Câu Chuyện Mục Vụ: Đi Đi - Cút Đi!

Wed,17/04/2024
Lượt xem: 128

ĐI ĐI – CÚT ĐI

Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?". Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo". Người bảo chúng rằng: "Cứ đi". Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước. Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ. (Mt 8,28-34).

Sáng ngày 15/4/2024, tôi và thầy giúp xứ lên đường đi thăm viếng mục vụ ông già bà lão và những hoàn cảnh khó khăn. Trên đường đi thăm được một vài nhà rồi, chúng tôi đi qua một gia đình, nơi đó có một người con trai đang làm việc và chào hỏi chúng tôi. Anh hỏi cha đi mô đó? Tôi trả lời: Cha và thầy đi thăm ông già bà lão. Anh nói ngay rằng nhà con cũng có người già nè. Bố con đang nằm trong đó. Tôi nói ok con. Thế là chúng tôi cất xe máy và đi vào theo sự chỉ tay của người con trai. Cha đi vô trong đó. Bố nằm trong đó. Chúng tôi đi vào theo chỉ dẫn của người con trai. Bước vào phía trong sau khi đi qua mấy căn phòng, chúng tôi trông thấy cái ri-đô chắn ngang. Tôi cất lời chào từ ngoài. Chào ông. Tôi tiến vào phía trong, tôi thấy ông đang nằm. Tôi chào ông và ông ngồi dậy. Ông hỏi mấy ông mô đây. Tôi trả lời, dạ, chúng con là Cha Phương ở Cự Tân đây. Hình như cảm giác của ông không được thoải mái. Ông trả lời ngay: Cha của Cự Tân là Cha Phái chứ. Đi đi. Đi đi. Không đón tiếp mô. Ông lại nói tiếp: ông đi mô đây. Con đi thăm ông già bà lão. Ông nói ở đây không cần thăm mô. Ở đây có Cha rồi. Đi đi. Tôi xin phép ngồi bên chiếc ghế và bắt đầu nói chuyện với ông. Không sao đâu ông. Chúng con chỉ đi thăm ông già bà lão và những người bệnh tật thôi mà. Chúng con không phân biệt ai cả. Hơn nữa, vì con trai của ông mời chúng con vào thăm ông đó. Đi đi. Không cần. Lúc đó, chúng tôi chỉ có bịch sữa Fami thôi. Ông cầm lấy bịch sữa và ném sang một bên: cầm về đi, không ăn đâu. Tôi nói đây là sữa ông ạ. Ông uống cho mát ruột. Ông ấy nói: đi đi. Không cần mô. Tôi vẫn cứ cười và hỏi ông: ông có hay được rước lễ và xưng tội không? Ông trả lời không, không. Đi đi. Tôi tiếp tục hỏi: Mùa Phục sinh này ông xưng tội rước lễ chưa? Ông nói đi mô được. (nhưng thực ra các cha đã giải tội và cho rước lễ rồi – cái này được đứa con trả lời sau khi chúng tôi ra về). Nhìn bộ mặt ông rất bất an. (Chúng tôi được kể sau đó bởi người con trai là từ khi mẹ mất, tức là vợ ông mất, ông bắt đầu có hiện tượng trầm cảm, nhớ nhung và không muốn tiếp xúc ai.). Sau một vài lần hỏi chuyện, ông ngồi dậy cầm lấy cái bát tô bằng sứ bắt đầu ném vào tôi và nói: đi đi. Cút đi.

Thực sự mọi người biết không? Gần 10 năm linh mục, bao nhiêu lần đi thăm đủ thứ hạng người chưa bao giờ mà tôi lại sợ và bị “nổi da gà” như hôm nay (Nổi da gà hay còn gọi là sởn gai ốc hay nổi gai ốc là phản xạ tự nhiên của cơ thể. Hiện tượng này thường xảy ra khi bị lạnh hoặc gặp cảm xúc mạnh như sợ hãi, bất ngờ, tức giận, phấn khích). Đang nói chuyện và ngồi rất gần với ông. Ông ngồi dậy và cầm lấy bát tô sứ định ném vào chúng tôi. May chạy nhanh không thì bị một bát vào mặt. Ôi, vẻ mặt và tinh thần lúc đó sao tôi sợ vậy không biết. Thì những lúc như vậy cũng phải phòng thủ chứ, nếu không thì phải thay ảnh căn cước. Hu. Tuy sợ và bỏ chạy ra ngoài, tôi cũng không quên nói vói một câu: chào ông, chúc ông bình an.

Lần đầu tiên, với tư cách là linh mục đi thăm viếng bị một giáo dân, chứ không phải lương dân xua đuổi. Lần đầu tiên tôi có cảm giác ‘sợ’ hãi và bị “nổi da gà” trước một hành động của đàn ông kia khi ông chuẩn bị tấn công tôi. Lần đầu tiên, dù là linh mục nhưng vì không biết hay không muốn biết của người bệnh gọi tôi là ‘ông’.

Làm mục vụ và thăm mục vụ không phải không gặp những trường hợp đau khổ. Họ đau khổ vì mất con; đau khổ vì mất người thân; đau khổ vì mất tinh thần,… Chỉ biết cảm thông và cầu nguyện cho họ và thương lấy họ. Tôi kể câu chuyện thực tế trên không có ý là trách người đàn ông kia nhưng thương cho ông vì nỗi đau thương nhớ bà mà sinh ra khó chịu trước mọi sự. Hãy cầu nguyện cho ông, cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hãy cầu nguyện cho tôi để tôi cũng sẵn sàng mang sự bình an, niềm vui của Chúa Phục Sinh đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và đói nghèo. Không phải kể câu chuyện đó để rồi tôi sẽ nhụt chí và sợ hãi không dám lên đường đi thăm viếng, nhưng ngược lại, nhờ vậy giúp tôi yêu mến những hoàn cảnh đó hơn và tiếp tục tiếp xúc và thăm viếng thường xuyên hơn. Xin Chúa chúc lành cho Ông và hết thảy mọi người, nhất là những người già cả neo đơn, những ông già bà lão, những bệnh nhân và đau khổ.

Phải chăng Đức Giê-su ngày xưa cũng đã nhiều lần bị người ta mời đi chỗ khác, nhiều lần đã không được người ta đón nhận?! Đọc bài Tin mừng trên là một minh hoạ rõ ràng. Là môn đệ của Đức Giê-su, đôi khi hoặc nhiều lúc chúng ta cũng sẽ phải đối diện những nghịch cảnh như thế. Chúng ta đừng ngạc nhiên. Việc truyền giáo và thăm viếng đôi lúc vẫn thuận tiện nhưng cũng không kém phần khó khăn và thử thách. Chúng ta cố gắng lên và đừng sợ hãi nhé.

Chúa ở cùng anh chị em.

Ước gì được như vậy.

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

 

Nguồn tin: