Tính Thuyết Phục Trong Lập Trường Của Thánh Augustine Về Vấn Đề Sự Dữ

Thu,18/11/2021
Lượt xem: 1791

  

Thánh Augustine (354-430)
(Hình ảnh từ internet)

Phaolô Ngân Nguyễn Thành Ân, S.J.

Làm thế nào để có thể hòa hợp sự tồn tại của sự dữ với quan niệm có một vị Thiên Chúa toàn năng và toàn thiện? Đứng trước thách đố này, thánh Augustine, một đại diện của truyền thống Kitô giáo, đã nỗ lực tìm kiếm và đưa ra cách giải quyết cho vấn nạn đặt ra. Nhưng liệu những giải đáp này có thực sự thuyết phục được hết thảy mọi người hay không? Từ câu hỏi này, người viết tìm hiểu quan niệm của thánh Augustine về vấn đề sự dữ, cũng như những phản biện khác nhau về cách quan niệm này. Từ đó, dưới góc độ cá nhân, người viết thử xem xét giải đáp của thánh Augustine có thực sự thuyết phục được lý trí con người hay không.

Đặt vấn đề

Làm thế nào để có thể hòa hợp sự tồn tại của sự dữ với quan niệm có một vị Thiên Chúa toàn năng và toàn thiện? Đây là câu hỏi không thể giải gỡ cách dễ dàng được. Thật vậy, nếu giả định một cách hợp lý rằng có một vị Thiên Chúa hoàn toàn tốt lành, chỉ luôn muốn những điều thiện hảo và Ngài cũng có quyền năng vô hạn để làm được mọi điều Ngài muốn, điều chắc chắn sự dữ sẽ không bao giờ tồn tại. Tuy nhiên, sự thực sự dữ lại tồn tại. Vì thế có thể kết luận rằng hoặc Ngài không thể làm được mọi điều thiện hảo Ngài muốn, nói khác đi Ngài không phải là Đấng toàn năng; hoặc Ngài phải muốn sự dữ tồn tại dù Ngài có khả năng không để nó hiện diện, vậy hóa ra Ngài không thiện hảo. Để có thể trả lời cho câu hỏi đặt ra, triết học chỉ còn cách hoặc phải chối bỏ một trong hai đặc tính của Thiên Chúa, toàn năng và toàn thiện, thậm chí là chối bỏ luôn sự hiện hữu của Ngài, hoặc chối bỏ sự tồn tại của sự dữ. Nói như vậy để thấy được rằng xét dưới góc độ luận lý của lý trí, việc hòa hợp sự dữ với quan niệm Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện dường như là điều bất khả.

Đứng trước thách đố này, thánh Augustine, một đại diện của truyền thống Kitô giáo, đã nỗ lực tìm kiếm và đưa ra cách giải quyết cho vấn nạn đặt ra. Tuy nhiên, khi có cơ hội tiếp cận với tư tưởng của thánh Augustine về vấn nạn này, người viết đã tự đặt vấn đề cho chính mình rằng “Liệu những giải đáp này có thực sự thuyết phục được hết thảy mọi người hay không?” Từ câu hỏi nền tảng này, người viết bắt đầu tìm hiểu quan niệm của thánh Augustine về vấn đề sự dữ, cũng như những phản biện khác nhau về cách quan niệm này. Từ đó, dưới góc độ cá nhân, người viết thử xem xét giải đáp của thánh Augustine có thực sự thuyết phục được lý trí con người hay không.

Như vậy, để làm rõ vấn đề người viết đặt ra, bài viết sẽ tập trung xem xét ba phần sau đây:

1.  Vấn nạn sự dữ dưới cái nhìn của thánh Augustine

2.  Một số phản biện dành cho thánh Augustine

3.  Một số ghi nhận cá nhân về tính thuyết phục nơi các suy tư của thánh Augustine

Cũng nên nói thêm rằng, sở dĩ đặt ra câu hỏi này là vì người viết hiểu rằng dù muốn dù không, thánh Augustine cũng sẽ phải nại đến Kinh Thánh, đến Đức Tin Kitô giáo, trong cách giải quyết vấn đề của mình. Chính vì thế, người viết muốn xem thử nếu chỉ bằng lý trí đơn thuần, tư tưởng này có thuyết phục được mọi người hay không.

1.  Vấn nạn sự dữ dưới cái nhìn của thánh Augustine

Thực ra, lối nẻo giải quyết vấn đề của thánh Augustine bao gồm hai phần: trước hết ngài cố gắng bảo vệ quan niệm truyền thống của Kitô giáo về một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện trước vấn nạn sự dữ. Từ đó, ngài đi tới chỗ truy tìm nguồn gốc sự dữ, khi sự dữ không phải là do Thiên Chúa làm nên.

Thật vậy, để bảo vệ quan niệm truyền thống Kitô giáo, thánh Augustine đã khởi đi từ một số điểm gợi hứng trong suy tư của Plotinus, khi bàn về Nhất Thể, hữu thể tuyệt đối, vốn không có sự dữ hiện diện. Thánh Augustine nhận thấy rằng thực tại duy nhất ấy phần nào đó có thể áp dụng cho Thiên Chúa của Kitô giáo. Tức là, Thiên Chúa “là hữu thể tối thượng, sung mãn và vĩnh hằng.”[1] Hơn nữa, theo thánh Augustine, vì Ngài là hữu thể tối thượng, hữu thể sung mãn nhất nên Ngài cũng được xem là sự thiện tuyệt đối, “một sự thiện cao vời hơn những gì con người có thể nghĩ tưởng được.”[2]

Không dừng lại ở đấy, thánh Augustine chỉ ra Ngài cũng chính là Đấng sáng tạo nên vũ trụ này. Từ hư vô, Ngài đã tác tạo nên mọi sự, “creatio ex nihilo.”[3] Điều đáng chú ý là “mọi sự do Ngài tác tạo nên đều tốt lành”, bởi nó là công trình của Đấng thiện hảo và quyền năng.[4] Thậm chí, thánh Augustine còn khẳng định thêm rằng Thiên Chúa sẽ không sáng tạo nên sự vật, nếu như Ngài biết sự vật ấy không tốt lành.[5]

Với cách nhìn như thế, thánh Augustine đã giúp làm nổi bật lên một vị Thiên Chúa, vốn vô cùng tốt lành và đầy quyền năng. Ngài không tạo ra sự dữ. Tất cả mọi thứ Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp và diễn tả được ý định sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng vô cùng thiện hảo.

Tuy nhiên, nếu mọi sự khởi đầu đều tốt lành, đều thiện hảo, vậy sự dữ bắt nguồn từ đâu? Tại sao nó lại xuất hiện?

Đối diện với những tra vấn này, thay vì trốn tránh vấn đề bằng cách phủ nhận sự tồn tại của sự dữ, thánh Augustine đã chọn cách thế thừa nhận sự tồn tại của nó.[6] Dù thừa nhận, nhưng thánh Augustine lại có cái nhìn khác về sự dữ. Sự dữ theo thánh Augustine không phải là một thực thể tích cực (positive entity), nhưng chỉ là “một tình trạng thiếu vắng sự thiện.”[7] Xa hơn, thánh Augustine còn tổng quát hóa lên rằng “sự dữ luôn luôn hệ tại một sự thiếu hụt, thiếu vắng, hay một sự rối loạn trong hoạt động của một đối tượng nào đó, vốn tự bản chất là tốt.”[8]

Về điểm này, thánh Augustine đã lấy tật mù làm ví dụ. Mù không phải là một sự vật, nhưng chỉ là một tình trạng không nhìn thấy của đôi mắt, vốn tự bản chất là tốt. Nói khác đi, sự ác của tật mù hệ tại sự rối loạn trong chức năng của đôi mắt.[9]

Tuy nhiên, tại sao lại cần quan niệm như thế? Nếu thừa nhận sự dữ là một thực thể, một sự vật, thì vấn đề sự dữ sẽ không giải quyết được. Quả vậy, hệ quả của việc xem sự dữ là một đối tượng sẽ dẫn đến chỗ buộc phải quan niệm Thiên Chúa là Đấng cho sự dữ hiện hữu, và như thế Ngài không thiện hảo; còn nếu Ngài không tạo nên nó, thì hầu chắc rằng Ngài không là Đấng tạo hóa toàn năng.[10]

Hơn nữa, nhiều người sẽ thắc mắc tại sao lại có tình trạng thiếu vắng và rối loạn này, trong khi vũ trụ nguyên thủy được Thiên Chúa dựng nên cách hài hòa, tốt đẹp. Theo thánh Augustine, nguyên nhân sâu xa là do chọn lựa sai của các hữu thể có ý chí tự do (liberum arbitrium). Nói cách khác, sự dữ khởi đi từ những chọn lựa sai của các thiên thần và con người, những hữu thể mang nơi mình ý chí tự do.

Thực vậy, hễ nói đến ý chí tự do là nói đến những khả thể chọn lựa khác nhau và quyền chọn lựa một trong những khả thể ấy với sự cân nhắc của những hữu thể có ý chí tự do. Để duy trì được trật tự hài hòa, tốt đẹp của vũ trụ nguyên thủy này, điều đòi buộc con người và thiên thần phải chọn lựa đúng. Tức là có một sự hòa hợp giữa ý muốn của các hữu thể này với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này đã không thể duy trì được, bởi con người và thiên thần đã có những chọn lựa đối ngược lại với Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tuyệt đối. Trật tự hài hòa bị phá vỡ và đánh mất.

Các thiên thần đã rời bỏ sự thiện tuyệt đối, để đi tìm các sự thiện kém hơn, và do đó sự dữ xuất hiện.[11]

Vì ý chí đã quay lưng lại với sự thiện tối thượng, để tìm kiếm sự thiện cho riêng mình và những thứ bên trong và ngoài mình, nên sự dữ xuất hiện. Nó tìm sự thiện của riêng nó, vì nó ao ước tự mình làm chủ mình; tìm những thứ bên ngoài mình, vì nó khao khát được sở hữu những thứ vốn thuộc về người khác; tìm những thứ bên trong mình, vì nó thèm muốn khoái lạc. Theo những cách như vậy, con người trở nên kiêu ngạo, tò mò, khát tục, và cuối cùng bị cầm giữ bởi một cuộc sống, vốn được ví sánh như sự chết.[12]

            Tựu trung, “chính ý chí xấu là nguyên nhân của tất cả sự dữ.”[13] Sự dữ là sản phẩm của ý chí tự do. Thiên Chúa không tạo nên sự dữ.

            Không chỉ vậy, theo thánh Augustine, sự sa ngã của con người cũng đồng thời làm cho thiên nhiên bị hư hỏng, vì con người, kẻ cai quản vũ trụ này đã hư vong, nên trong mối liên hệ với người chăm sóc nó, vũ trụ cũng hư hoại theo. Từ đây, thánh Augustine chỉ ra rằng mọi thiên tai, bệnh tật và ngay cả việc có hỏa ngục đều là hình phạt của tội, của sự dữ.[14]

            Tóm lại, học thuyết của thánh Augustine đã đạt được mục đích của nó trong việc bảo vệ Thiên Chúa. Ngài là Đấng vô cùng thiện hảo và uy quyền. Ngài không phải là tác giả của sự dữ. Sự dữ bắt nguồn từ việc lạm dụng tự do của con người, của thiên thần. Để rồi, cả thế giới và con người phải gánh lấy đau khổ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan niệm này cũng gặp phải một số chất vấn về tính thuyết phục của nó. Vậy những chất vấn đó là gì? Đây là điều sẽ được bàn trong phần tiếp theo.

2.  Một số phản biện dành cho thánh Augustine

Trong phần này, bài viết sẽ dựa vào hai bài viết, một của John H. Hick[15] và một của J. L. Mackie[16] để nên lên một vài phản biện về quan niệm sự dữ của thánh Augustine.

Trước hết, trách vấn cơ bản nhắm vào nguồn gốc của sự dữ. Như đã phân tích ở trên, sự dữ bắt nguồn từ việc con người đã lạm dụng tự do của mình, để không tuân theo ý định tốt đẹp ban đầu của Thiên Chúa. Chính con người phải chịu trách nhiệm cho chọn lựa sai lầm của mình. Tuy nhiên, xét cho cùng, J. Hick nhận thấy chính Thiên Chúa mới là Đấng chịu trách nhiệm cho sự xuất hiện của sự dữ, vì chính Ngài đã ban cho con người ý chí tự do. Đây là điểm J. Hick đã không đồng ý với thánh Augustine.

Hơn nữa, để cho trách vấn của mình thêm sức thuyết phục, J. Hick phần nào đó đã dùng những suy tư của thánh Irenaeus nhằm cho thấy Thiên Chúa sai lầm thế nào khi ban cho con người ý chí tự do, và vì đó sự dữ xuất hiện. Thật vậy, J. Hick ghi nhận rằng, theo thánh Irenaeus, ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã quyết định không làm cho con người trở nên hoàn hảo. Lý do là vì con người chưa đủ trưởng thành để đảm nhận tự do và ơn gọi làm Con Thiên Chúa. Con người cần một tiến trình học hỏi và đào luyện, để tiến tới mức trưởng thành trong tự do. Với cái nhìn như thế, sự dữ được xem như một điều kiện cần để giúp con người đào luyện đến mức thành toàn. Theo J. Hick, quan điểm của thánh Irenaeus mới giúp cho Thiên Chúa thoát khỏi tình cảnh bị truy cứu trách nhiệm, và vấn đề sự dữ cũng trở nên hợp lý hơn với lý trí con người.[17]

Cũng vậy, Mackie đã đặt vấn đề về trách nhiệm của Thiên Chúa về sự tồn tại của sự dữ. Mackie lý luận rằng khi ban cho con người tự do, Thiên Chúa hầu chắc phải biết rằng với tự do này con người có khả năng chọn lựa điều sai, nói khác đi, Ngài biết con người có khả thể gây ra sự dữ, vì Ngài là Đấng toàn năng. Thế tại sao Ngài lại ban cho con người? Như vậy, Ngài phải chịu trách nhiệm cho vấn đề sự dữ này.[18] Thực ra, Mackie nhận thấy Thiên Chúa có thể khắc phục khó khăn trên bằng cách Ngài có thể ban cho con người tự do, nhưng tự do ấy là tự do luôn luôn chọn điều thiện.[19]

Điểm trách vấn thứ hai, theo J. Hick, quan điểm của thánh Augustine ngày hôm nay không được những người chủ trương thuyết tiến hóa đồng ý. Bằng cách nêu dẫn ra các bằng chứng khoa học, họ bác bỏ quan niệm mọi thiên tai, bệnh tật… là hệ quả của việc con người sa ngã. Thật vậy, trước khi con người xuất hiện, thế giới này đã có bão tố, động đất… [20]

Cuối cùng, J. Hick cho rằng học thuyết của thánh Augustine không thể giải quyết được vấn nạn sự dữ nơi thế giới này, dù có nêu dẫn ra hình phạt hỏa ngục dành cho kẻ ác tâm. Sự dữ ngày càng nhiều, thế giới ngày càng bị tổn thương hơn.[21]

            Tuy nhiên, những phản biện trên đây có thực sự xác đáng hay không? Nếu nghe được, thánh Augustine sẽ nói gì để biện minh cho quan điểm của mình?

3.  Ghi nhận cá nhân về tính thuyết phục nơi các suy tư của thánh Augustine

Tác giả bài viết này sẽ thử cố gắng đặt mình vào vị thế của thánh Augustine để đưa ra phản hồi cho những phê bình trên, và từ đó, sẽ mạo muội đưa ra nhận định cá nhân của mình.

Thực ra, nơi trách vấn đầu tiên, J. Hick và Mackie dường như không được thuyết phục khi cho rằng chính việc làm dụng tự do của các hữu thể có ý chí tự do đã gây nên sự dữ, chứ không phải Thiên Chúa. Theo họ, chính Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm cho chuyện này.

Ở đây, theo lý luận của họ, người viết nhận thấy lý do Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm là Ngài đã không làm, dù Ngài có thể tạo dựng nên con người mà không ban cho họ tự do; hoặc Ngài có thể tạo dựng nên con người luôn luôn có tự do làm điều thiện, nói khác đi, Thiên Chúa có thể làm cho con người có tự do, nhưng không bao giờ phạm tội. Những khả thể đó đối với Thiên Chúa không có gì khó, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể.

Khi nói như vậy, dường như cả J. Hick và Mackie đang muốn đánh đổ quan niệm truyền thống của Kitô giáo về một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện. Có lẽ, họ muốn chọn lối nẻo giải đáp thông thường của triết học, như đã được nêu dẫn ở phần dẫn nhập.[22]

Tuy nhiên, khi xét khả thể thứ nhất, dường như có sự lầm lẫn ở đây. Nhầm lần ở chỗ họ nghĩ họ có thể làm cho một tam giác có ba cạnh giống như chuyện họ làm cho cái bàn trở nên sạch sẽ và sáng bóng. Đúng là họ có thể làm cho cái bàn trở nên sạch sẽ và sáng bóng, nhưng họ không thể nào làm cho một tam giác có ba cạnh. Lý do là vì tam giác có ba cạnh là điều thuộc về yếu tính của tam giác. Một cách tương tự như thế, ý chí tự do là điều thuộc về yếu tính của con người.[23] Con người sẽ không phải là con người nếu như không có ý chí tự do, khi đó có thể con người là một con vật hay một cỗ máy nào đó.

Hơn nữa, nếu như thế giới này không có con người có tự do, thì thế giới đó sẽ không có tình yêu. Theo Peter Kreeft, tình yêu chỉ nảy sinh từ ý chí tự do. Loài vật không có biết yêu, chúng chỉ có tương quan với nhau theo bản năng của nó mà thôi.[24] Thế nên, khả thể này có vẻ như đang đưa thế giới đến chỗ nhàm chán và nghèo nàn.

Còn về khả thể thứ hai, điều này sẽ đẩy Thiên Chúa đến chỗ tự mâu thuẫn với chính mình. Ngài tự mâu thuẫn vì Ngài đã tạo nên một thế giới có tự do để chọn lựa điều tốt hay điều xấu, nhưng đồng thời lại không có khả năng chọn lựa điều xấu. Đưa ra khả thể như thế, khác nào bảo Thiên Chúa tạo nên một bông hoa có mùi thơm không mùi.

Hơn nữa, xét về mặt luận lý, luật không mâu thuẫn thuộc về chân lý khách quan. Nó không là sản phẩm của con người. Con người chỉ có khám phá ra nó nơi thực tại phổ quát và khách quan này. Sâu xa hơn, nếu truy nguồn về cái uyên nguyên, cội nguồn của thực tại, điều phải ghi nhận là luật không mẫu thuẫn được bắt nguồn từ Đấng là chân lý. Đấng ấy chính là Thiên Chúa, vốn không thay đổi và luôn nhất quán với chính Ngài. Vì lẽ đó, Thiên Chúa sẽ không làm điều gì mâu thuẫn với chính Ngài.

Chung quy lại, theo những bàn luận này, việc Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho họ ý chí tự do là điều hợp lý và chính đáng. Không có gì sai nơi hành động này. Đấy là hành động tốt đẹp và hoàn hảo. Còn việc có duy trì sự tốt đẹp và hoàn hảo ấy hay không, điều đó tùy thuộc vào con người. Nói như thế ngầm ý khẳng định chính con người phải chịu trách nhiệm cho hành động sai trái của mình.

            Đối diện với trách vấn thứ hai, quan niệm của thánh Augustine có lẽ phải khiêm tốn hơn, bởi tính hữu lý của các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, quan điểm của thánh Augustine cũng có sức thuyết phục, khi cho rằng các tại họa thiên nhiên là hình phạt của tội lỗi. Sự cố môi trường biển ở sáu tỉnh miền Trung là một ví dụ minh họa. Chính con người cố tình gây ra ô nhiễm, và hệ lụy sau đó là biết bao con người phải chịu khổ. Thế nên, theo cái nhìn này, cách giải thích của thánh Augustine phần nào đó cũng thuyết phục được lý trí con người.

            Về trách vấn cuối cùng, phải thừa nhận rằng sự dữ không những không biến mất, nhưng ngày càng ăn sâu vào trong cấu trúc của thực tại. Điều đó cho thấy suy tư của thánh Augustine về hình phạt dành cho kẻ ác tâm có lẽ không mấy hiệu quả trong việc đẩy lùi sự dữ. Phải chăng những suy tư ấy chưa thực sự đụng đến cuộc sống nhân sinh cách thực tiễn? Nếu đúng vậy, thì suy tư của thánh Augustine không hy vọng để xua tan đi những nỗi khốn khổ, đau đớn, bệnh tật của con người.

Tuy nhiên, cách nào đó, suy tư của thánh Augustine cũng giúp mở ra lối nẻo hy vọng cho con người, khi chỉ ra chính hành động tự do của mình làm cho sự dữ xuất hiện. Điều ấy mời gọi con người thay đổi trong hành động của mình, ý thức để chọn đúng hơn. Nhờ đó thế giới này thêm tốt hơn.

Dầu vậy, biết là một chuyện, nhưng hành động là chuyện khác. Lắm khi lý trí phải chấp nhận chịu thua ý chí trong chọn lựa và hành động. Thế nên, ở điểm này, thánh Augustine buộc phải nại đến Đức Tin Kitô giáo về ân sủng và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này thì không dễ chấp nhận bởi những người không có niềm tin Kitô giáo.

Nói tóm lại, qua những biện minh mang tính cách cá nhân trên đây, vốn có thể chứa đựng nhưng nguy cơ chủ quan và sai lầm trong cách suy tư, một cách chung suy tư của thánh Augustine có phần thuyết phục được lý trí con người, dù có vài điểm khúc mắc. Cụ thể nhất đó là suy tư của thánh Augustine chưa giúp đẩy lùi được cơ cấu sự dữ nơi thế giới này. Có lẽ, đây cũng là lời mời gọi cho con người trong việc suy tư và tìm kiếm giải pháp cho thách đố này.

Kết luận

            Trên đây, bài viết vừa thực hiện công việc xem xét tính thuyết phục trong lập trưởng của thánh Augustine về vấn đề sự dữ. Để có thể làm rõ mục đích này, bài viết đã nêu lên lập trường của thánh Augustine về vấn đề sự dữ, cũng như những phản biện khác nhau cho vấn đề này. Nhìn chung, lý trí con người cũng đồng ý với thánh Augustine về quan niệm Thiên Chúa là Đấng thiện hảo và uy quyền. Sự dữ không do Ngài làm ra, nhưng do chính con người gây nên. Tuy nhiên, bài viết cũng đã chỉ ra được khúc mắc nơi lý trí con người. Làm sao đẩy lùi được sự dữ đây? Biết đâu khúc mắc ấy tiếp tục mở ra chân trời cho nỗ lực suy tư triết học, hầu làm rõ vấn đề hơn.

            Tuy nhiên, nói gì thì nói, suy tư của thánh Augustine cũng góp phần mở ra một khả thể đầy hy vọng cho con người, trong nỗ lực đẩy lùi sự dữ. Con người được mời gọi dấn thân để thay đổi hành động, dám chọn chân lý, dù biết không dễ gì. Đấy là một cuộc chiến không có hồi kết. Ước gì lời mời gọi ấy cứ luôn mãi thôi thúc con người xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn.

[1] TT, Quyển VII, 10, 118. (Augustine, Confessions, trans. F. J. Sheed (Cambridge: Hackett Publishing Company, 1993). Từ này về sau tác phẩm được viết tắt thành TT)

[2] TT, Quyển XII, 15, 242-243; Quyển VII, 4, 110.

[3] CG, Quyển XIV, 13, 309. (Augustine, City of God, trans. Gerald G. Walsh, S.J. (New York: Doubleday, 1958). Tác phẩm từ này về sau sẽ viết tắt thành CG.)

[4] TT, Quyển XIII, 2, 259-260; Quyển XIII, 4, 261.

[5] CG, Quyển XI, 21, 226-228.

[6] TT, Quyển VII, 5, 111.

[7] CG, Quyển XI, 9, 215-217.

[8] CG, Quyển XI, 9, 215-217; Quyển XI, 22, 228-230.

  TT, Quyển VII, 12, 118-119.

[9] TT, Quyển III, 7, 41-43.

[10] Peter Kreeft and Ronald K. Tacelli, Pocket Handbook of Christian Apologetics (Illinois, IUP Academic, 2003), 46-47.

[11] CG, Quyển XII, 6, 250-251.

[12] FW, Quyển II, 9, 53, 199. (Augustine, On the Free Choice of the Will, trans. Peter King (New York: Cambridge University Press, 2010). Tác phẩm từ này về sau sẽ viết tắt thành FW)

[13] FW, Quyển III, 17, 48,164.

[14] John H. Hick, Philosophy of Religion, (New Jersey: Prentice Hall, 1990), 42.

[15] John Hick, 43-44.

[16] J. L. Mackie, “Evil and Omnipotence,” Mind vol. 64, no. 254 (Apr 1955): 200-212.

[17] John Hick, 44-48.

[18] Mackie, 208.

[19] Mackie, 209.

[20] John Hick, 43.

[21] John Hick, 43-44.

[22] Thông thường, triết học chọn cách hoặc là phải chối bỏ một trong hai đặc tính của Thiên Chúa, toàn năng và toàn thiện, thậm chí là chối bỏ luôn sự hiện hữu của Ngài, hoặc là chối bỏ sự tồn tại của sự dữ. Xem thêm Mackie, 201-202.

[23] Peter Kreeft, 50.

[24] Peter Kreeft, 51.

 

Nguồn tin: sjjs.edu.vn