Diễn Văn Lễ Khai Giảng Năm Học 2023-2024

Sat,09/09/2023
Lượt xem: 3713

Trọng kính Đức Cha Phêrô, Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh.

Kính thưa Cha Tổng Đại diện Giáo phận Hà Tĩnh,

Kính thưa quý Cha và anh em Chủng sinh.

Trong cuộc Hội nghị Thường niên các Đại Chủng viện tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Đồng hành toà trong và Đồng hành toà ngoài” diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 2023, sau các bài thuyết trình là các giờ thảo luận, các tham dự viên đã nêu lên những thuận lợi và những khó khăn trong công tác đồng hành. Khó khăn do thiếu nhân sự, khó khăn đến từ chủ quan người đồng hành, khó khăn đến từ phía người người được đồng hành, khó khăn do thời cuộc, khó khăn về khác biệt thế hệ, khó khăn vì ngôn ngữ người trẻ dùng … Những khó khăn đôi khi dẫn đến những áp lực và bế tắc, có những bế tắc không lối thoát.

Có cách gì để tìm ra lối thoát không? Năm học 2022-2023, Trường ta đã chọn câu châm ngôn “Sự thật sẽ giải thoát anh em” ( Ga,8,23) làm ý lực sống. Nếu sống trong sự thật, chúng ta sẽ được giải thoát, mọi bế tắc sẽ được khai thông, lịch sử đời mình sẽ được nhìn nhận cách sáng suốt, động lực ơn gọi sẽ được thanh luyện, những lắt léo quanh co sẽ được uốn nắn, các mối tương quan sẽ được sáng tỏ và cải thiện. Như thế, phải chăng là sau một năm tập sống cách triệt để theo sự thật, chúng ta được tự do hơn, trưởng thành hơn, con đường chúng ta đến với Chúa đã tự nhiên hơn, và lương tâm chúng ta đã thanh thản hơn trong việc sẵn sàng việc chấp nhận ý Chúa, ngay cả những điều trái ý mình?

Có thể đâu đó chúng ta vẫn cảm thấy: dù tôi đã cố gắng sống và hành động theo sự thật, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện bao nhiêu, cuộc sống Chủng viện vẫn là một gánh nặng, việc gặp gỡ cha đồng hành vẫn là việc bất đắc dĩ, gặp vì bổn phận chứ không gặp vì được thôi thúc. Mỗi lần gặp cha đồng hành, tôi cốt tìm những câu chuyện trình bày sao cho qua giờ gặp gỡ. Trong những trường hợp đó, chúng ta phải phải đặt lại vấn đề. Sự thật mà chúng ta vẫn quy chiếu là sự thật nào? Sự thật đến từ Chúa hay đến từ hướng nào? Nhìn ra phạm vi rộng lớn hơn, chúng ta thấy bao nhiêu vụ tranh chấp, cãi vã, kiện tụng và tố cáo nhau trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên phương diện truyền thông, kể cả trong Giáo hội. Ở những nơi đó, ai cũng nhân danh sự thật, ai cũng cho là mình phục vụ  công lý, ai cũng cho là mình đang nỗ lực triệt phá điều gian dối, nhưng sự thật lại khác, sự thật nhiều khi bị lạm dụng, bị bóp méo, và hậu quả tai hại khôn lường.

Trong phiên khai mạc Hội nghị Thường niên vừa qua, Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang có đề cập đến chuyện chiếc cặp mà 2 vị công an trao cho nhau. Ông Nguyễn Anh Tuấn khai là cặp chứa 450 ngàn đô la, trong lúc đó, ông Hoàng Văn Hưng lại nói là chỉ có 4 chai rượu vang trong cặp. Ông Hưng lập luận rằng, tôi nhận chiếc cặp, nhưng không ai thấy trong chiếc cặp tôi nhận có thứ gì, thì không thể kết luận trong đó là tiền. Cũng trong cách lập luận đó, trong đạo chúng ta cũng có những người có lỗi nặng, nhưng vì không có “bằng chứng” nên không bao giờ nhận lỗi. Và ngài kết luận rằng, phải hết sức cố gắng thanh luyện lương tâm, làm sao có thể nhận ra sự thật. Sự thật, dù không có bằng chứng, nó vẫn là sự thật, và người chủng sinh, cũng như bất cứ ai phải nhận ra sự thật đó vì lương tâm, chứ không phải chỉ khi đủ bằng chứng mới chịu nhận. Sự thật vì chính nó chứ không phải chỉ vì nó đã bị phát hiện. Nếu có những trường hợp nguỵ biện tráo trở như thế, quá trình đào tạo chỉ là tiến trình hợp thức hoá cho thiên chức linh mục, một mục tiêu mà người ta phải dùng mọi cách bao chiếm cho bằng được. Trong hoàn cảnh đó, đào tạo mà thật ra không có đào tạo, vì đào tạo là phải biến đổi. Một khi người ta cố tình che giấu những sai lỗi, không bao giờ có sự biến đổi.

