Suy Niệm Tin Mừng, Chúa Nhật III - PS, Năm B: Nên Nhân Chứng Của Đấng Phục Sinh

Fri,12/04/2024
Lượt xem: 959

NÊN NHÂN CHỨNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

(Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh năm B)

Loan báo Tin mừng là bổn phận và trách nhiệm của tất cả mọi ki-tô hữu. Ai đã được rửa tội, đã chịu bí tích Thanh Tẩy đều có trọng trách mang Chúa đến cho những ai chưa nhận biết Chúa. Không riêng gì ai, không chỉ dành riêng cho các Giám mục, linh mục và tu sĩ, nhưng công việc làm chứng hay loan báo Tin mừng đều trao cho tất cả mọi người trong mọi bậc sống ở mọi nơi và mọi lúc. Nhưng làm sao chúng ta làm chứng nhân về Tin mừng, về Chúa Giê-su Phục sinh nếu chúng ta không gặp gỡ, không đụng chạm? Làm sao cho người khác cái mình không có? Chúng ta phải làm chứng nhân như thế nào? Cách thức nào có thể làm chứng cho Tin mừng, cho Chúa nơi môi trường sống hiệu quả và thành công? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu và nỗ lực làm rõ sau đây. Chúng ta vừa nghe phần phụng vụ Lời Chúa của Tuần III Phục Sinh hôm nay, đặc biệt là Bài Tin mừng của Thánh Lu-ca 24, 35-48. Đây là một câu chuyện thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Qua câu chuyện này Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta về sự sống lại đích thực của Ngài. Đức Giê-su Phục sinh đang đứng trước mặt các môn đệ cũng chính là Đức Giê-su đã sống với họ trước kia. Đức Giê-u mời gọi họ kiểm chứng: “Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.”(cc.38-40). Quả thật, trong đời sống thường ngày, để biết cái gì là thật, chúng ta phải dùng năm giác quan mà Thiên Chúa đã ban tặng. Hôm nay, nơi bài Tin mừng Chúa Giê-su cũng đã mời gọi các Tông Đồ sử dụng tất cả năm giác quan để biết Chúa đang đứng trước mặt họ là Chúa thật chứ không phải là ma như các ông tưởng. Trước tiên, Chúa mời gọi các ông hãy nhìn, liên quan đến thị giác. Rồi khi nghe Chúa nói các ông đã sử dụng đôi tai của mình, liên quan đến thính giác. Chúa bảo các ông cứ rờ xem, liên quan đến xúc giác. Tiếp đến, Chúa còn xin các ông ấy cho Ngài ăn. Bánh các ông đưa cho Chúa có mùi thơm, liên quan đến khứu giác và khi ăn chắc chắn sẽ thấy ngon lành, liên quan đến vị giác. Như vậy, chính Đức Giê-su đã cho các Tông Đồ của Ngài dùng đủ năm giác quan Chúa ban để kiểm chứng về Chúa. Tại sao Đức Giê-su lại làm như thế? Xin thưa, vì Chúa muốn họ tin răng Chúa của họ đang sống. Cuộc sống của Ngài chỉ khác với cuộc sống của con người ở chỗ thân xác của Chúa không còn bị chi phối bởi hai định luật về thời gian và không gian. Vì như chúng ta biết từ khi sống lại, Chúa không còn bị lệ thuộc thời gian và không gian nơi chốn nữa. Quả thật, sau khi cho các Tông Đồ nhận biết về Ngài, Đức Giê-su đã giúp họ hiểu biết về Kinh Thánh, mà Kinh Thánh đã minh chứng về Ngài. Điều quan trọng tiếp đó là Đức Giê-su đã đưa ra một sứ mệnh cho các Tông Đồ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (cc. 46-48). Như vậy, Các Tông Đồ nói riêng và hết thảy mọi người chúng ta phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh theo lời hiệu triệu của Đức Giê-su. Chúng ta phải làm chứng như thế nào? Nếu trước đó chúng ta chưa tin nhận Ngài, nếu chúng ta gặp gỡ hay đối thoại với Ngài và chưa yêu mến Ngài? Quả thật, người ta đã nói rằng: không ai cho người khác mình không có. Làm sao nói về Chúa Phục Sinh, nói về tình yêu của Thiên Chúa với tha nhân, với thế giới và với nhân loại nếu trước đó chúng ta chưa tin nhận, chưa yêu mến và gặp gỡ Ngài. Vì thế, một khi đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô, đã trở nên người nhà của Thiên Chúa, là con cái của Ngài, chúng ta được mời gọi phải yêu mến Ngài hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Chúng ta cần dành thời gian để chuyên chăm cầu nguyện với Ngài trong từng giây phút của cuộc đời. Vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Nhờ cầu nguyện mà chúng ta có được sự nối kết với ‘nguồn điện’ Giê-su. Chính việc lắng nghe Lời Chúa và năng dọn tâm hồn sạch sẽ để rước Chúa mỗi ngày là một sự nối kết đúng nghĩa và là nguồn mạch chắc chắn nhất cho sự sống của chúng ta. Như chiếc điện thoại cần nguồn pin để giao tiếp và sử dụng, thì con người chúng ta cũng cần có “nguồn pin” từ Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể để được sống và sống dồi dào. Từ đó, chúng ta có khả năng để hy sinh, để trao ban, để can đảm, để phục vụ, để dấn thân, để yêu thương, để gặp gỡ và cởi mở với hết mọi người. Như thế, Yêu thương là cung cách giới thiệu hay làm chứng về Chúa cho tha nhân, nhất là cho những ai chưa nhận biết Chúa, chưa biết về đạo công giáo. Hãy yêu như Chúa yêu là lời mời gọi thực tế để gom được nhiều “cá người” vào “lưới Giáo hội”. Chính Đúc Giê-su đã khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”(Ga 13,35). Quả thật, con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Chúng ta không thể nói yêu ai, thương ai mà chúng ta lại không thực hành, không muốn hy sinh, dấn thân hay phục vụ họ. Làm sao chúng ta giới thiệu Đạo Yêu Thương cho người khác, trong khi mình sống hận thù, ghen ghét, ích kỷ, hẹp hòi,…? Điều này, chính Thánh Gioan Tông Đồ đã cảnh cáo mọi người: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3, 18). Như vậy, chúng ta phải yêu thương như thế nào để trở thành chứng nhân Loan báo Tin Mừng cho người khác? Phải chăng chúng ta phải yêu thương bằng hành động cụ thể không chỉ bằng lý thuyết suông hay lời nói bâng quơ. Chẳng hạn chúng ta thực hành lời kinh ‘Thương người có 14 mối’, trong đó chúng ta được mời gọi thương xác 7 mối: “là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết” và thương linh hồn bảy mối: “lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Nếu chúng ta thực hành những điều đó cách thường xuyên và đúng đắn, chúng ta đang trở nên hình ảnh thiết thực của Đạo Công Giáo, Đạo yêu thương cho anh chị em đồng loại. Mặt khác, chúng ta sống đời sống yêu thương là biết nhạy bén để nhận ra được hình ảnh Đức Giê-su nơi mọi người, nhất là nơi người nghèo khổ và tật nguyền, nơi người tai nạn bị bỏ rơi, nơi những gia đình đang gặp khó khăn, nơi những người lang thang cơ nhỡ,…Hãy học lấy cung cách giúp đỡ và yêu thương của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (x. Lc 10, 29-37) để biết quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc những mảnh đời đầy gian nan và khốn khổ. Đừng sống vô tâm, ích kỷ, dửng dưng và loại trừ như thái độ của lão nhà giàu đã đối xử với La-za-rô trong Tin Mừng. (x. Lc 16,19-31). Thật vậy, chúng ta chỉ thật sự yêu thương được tha nhân và dấn thân trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta luôn biết kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô, nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta không thể cảm nếm được tình yêu dạt dào của Thiên Chúa mà không trao ban, sớt chia cho tha nhân. Chúng ta được mời gọi một khi đã đón nhận được tình yêu ngọt ngào từ nguồn mạch Lời Chúa, nhất là từ Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta không thể không ra đi để trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người bắng sự quan tâm hơn là vô tâm -vô cảm, bằng đời sống yêu thương hơn là ghen ghét – hận thù, bằng đời sống hy sinh phục vụ hơn là khép mình – ích kỷ, bằng đời sống cho đi hơn là lãnh nhận, bằng cuộc sống vui tươi hơn là buồn phiền, bằng đời sống xây đắp-nối kết hơn là dửng dưng hay loại trừ nhau. Như thế, nhờ đó, đời sống yêu thương của chúng ta mới thật sự là phương thức Loan báo Tin Mừng một cách rõ ràng nhất.

 Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin: