TÌM HIỂU CON NGƯỜI VÀ TRIẾT THUYẾT CỦA ARISTOTE
***
***
CHƯƠNG II
SIÊU HÌNH HỌC
***
I. “Mọi người tự bản tính đều ham hiểu biết.” Aristote mở đầu bộ Siêu Hình học một cách lạc quan như thế. Bộ sách, đúng ra là một sưu tập các bài thuyết trình, rất khó đọc (triết gia Avicenna, người Ả rập, bảo rằng ông đã đọc Siêu Hình học của Aristote 40 lần mà không hiểu), nhưng đó là bộ sách cực kỳ quan trọng nếu muốn hiểu biết triết học Aristote, con người đã có ảnh hưởng kỳ lạ đến tư tưởng Âu châu sao đó[1]. Nhưng mặc dù mọi người đều ham hiểu biết, có nhiều mức hiểu biết (tri thức) khác nhau. Thí dụ, con người kinh nghiệm mà thôi (more exprerience), như Aristote gọi, có thể biết rằng một phương thuốc nào đó có tác dụng với ông X khi ông này bị bệnh, mà không hiểu lý do tại sao, trong khi đó con người tinh tế (of art) biết tại sao, chẳng hạn biết ông X bị sốt và biết phương thuốc đó có một đặc tính nào đó đẩy lùi cơn sốt. Người đó tri thức được một cái phổ quát, bởi vì biết rằng phương thuốc đó sẽ chữa lành bất cứ ai bị chứng bệnh đó. Như vậy, sự tinh tế (art) nhằm tạo ra được cái gì đó tốt, nhưng không phải là Khôn ngoan theo quan điểm của Aristote, bởi vì sự Khôn ngoan cao nhất không nhằm tạo ra điều gì cả hoặc đạt được một hiệu quả nào đó – nó không vụ lợi – nhưng nhằm lĩnh hội được những nguyên lý đệ nhất, nghĩa là nhắm đến tri thức vì đó là tri thức. Aristote tự đặt con người tìm tri thức vì tri thức ở chỗ đứng cao hơn ông là kẻ tìm tri thức được một cái đặc thù nào đó tốt vì muốn đạt được một hiệu quả thực tiễn nào đó. Nói cách khác, khoa học coi trọng hơn cái đáng ao ước vì đáng ao ước, chứ không phải chỉ nhắm đến các hậu quả của nó mà thôi.
Khoa học (đáng được tri thức chỉ vì tri thức) này là khoa học các nguyên lý hoặc nguyên nhân đệ nhất, một khoa học bắt đầu bằng sự ngạc nhiên. Con người bắt đầu thấy các sự vật là lạ lùng, mong nuốn được giải thích để hiểu biết được những vật mình trông thấy, và như vậy triết học thoát thai từ lòng ham muốn hiểu biết chứ không phải dựa trên sự hữu ích nào đó mà tri thức có thể đắc thủ. Vậy thì khoa học này nằm trong số tất cả những khoa học được cho là tự do hoặc tự nguyện, giống như một con người tự do, nó hiệu hữu vì chính nó chứ không phải vì một ai khác. Như vậy, theo Aristote, Siêu Hình học là sự Khôn ngoan par excellence (tuyệt hảo), và triết gia, tức là kẻ yêu sự Khôn ngoan, là người ao ước tri thức được nguyên nhân tối chung và bản tính của Thực Tại, và mong muốn rằng tri thức là vì tri thức. Do đó, Aristote là nhà “giáo điều” theo nghĩa ông cho rằng tri thức có thể đạt được, mặc dù dĩ nhiên ông không phải là một nhà giáo điều theo nghĩa đặt các học thuyết ra trước mà chẳng lo chứng minh.
Vì thế sự Khôn ngoan xét đến những nguyên lý và nguyên nhân đệ nhất của các sự vật, và như vậy là tri thức phổ quát ở mức độ cao nhất. Điều này có nghĩa rằng đó là khoa học xa cách nhất với cảm giác, khoa học trừu tượng nhất, và như vậy là khoa học khó nhất trong các khoa học vì đòi hỏi nỗ lực rất lớn của tư tưởng. “Sự nhận biết cảm quan thì thường tình đối với mọi người, do đó mà dễ và không có dấu ấn của sự Khôn ngoan.” Nhưng, mặc dù đó là khoa học trừu tượng nhất, theo quan điểm của Aristote, đó là khoa học chính xác (exact) nhất, “bởi vì những khoa học đòi hỏi ít nguyên tắc hơn thì chính xác hơn những khoa học đòi hỏi nhiều nguyên tắc, chẳng hạn số học chính xác hơn hình học.” Hơn nữa, khoa học này tự nó khả tri nhất, bởi vì nó xét đến những nguyên lý đệ nhất của các sự vật, và các nguyên lý này tự chúng đúng là khả tri hơn các áp dụng (applications) của chúng (bởi vì các áp dụng này lệ thuộc các nguyên lý đệ nhất, chứ không phải ngược lại), mặc dù không phải do đó mà chúng khả tri nhất đối với chúng ta, bởi vì nhất định chúng ta phải bắt đầu với những sự vật đối tượng của cảm giác và buộc phải cố gắng nhiều trong việc trừu xuất (rational abstraction) để đi từ những cái được chúng ta tri thức trực tiếp, những đối tượng cảm giác, đến những nguyên lý tối chung của chúng.