Nhưng điều gì bảo đảm cho sự thật? Bởi ý thức Lời Chúa là chân lý, năm nay Trường chúng ta chọn câu châm ngôn: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 119,125).

Thế giới loài người chẳng ai tự nhận là mình sống trong sai lạc. Sự thật vẫn là điều mà người ta dựa vào để biện minh cho mọi hành vi và ngôn từ của mình. Điều quan trọng là cái được gọi là sự thật đó căn cứ vào đâu? Nếu chỉ dựa vào quan điểm cá nhân hay ý thức hệ, thì sự thật đó nhiều khi chỉ là chiếc bình phong che đậy những khuất tất hoặc nó không thể là sự thật toàn vẹn.

“Một điều dễ nhận thấy là trong lúc người ta vẫn nhân danh Chúa, nhưng nói không đúng và làm không thật. Việc nhân danh Chúa cũng phải có sự phận định rõ ràng. Người ta dễ bị cám dỗ phóng chiếu vào Chúa mọi tư tưởng của mình, biến Chúa thành một thứ ngẫu tượng như người ta mong muốn, chứ không phải như Thiên Chúa LÀ chính ngài. Thậm chí người ta còn có tham vọng níu kéo Thiên Chúa về phía mình” (Sống Trong Sự Thật, cùng người viết). Đây cũng là biểu hiện của tệ nạn “tự cho là mình nắm giữ trọn vẹn sự thật về Thiên Chúa thay vì phải tìm cách để cho sự thật ấy nắm giữ mình” (Tóm lược HTXH của GHCG, 515).

Cũng có thể người ta thành tâm tìm kiếm sự thật, nhưng vì khả năng hạn hẹp và thái độ sống khép kín, lại bị bao bọc bởi thành kiến, sự thật mà người ta tìm đến chỉ là sự thật nửa vời, méo mó và lệch lạc. Chỉ dưới ánh sáng của Lời Chúa, sự thật mới được hiển thị cách rạng ngời.

Thế nhưng, không ít người vẫn ngang nhiên công bố là mình sống theo Lời Chúa nhưng hành xử lại không đúng. Xin mọi người nhập tâm lời thánh Phê-rô: Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh.Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,20-21).

Nếu đã kiên trì và thành tâm thiện chí tìm kiếm sự thật nhưng có khi vẫn không tránh khỏi mê lầm sai lạc, người ta cần khiêm tốn cầu nguyện, xin ơn phân định để nhận ra thần khí chân thật và thần khí dối trá.

Trong suốt hành trình “đào tạo người môn đệ” (x. Ratio 2016, 61-67) và đào tạo cho “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (x. Ratio 16, 68-73), chúng ta được nhào nặn và khuôn đúc trong điều kiện nghiêm nhặt dựa vào Ratio. Bên cạnh đó, mỗi năm chúng ta lại chọn cho mình một câu châm ngôn làm ý lực sống, để thổi thêm luồng sinh khí mới, giúp thêm động lực phấn đấu. Chúng ta ai cũng cho là mình đang sống theo sự thật và hành động cho sự thật. Nhưng sự thật đó chỉ được sáng tỏ mỗi khi chúng ta để cho Lời Chúa “dẫn đường (ta) đi”. Lời Chúa được ghi chép trong Kinh thánh, được triển khai theo truyền thống chính thức của Hội Thánh. Chúa cũng nói với mỗi người trong thinh lặng và trong cầu nguyện. Ơn phân định sáng suốt là điều luôn cần thiết đối với mọi người. Chúng ta cần tập luyện cho mình được tinh thần sẵn sàng như cậu bé Sa-mu-en xưa: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3, 10).

Năm nay Trường ta chào đón anh em lớp mới là khoá XVIII, cũng là năm chúng ta chuẩn bị nốt những điều cần thiết cho anh em khoá XV ra Trường. Dù là người mới đến, hay người chuẩn bị ra đi, dù là người dạy hay người học, dù là người đồng hành hay người được đồng hành, chúng ta phải sống và hành động trong sự thật dưới ánh sáng Lời Chúa. Trong thời buổi khủng hoảng về sự tín nhiệm diễn ra ở mọi cấp độ thế này, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân cho sự thật: Mọi lời ta giảng dạy phải thật, mọi điều ta tiếp thu, rèn luyện phải trong sự thật, mọi điều ta lượng giá đều phải thật, mọi cung cách hiện diện và xử sự của chúng ta cũng phải thật. Có như thế, chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ.

Trong tâm tình ý thức khả năng hạn hẹp và bản tính yếu hèn lầm lỗi của mình, chúng ta khiêm nhường cầu xin Thánh Thần Chân lý là thầy dạy tuyệt đối dẫn lối thầy trò chúng ta, để chúng ta mạnh dạn bước vào năm học mới với niềm hy vọng, cùng nhau phấn đấu trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Xin trân trọng cảm ơn!

Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ năm 2023.

 

                                                  Lm.Phêrô Nguyễn Văn Vinh    

                                   GĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê 

 

 

 

 

Nguồn tin: