Suy Niệm Lễ Truyền Tin - Thiên Chúa Thành Nhân

Fri,24/03/2023
Lượt xem: 632

 THIÊN CHÚA THÀNH NHÂN

(Is 7,10-14.8,10; Dt 10,4-10; Lc 1,26-38)

Truyền tin, biến cố Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Biến cố này được thánh Luca ghi lại trong phần đầu cuốn Tin mừng thứ 3. Biến cố này được cử hành năm phụng vụ trong việc nối kết với Lễ Giáng Sinh. Vào thế kỷ thứ 4, Lễ trọng này, như chúng ta biết, đã được cử hành vào Chúa nhật IV Mùa Vọng, và việc cử hành vào ngày 25 tháng 3 như ngày nay bắt đầu từ thời Thánh Phêrô Kim Ngôn (405 - 450, Giám mục Ravenna vào thế kỷ thứ 5 (Nơi một trong ba bài thuyết giáo của ngài về Lễ truyền tin). Theo dòng thời gian, Lễ này được gọi bằng là: Việc truyền tin của Thiên Thần cho Đức Trinh Nữ Maria; Việc truyền tin của Đức Kitô; Việc nhập thể của Chúa Kitô.

Khi nói về ý nghĩa thần học của Lễ này, Đức Phaolô VI, trong Tông huấn Marialis cultus đã viết: “Vì Lễ trọng Ngôi Lời Nhập Thể, theo Lịch Rôma, danh xưng cổ kính là Lễ Truyền Tin về Chúa đã cố ý được phục hồi, thế nhưng lễ này đã và đang là một lễ chung về Chúa Kitô và về Đức Trinh Nữ: về Lời là Đấng đã trở nên Con Mẹ Maria (Mk 6:3), và về Trinh Nữ là vị đã trở nên Mẹ Thiên Chúa” (n. 6). Phụng vụ hôm nay được soi sáng nhờ Thánh Vinh 39, lời mà tác giả thư Do thái đặt lên môi miệng Chúa Kitô khi Người bước vào trần gian: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa”. Theo ý hướng ấy, xin gợi lên 3 điểm để cùng suy niệm qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

1. Thi hành thiên ý, sứ mạng Ngôi Lời Nhập thể

Mừng lễ truyền tin không gì khác hơn là chúng ta sống niềm vui ơn cứu độ, Thiên Chúa đi vào trong thời gian và ở giữa chúng ta. Đó là niềm vui mà nhân loại và cả vũ hoàn hằng mong ngóng đợi chờ. Ngôi Lời Thiên Chúa, vốn là Thiên Chúa ở cùng Thiên Chúa và là Thiên Chúa từ nguyên thủy, hiện diện trong ánh sáng siêu phàm nay đã trở nên như chúng ta. Chân lý này được thánh Leo Cả diễn ta: “Đấng uy nghi đã nhận lấy thân phận thấp hèn; Đấng quyền năng nhận kiếp người yếu đuối. Đấng hằng hữu nhận xác phàm phải chết… Thiên Chúa thật đã mang lấy đầy đủ và nguyên vẹn bản tính của một con người thật mà sinh ra.[1]

Trong Marialis cultus, Đức Phaolô VI viết: “Đối với Chúa Kitô, Đông phương lẫn Tây phương, nơi các kho tàng khôn cùng về phụng vụ của mình, cử hành lễ trọng này như một tưởng niệm về việc “xin vâng” cứu độ của Lời Nhập Thể, Đấng khi vào thế gian đã thưa: “Lạy Thiên Chúa, này con đây! Con đến để tuân hành ý Chúa”. Cả Đông lẫn Tây đều tưởng niệm việc xin vâng này như khởi đầu của việc cứu chuộc và của mối hiệp nhất bất khả phân ly và hôn phối giữa bản tính thần linh với bản tính nhân loại nơi Ngôi Vị Lời duy nhấ” (n. 6).

Với mầu nhiệm Ngôi hiệp, Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong thân phận con người, trở nên giống anh em mình mọi đàng để thực thi ý định cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vậy, thứ gửi tin hữu Do thái đã khẳng đinh:“Để giúp đỡ con cháu Abraham, Người đã nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở nên một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2,17).

Vậy nên, toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô, mà khởi đầu là biến cố Nhập Thể, là để chu toàn ý định cứu độ của Thiên Chúa: Đó là sự thật, là sứ mạng của Ngôi Lời làm người mà bài đáp ca và bài đọc hai đã diễn tả: “Lạy Chúa này con đây, con đến để thực thi ý Ngườii”, và chính Đức Giêsu đã khẳng đinh: Lương thực của Tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Tôi, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34).

2.  Đức Maria, mẫu mực của “sự vâng phục đức tin”

Để cho Ngôi Lời có được một thân xác và thi hành ý Thiên Chúa, Thiên Chúa nại đến sự đáp trả của con người, mà đại diện mà Đức Maria. Có thể nói, khi sứ thần Gabriel mang tin mừng cứu độ cho Đức Maria, cả trời đất như thấp thỏm, hồi hộp chờ sự đáp trả của Mẹ, giây phút đất trời giao duyên, giây phút ma thi sỹ Hàn Mạc Tử đã thốt lên trong lời thơ: “Ave Maria, linh hồn tôi ớn lạnh, run như run thần tử thấy long nhan, run như run hơi thở chạm tơ vàng..”. Và rồi tiếng đáp trả của Mẹ đã làm cho cả trời đất tấu lên khúc khải hoàn:

Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả, 
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng. 
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng 
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể. 
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ 
Tung-hô câu đường hạ ngớp châu sa. 
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa: 
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Qủa thức, lời Mẹ đáp “xin vâng” là tiếng thưa trong huyền nhiệm, là tiếng gọi mời của kỉ nguyên mới, ki nguyên cứu thế, làm cho trời đất vui mừng, vì dòng suối mát Cứu thể bắt đầu tưới gội cơn nắng hạ sa mạc trần thế. Marialis cultus đã diễn tả tiếng xin vâng của Mẹ với những suy tư như sau: “Đối với Mẹ Maria, những cử hành phụng vụ này như là một lễ về tân Evà, vị trinh nữ tuân phục và trung thành, vị bằng tiếng “xin vâng” quảng đại (cf Lk 1:38) đã do tác động của Thần Linh trở nên Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng là Mẹ của sinh linh, và nhờ được lãnh nhận vào cung lòng của mình Đấng Trung Gian duy nhất (cf 1Tim 2:5), đã trở nên Hòm Bia Giao Ước đích thực và Đền Thờ Thiên Chúa thực sự. Những việc cử hành phụng vụ này như là giây phút tột đỉnh trong việc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, và như là một tưởng niệm việc tự do đồng ý của Đức Trinh Nữ cộng tác vào dự án cứu chuộc” (n.6).

Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Redemptoris Mater đã gọi biến cố truyền tin là biến cố quyết định của sự vâng phục đức tin, bởi: “Biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, biểu lộ ‘sự vâng phục của đức tin” đối với Đấng đã ngỏ lời với Mẹ qua thiên sứ của Người và Mẹ đã trao hiến cho ý đinh cứu độ với sự qui phục trọn vẹn lý trí và ý chí” (n.13).

Tiếng xin vâng của Mẹ là tiếng đáp trả cho thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đó là tiếng đáp trả mà Mẹ sẽ không ngưng tìm kiếm, suy chiêm và luôn sẵn sàng đáp lại cùng với Con của Mẹ, Đức Giêsu Kitô, mà chóp đỉnh là dưới chân thập giá.

3. Và chúng ta được mời gọi thưa: “này con đến để thực thi ý Chúa

Nhờ vâng phục đức tin, Đức Maria trở nên “mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và sự kết hợp hoàn hỏa với Đức Kitô. Thật vậy, Đức Trinh Nữ nổi bật cách cao cả và riêng biệt như một mẫu mực của phẩm cách là mẹ và trình nữ trong việc vâng phục đức tin” (LG, 63)

Là những Kitô hữu, những ứng sinh linh mục, ơn gọi của chúng ta không gì khác là tìm kiếm và qui phục thánh ý Thiên Chúa cho mỗi một chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng ngâm nga “Lạy Chúa, con đây, con đến để thực thi ý Chúa” hay trịnh trọng trong lời hứa vâng phục, nhưng trong thực tế, tiếng xin vâng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, qua các trung gian nhân loại, qua các biến cố trong cuộc sống chúng ta, xem ra chưa là lời đáp trả đích thực, chỉ hời hợt, nửa vời. Chỉ “vâng” mà không “phục”, vâng ngoài miệng, nhưng trong lòng không có việc qui hướng về việc tìm điều đẹp ý Chúa, có chăng chúng ta chỉ vâng, chỉ phục khi điều gì đó hợp với ta, thỏa mãn tư lợi.

Chúng ta vâng phục đức tin trong ơn gọi khi chúng ta tiến bước dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, của Mẹ Giáo hội, qua những trung gian nhân loai, những người hữu trách của chúng ta. Dĩ nhiên, Bề trên, nhưng người hữu trách phân định, đo lương sự vâng phục của các thành viên tuy thuộc vào mức độ mà các chỉ dẫn, định hướng của họ tương hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa

Chiếm ngắm gương của Chúa Giêsu, và Hiền Mẫu Maria trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy săn sằng cho thiên ý cứu độ. Chúa vẫn đang gõ cửa lòng ta mỗi ngày, hãy đáp trả để Người đi vào nhà, đi vào trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta được hoan hưởng niềm vui của những người thi hành thiên ý, rằng:  “Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi. Đó là niềm hoan lạc của lòng con”  (Tv 119, 111).

Lm. Hoa Thập Tự

 



[1] Kinh Sách lễ Truyền Tin 25/03.

Nguồn tin:
Tags :