Cv 10,25-27.34-35.44-48; 1 Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm và sống đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương.” Quả thế, tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. Tình yêu là giới răn quan trọng nhất và cũng là bản tóm lược mọi giới răn. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của chủ đề này dưới ánh sáng của các bài đọc hôm nay.
Trong bài đọc I, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến tính phổ quát của tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người. Khi đến rao giảng cho Dân Ngoại, thánh Phêrô nhận thấy rằng quyền năng của Đấng Phục Sinh cũng được bày tỏ nơi họ; Thiên Chúa yêu hết mọi người và ban ơn cứu độ cho hết thảy mọi chư dân. Thánh Phêrô vào nhà ông Conêliô và gặp gỡ mọi người ở đó, họ không phải thành phần thuộc dân Do Thái, nhưng họ vẫn được đón nhận Chúa Thánh Thần. Bởi thế, thánh Phêrô kết luận: Tình yêu Thiên Chúa không giới hạn hay loại trừ ai. Thiên Chúa yêu hết mọi người, mọi quốc gia, mọi chủng tộc, cả những tổ chức nhân loại và những nhóm tôn giáo khác vốn được coi là ở ngoài trái tim Thiên Chúa, hay ngoài Giáo Hội. Mỗi người là con cái Thiên Chúa. Đây là tình yêu phổ quát mà Thiên Chúa dành cho viên đại đội trưởng Conêliô và những người Dân Ngoại. Với thị kiến và kinh nghiệm mới mẻ này về tình yêu của Thiên Chúa, Phêrô hiểu rằng những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch thì sao con người gọi là ô uế (x. Cv 10,9-16)! Tình yêu đó đã khiến Phêrô không ngần ngại đến với họ, rao giảng Lời Chúa và làm phép rửa cho họ.
Trong bài đọc II, thánh Gioan quả quyết rằng nguồn mạch đức ái hay nguồn mạch tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ chính tình yêu phổ quát của Thiên Chúa:
“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7b).
Quả thế, Thiên Chúa yêu chúng ta trước, ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Người yêu chúng ta và muốn cứu độ chúng ta nên đã sai Con Một của Người xuống làm người, chết và phục sinh. Như thế, Chúa Cha yêu mến Chúa Con, Chúa Con yêu mến chúng ta và giờ đây, chúng ta hãy yêu thương nhau. Tình yêu phát xuất tình yêu. Chúng ta được sinh ra từ tình yêu Thiên Chúa, giờ đây, chúng ta hãy thể hiện tình yêu đó đối với tha nhân.
Đây cũng chính là chủ đề căn bản trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói rằng:
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
Có thể nói rằng đoạn Tin Mừng này là “bảng gia phả” về tình yêu: Chúa Cha yêu mến Chúa Con, và Chúa Con yêu mến chúng ta; đến lượt chúng ta cũng phải quy hướng về nguồn gốc tình yêu mà chúng ta được sinh ra. Nên Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”
Nhưng ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu không phải là một điều gì đó tĩnh lặng, cũng không phải là ở một cuộc sống êm đềm, lánh đời xa mọi người. Làm sao chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Người? Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta: “Hãy giữ các giới răn của Thầy.” Vậy đâu là giới răn của Chúa mà chúng ta cần phải tuân giữ? Câu trả lời có ngay ở đây:
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Nói cách khác, Chúa Giêsu nói rằng hãy tiếp tục sống gia phả tình yêu chúng ta: Thầy đến từ Thiên Chúa Cha là Tình Yêu, Đấng đã yêu mến Thầy và sai Thầy đến và yêu thương anh em. Giờ đây, anh em hãy yêu thương nhau. Đừng để cho tình yêu của Chúa Cha vô hiệu quả hay không mang lại hoa trái gì cho đời sống chúng ta.
Để tình yêu của chúng ta sinh hoa trái nhiều, chúng ta hãy nhìn vào cách thức mà Chúa Giêsu thể hiện tình yêu đối với chúng ta. Người nói:
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15).
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, còn chúng ta là thụ tạo, nhưng Người đối xử với chúng ta như bạn hữu, nghĩa là ngang hàng, bình đẳng và tôn trọng. Việc Người đối xử với chúng ta như bạn hữu có nghĩa là sẵn sàng chia sẻ những gì Người đã nghe biết từ Chúa Cha. Chúng ta được mời gọi học nơi Chúa Giêsu về điểm này, để xây dựng mối tương quan bằng hữu với tha nhân, sống và loan truyền tình bằng hữu với anh chị em này mỗi ngày trong đời sống như một thứ linh đạo cho các mối tương quan liên vị. Theo đó, chúng ta không nhìn và đối xử với người khác như là những nô lệ, như hàng hóa hay như đối tượng để lợi dụng và lạm dụng cho lợi ích riêng của mình, và khi chúng ta không cần đến họ nữa, hay thấy họ không còn lợi ích gì nữa, chúng ta loại trừ và vứt bỏ họ ra ngoài một cách không thương tiếc. Không thể chấp nhận! Nhưng chúng ta hãy đối xử với mọi người như Chúa Giêsu đã đối xử, hãy coi họ như bạn hữu, chứ không phải là kẻ thù, hãy coi họ đều là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh Thiên Chúa cần được tôn trọng, yêu mến và phục vụ.
Như thế, “yêu thương như Thầy” cũng có nghĩa là đối xử với người khác như bạn hữu. Vì Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như bạn hữu, chúng ta hãy đối xử với nhau như là bạn hữu. Hơn nữa, Chúa Giêsu nói về tình yêu cao cả nhất:
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Nếu tôi nhìn thấy người khác là bạn hữu như Chúa Giêsu đã yêu, tôi sẽ tôn trọng họ và hiến mình cho họ. Và nếu tôi nhận thấy mình là hoa trái tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu vị tha hoàn toàn vì chúng ta, tôi cũng sẽ hiến thân vì người khác.
Mặc dầu ngày hôm nay, chúng ta không được mời gọi phải tử đạo bằng cái chết đau đớn, nhưng bằng việc hiến thân mình cho người khác hằng ngày trong đời sống, bằng cách yêu mến họ theo cách thức mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là đối xử với nhau như bạn hữu của Chúa.
Ở phần cuối, Chúa Giêsu còn muốn nói đến sứ mạng của chúng ta là được sai đi để sinh nhiều hoa trái. Đó là tình yêu truyền giáo. Nghĩa là chúng ta được sai đi truyền giáo không phải để làm một số công việc, nhưng là để làm phát sinh nhiều hoa trái tình yêu.
Sống một xã hội đang bị sa mạc hóa về tình thương, chúng ta được mời gọi phải phục hồi gốc rễ tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Tình yêu đó phổ quát dành cho hết mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên đã sai Chúa Con và Thánh Thần đến với chúng ta. Chúa Giêsu đã yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Nên giờ đây, chúng ta được mời gọi kiến tạo và làm phát sinh tình yêu đối với tha nhân. Nhờ đó, chúng ta biến xã hội này trở thành một đại gia đình mà trong đó, con người đối xử với nhau bằng sự thật, công lý và bác ái của Tin Mừng. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Phó G.Đ ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê