Nét Đẹp Trong Lịch Sử Triết Học

Tue,12/03/2024
Lượt xem: 979

Nét Đẹp Trong Lịch Sử Triết Học

Thánh Augustin đã có lần tự thú: “Thời gian là gì? Nếu không ai hỏi thì tôi biết rõ lắm; nhưng nếu ai bảo tôi giải thích, thì tôi không biết”.[1]Thiết tưởng ta cũng có thể nói cách tương tự về cái đẹp. Ai cũng có ý niệm về cái đẹp, nhưng chắc sẽ gặp lúng túng khi phải giải thích: “Đẹp là gì? Cái gì đẹp? Dựa vào đâu là khẳng định rằng một người hay một vật nào đó là đẹp?”. Nói đúng ra, triết gia Kant đã nhắc nhở một ngạn ngữ từ ngàn xưa: “đừng nên cãi nhau về sở thích làm chi” (de gustibus non est disputandum), bởi vì nó hoàn toàn chủ quan. Người Việt thích mùi mắm tôm, nhưng người Tây lại bịt mũi! Đối với cái đẹp cũng vậy: các tiêu chuẩn đánh giá thay đổi tùy nơi tùy thời, không theo một tiêu chuẩn nào nhất định.Thẩm định cái đẹp là chuyện chủ quan, hơi đâu mà can thiệp!

Chúng tôi không muốn tranh luận về những tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp, nhưng chỉ muốn rảo qua những quan điểm khác nhau về cái đẹp trong lịch sử triết học. Bài nghiên cứu gồm ba phần: (1) Sau một vài nhận xét về từ ngữở phần đầu, (2) phần thứ hai mang tính phân tích, điểm qua những quan điểm khác nhau về cái đẹp trải qua lịch sử; (3) phần thứ ba tìm cách tổng hợp, trình bày những góc độ tiếp cận cũng như những cách phân loại cái đẹp, và không bỏ qua sự tiến triển các quan điểm về cái “xấu xí”.

I. TỪ NGỮ

Trước hết, chúng tôi xin ra vài nhận xét về từ ngữ, trong tiếng Việt cũng như trong các ngôn ngữ châu Âu

A. Tiếng Việt

Trong tiếng Việt, chúng ta nên ghi nhận hai điều:

– 1/ “Đẹp” xem ra đồng nghĩa với “Mỹ” gốc Hán, và “Xinh”, mặc dù không lúc nào ba từ cũng có thể hoán đổi.

– 2/ “Đẹp” thường được đi đôi với “Tốt”.

1. Đẹp – Mỹ – Xinh

– Tuy đẹp là một từ ngữ tiếng Việt, nhưng theo ông Lê Gia[2] do chữ điệp là yên ổn, thỏa đáng, tốt lành. Đẹp đẽ là dáng vẻ tốt lành, thỏa đáng (đẽ, do chữ đệ là xuôi thuận).

– Mỹ (mĩ) là tốt đẹp,[3] thường đi kèm theo các từ: mỹ lệ, mỹ mạo, mỹ mãn, mỹ miều, mỹ quan, mỹ phẩm, mỹ tục, hoa mỹ. (Nên lưu ý là mỹ cũng có nghĩa là ngon, chẳng hạn: mỹ tửu, mỹ vị). Thẩm mỹ: xem xét và nhận biết, phân biệt cái đẹp (thẩm: xét kỹ và biết rõ). Mỹ thuật: sự tài giỏi khéo léo trong việc phô bày cái đẹp (thuật: tài khéo). Mỹ nghệ: nghề nghiệp làm ra những thứ đẹp. Dưới khía cạnh tầm nguyên, trong tiếng Hán, chữ mỹ ()ghép bởi hai bộ “đại”, lớn () và “dương”, dê (): con dê lớn. Theo Đức Khổng tử (Sách Luận ngữ), con dê là vật được dùng trong nghi lễ tế Trời. Vì thế “mỹ” bao hàm “hy sinh lớn” (hoặc tự hy sinh). Các nhân đức (chẳng hạn nhân nghĩa) đều bao hàm ý tưởng hy sinh bản thân, vì thế là những hành vi cao quý. Do đó, cái đẹp thường được gắn liền với hành vi đức hạnh, đời sống gương mẫu.

– Xinh có nghĩa: tốt tươi, đẹp đẽ;[4] do chữ xiển (dáng vui vẻ, tươi đẹp, dễ ưa) và chữ thiên (vẻ nhẹ nhàng, gọn gàng của con gái). Xinh tươi: đẹp tốt, mềm mại. Xinh xắn: dịu dàng vui vẻ, tươi đẹp, sáng lạn, rực rỡ (xắn do chữ xán là sáng đẹp, chói lọi).

Thoạt tiên, xem ra ba từ đều đồng nghĩa; tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể hoán đổi cho nhau. Người ta nói “cảnh đẹp”, chứ không nói “cảnh xinh” (Xinh được áp dụng cho người và cho thảo mộc). Mặt khác, “trời đẹp” (chứ không phải “trời xinh”) không liên quan đến mỹ thuật cho bằng hữu ích (trời đẹp – hoặc trời tốt- là trời quang đãng không có mây mưa sấm sét; ta có thể làm việc hoặc du lịch). Dù sao, tiếng “đẹp” không chỉ áp dụng cho những đối tượng vật chất, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa trừu tượng, chẳng hạn trong các thành ngữ: “nghĩa cử cao đẹp; lời hay ý đẹp; làm đẹp lòng nhau”.

2. Tốt đẹp

Trong tiếng Việt, cũng như trong nhiều ngôn ngữ , hai từ “tốt” và “đẹp” thường đi đôi với nhau. Dĩ nhiên, không phải mọi cái tốt đều đẹp, và ngược lại. Tuy nhiên, đối nghịch với tốt hoặc đẹp đều là “xấu”, mặc dầu đôi khi có thể phân biệt xấu xa (đối lại với tốt) và xấu xí (đối lại với đẹp).Theo ông Lê Gia,tốt do chữ “tốc” (dáng cây cối rậm rạp, tươi tốt). Tốt cũng có nghĩa là người hầu hạ, phục dịch; xong xuôi (tốt nghiệp).Xấu do chữ “xú” là xấu xí (: do chữ “xỉ” là kinh lờn, coi thường); xấu cũng thường được ghép vớixấu xa (xa: hổ thẹn, xấu hổ),xấu hổ, (hổ: mục nát, hư thối).

B. Các từ ngữ châu Âu

Chúng ta cần tìm hiểu các từ ngữ châu Âu bởi vì chúng ảnh hưởng đến tư tưởng triết học như sẽ thấy dưới đây.

1. Tiếng Hy Lạp

Tiếng Hy Lạp cổ điển: kalos (tính từ), to kallon(danh từ). Theo Platon, kalos gốc bởi kalein (kêu gọi, thu hút đến với mình). Tuy nhiên, kalos thường được gắn với agathos (tốt), thậm chí có khi họp thành một từ kép kalosagathos, ám chỉ một người gương mẫu, thành đạt. Trong tiếng Hy Lạp ngày nay, kalos có nghĩa là tốt, chứ không phải là đẹp.

2. Tiếng Hipri

Trong tiếng Hipri, tính từ tob rất hàm súc ý nghĩa: theo nguyên gốc, tob có nghĩa là “tốt”nhưng tùy theo mạch văn, cũng có thể dịch là: đẹp đẽ, hữu ích, chân thành. Chính vì ý nghĩa của từ tob súc tích như vậy, cho nên khi chuyển sang tiếng Hy Lạp, bản dịch LXX sử dụng ba từ khác nhau để diễn tả: agathós (tốt), kalós (đẹp), chrestós (hữu ích). Một thí dụ cụ thể, những lời ở chương đầu Sách Sáng thế “Thiên Chúa thấy rằng thật là tob” (St1,1.4.12.18.21.25), có thể dịch nhiều cách: tốt, đẹp, tốt đẹp, tốt lành.[5]

3. Tiếng Latinh

Từ quen thuộc hơn cả là pulcher (tính từ), pulchritudo (danh từ). Không rõ nguồn gốc của nó; có lẽ có liên hệ với sự tốt lành và sức mạnh. Ngoài ra, tiếng Latinh còn có nhiều từ khác để diễn tả cái đẹp: formosus gốc bởiforma (hình thể), lúc đấu gắn liền với hình thái của thân thể con người nhưng sau đó được chuyển sang nghĩa trừu tượng (hình thể toán học), và cuối cùng là cái đẹp.

4. Vài ngôn ngữ châu Âu cận đại

– Bello (tiếng Ý, với danh từ là bellezza; tiếng Pháp: beauvà tiếng Anh: beautiful), gốc bởi tiếng Latinhbellus là một lối giản lược của bonus / bonulus: tốt một tí.

– Schoen (tiếng Đức), gốc bởi schein: chiếu tỏa, rạng ngời.

Các từ ngữ đã cho ta một ý niệm khái quát về cái đẹp trong các ngôn ngữ. Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa để khảo sát những quan điểm khác nhau về bản chất trong lịch sử tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng Hy Lạp và Latinh cổ điển.

II. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG

Trong mục này, chúng ta sẽ theo dõi những quan điểm khác nhau dọc theo lịch sử tư tưởng triết học Âu Tây,[6] được chia thành ba giai đoạn chính: Thượng cổ (với các triết gia Hy Lạp), Trung cổ (với các nhà thần học Kitô giáo), Cận đại (với sự ra đời của Mỹ học).

A. Triết học cổ đại

Theo ông Platon, học thuyết về cái đẹp nảy sinh từ một cuộc tranh luận giữa các triết gia với các thi sĩ.[7] Thực ra những triết gia tiên khởi của Hy Lạp cũng là những thi sĩ, và họ bắt đầu với sự suy tư về nguồn gốc của vũ trụ, cái nguyên ủy (arkhê) của vạn vật.

1. Những bước đầu

Nhà toán học Pytagoras (+ k. 495 TCN) nói rằng những hình thể đẹp nhất là hình tròn và vòm trời, và sự đẹp đẽ được đồng hóa với sự hoàn hảo. Ông là người đã nêu ra mối tương quan giữa bộ ba Chân-Thiện-Mỹ.

Ông Heraclito (+ 475 TCN) đã nói đến một sự hài hòa (harmonia) trong vũ trụ được điều khiển bởi một Logos.

Xem ra ông Socrates (469-399 TCN) là người đầu tiên đã phát biểu câu hỏi căn bản: “Đẹp là gì?”,[8] và ông đã đưa ra định nghĩa dựa theo trường phái ngụy biện: “Đẹp là cái thích thú do tai nghe mắt thấy” (Hippias Maior, 298 a). Mặc dù Homero đã chứng minhrằng cái đẹp có một giá trị riêng của nó, nhưng khi bàn đến cái đẹp, ông cũng pha lẫn sự “tiện dụng” trong đó.

Bên cạnh những quan điểm về chính cái đẹp, văn hóa Hy Lạp còn là nơi bắt nguồn những khái niệm gây ảnh hưởng lầu bền trong các nền văn minh Âu Mỹ cận đại.Thật vậy, ngoài việc định nghĩa từ kalos, các triết gia Hy Lạp còn cung cấp những định nghