đòi như bài đọc thứ hai nói với chúng ta. Người đi vào để nhận được mão gai, vương trượng, và một cẩm bào màu tím, vương quyền của Người trở thành một đối tượng chế nhạo. Người vào thành để vác thập giá gỗ nặng nề lên đồi Canvê.

Thánh Giá là đích điểm của vương quyền: Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để chết trên thập giá. Ngai vàng của triều đại Người là gồ Thánh Giá! Và chính nơi đây, vương quyền của Người chiếu tỏa: “Khi nào các ông treo tôi lên, các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Thập giá chính là đỉnh điểm của tình yêu tự hiến, và vương quyền mà Thiên Chúa dùng để biểu lộ quyền năng và sự khôn ngoan của Người. Đó là vương quyền của tình yêu, của lòng thương xót Chúa. Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta khám phá niềm vui của tình yêu, chúng ta hạnh phúc vì được yêu, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận ra thân phận tội lỗi của mình.

Chúa Giêsu tự chấp nhận vác lấy thập giá. Người tự vác lấy những xấu xa, bẩn thỉu, tội lỗi của thế giới, bao gồm cả tội lỗi của chúng ta, và Người tẩy sạch bằng máu của Người, với lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trên thập giá cảm thấy sức nặng của tội lỗi, và với sức mạnh từ tình yêu Thiên Chúa, Người đánh bại tội lỗi bằng sự phục sinh của Người. Đây là điều thiện hảo mà Chúa Kitô mang đến cho tất cả chúng ta từ Thánh Giá, là ngai vàng của Người. Thánh Giá khi được đón nhận bởi tình yêu không dẫn đến nỗi buồn, nhưng là niềm vui! Niềm vui được cứu độ và thực hiện nơi những gì Chúa đã làm trong ngày Người chịu nạn.

Chúng ta là những con dân, những hoàng tử, những công chúa của một vị vua bị đóng đinh trên Thánh Giá. Chúng ta được mời gọi tiến bước trên con đường của tình yêu, con đường chết đi mọi ngày cho tội lỗi, cho những ích kỉ, hiềm thù, để cho tình yêu đức lên ngôi.

Xin Chúa Giêsu dẫn chúng ta bước đi với Người, cùng người mang vác những khổ lụy trong cuộc hành trình của chúng ta, để cùng Người nếm hưởng phúc vin quang. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

 

 

 

 

Nguồn tin: