Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật VI PS, Năm B: Yêu Như Chúa Yêu

Fri,03/05/2024
Lượt xem: 371

HÃY YÊU NHƯ CHÚA YÊU

(Suy niệm Chúa nhật VI Phục Sinh năm B)

Palestine có hai vùng biển nổi tiếng: thứ nhất là biển chết, đúng như tên gọi của nó, bên cạnh hay xung quanh biển chết đều không tồn tại sự sống. Nước ở đây cũng không có một loài cá nào sống nổi, thậm chí, người uống phải nước đó cũng sinh bệnh. Không ai bảo ai, đều không muốn sống gần biển chết đó.

Biển thứ hai là biển Galile, trái lại thu hút rất nhiều khách du lịch. Nước ở đây lúc nào cũng trong xanh, cây cối xanh tươi và con người sống quanh đó rất nhiều.

Người ta lấy làm lạ vì cả hai biển này đều nhận nguồn nước từ sông Jordan, nhưng lại có sự khác biệt như thế. Nguyên nhân là nước sông Jordan chạy vào biển chết. Biển chết đón nhận và không lưu chuyển đi nơi khác nên độ mặn tích luỹ ngày càng cao khiến cây cối, sinh vật không thể sinh sống được.

Còn biển Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan, nhưng rồi từ đó tràn vào các hồ nhỏ lớn, các sông, rạch và nhờ đó nước dung hoà độ mặn, trở nên trong xanh mát lành, mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

Chúng ta nêu ra hình ảnh hai biển hồ tại Palestin như thế để nói lên điều gì vậy? Nó có ăn nhập gì với bối cảnh phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật VI Phục sinh hôm nay không? Chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu rõ ràng hơn dưới đây nhằm giúp nhau hiểu và sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Hôm nay, chúng ta thấy xuyên suốt cả ba bài đọc đã nhắc đến 18 lần chữ “yêu, thương yêu, tình yêu”. Riêng bài Tin mừng nhắc đến hai chữ “yêu mến” đến chín lần. Khi các tác giả Thánh Kinh nhắc đến các chữ nhiều lần như vậy là để nói lên rằng “tình yêu” có một chỗ đứng hết sức quan trọng trong đời sống Giáo hội mà chính Đức Giê-su mới thiết lập. Các bài đọc hôm nay xoay quanh các công việc Thiên Chúa dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài. Trong Bài đọc I, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho Cornelius, viên sĩ quan Dân ngoại, qua việc cho ông cơ hội để gia nhập đạo thánh Chúa. Trong Bài đọc II, thánh Gioan sau khi định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” đã dẫn chứng tình yêu này qua việc Thiên Chúa ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa được lan tràn qua Chúa Giê-su và đổ xuống trên các môn đệ của Chúa. Trước khi các môn đệ có thể yêu thương tha nhân, họ phải ở lại và được thấm nhuần tình yêu này.

Thật vậy, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thánh thiện và tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ cho con người và vũ trụ ngang qua việc tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc và thánh hoá. Điều đặc biệt đó là Thiên Chúa đã sẵn sàng ban Con Một của Người là Đức Giê-su Ki-tô đến ở với con người nhằm cứu độ con người. Từ một Thiên Chúa cao sang đến nhập thể để làm bạn với con người để nâng con người lên ngang hàng với Thiên Chúa. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Một thái độ tình yêu khiêm tốn tột độ của một vị Thiên Chúa Tình Yêu: dù con người đang là tội nhân, nhưng chính Thiên Chúa ngang qua Con Một của Ngài đã đến trở thành xác phàm và cư ngụ với thế gian để cho thế gian được sống và sống dồi dào. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. (Ga 15,13). Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian và đã thi thố tình yêu đó khi trao ban Đức Giê-su để làm giá chuộc cứu độ thế gian. Như vậy, tình yêu là sẵn sàng trao ban và cho đi. Chính Đức Giê-su đã làm gương trước khi mời gọi chúng ta làm như Ngài. Khi Ngài nhập thể và nhập thế, Ngài đã không ngần ngại để ra đi thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Ngài đã làm cho kẻ què đi được, kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được, kẻ mù được nhìn thấy, kẻ bệnh tật được chữa lành và ngay cả kẻ chết cũng được hồi sinh. Mặt khác, có những người tưởng chừng là không xứng đáng để được yêu thương, thế nhưng Đức Giê-su vẫn quan tâm đến họ. Khi nhìn những cô gái điếm, những người thu thuế, những người sống bên l xã hội, những người không có ai thèm đý tới thì Ngài vẫn nhìn nhận họ và chuyện trò với họ. Vì trước mắt Ngài mọi người đều có giá tr, đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cuối cùng Chúa Giêsu đã chết trên thập giá để yêu thương nhân loại. Ngài yêu thương chúng ta cho đến cùng. Đó là tình yêu chết cho người mình yêu. Như thế,

Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, lan truyền qua Chúa Con, và được trao tặng cho các Tông Đồ nói riêng và chúng ta nói chung, như Chúa Giê-su mặc khải: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (c.9); Và Ngài nói tiếp: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (c.12). Điều quan trọng là các Tông Đồ và mọi người chúng ta phải ở lại với tình yêu của Đức Giê-su trước khi ra đi lan toả tình yêu đó cho tha nhân. Không ai cho người khác mình không có là vậy. Muốn cho là mình phải có. Muốn sống trao ban, muốn hy sinh, muốn phục vụ, muốn chấp nhận chết cho người mình yêu, các Tông Đồ và chúng ta không thể không nối kết, không ở lại với Thầy Giê-su. Vì ở lại để học hỏi nên giống Chúa Giê-su; ở lại để sống như Chúa; ở lại để có cùng một nhịp đập với trái tim của Thầy Giê-su, cùng một ánh nhìn yêu thương và tha thứ như Chúa; ở lại để nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong mọi sự. Thật vậy,

Như biển hồ Galile đã đón nhận tất cả các nguồn khác đổ vào và đã sẵn sàng trao ban và chia sẻ cho các nhánh hồ khác, để dòng nước luôn trong xanh và mát mẻ, thì cuộc đời ki-tô hữu chúng ta một khi đã đón nhận tình yêu thương từ Chúa Giê-su, ngang qua Lời và Thánh Thể Ngài, chúng ta cũng phải biết sẻ chia và sống lan toả yêu thương tới anh chị em đồng loại bằng những hành động cụ thể, nhất là đối với những anh chị em chưa cùng niềm tin. Chúng ta hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ; Yêu mà không mong đền đáp nhưng yêu một cách vô vị lợi; luôn chia sẻ cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh; sẵn sàng phục vụ như một người tôi t. Vì thế, ‘hãy yêu như Chúa đã yêu’ phải là kim chỉ nam hay là châm ngôn sống của đời Ki-tô hữu chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời. Ngược lại, chúng ta đừng trở nên như biển chết để rồi chỉ biết nhận và chỉ biết giữ bo bo những ơn lành Chúa đã trao ban mà không chịu cho đi hay sẻ chia cho tha nhân. Vì thánh Gioan Tông Đồ đã nhắn gửi mọi người chúng ta rằng: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4, 7-8).

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin:
Thống kê
Số người online: 220
Tổng số truy cập:14.927.992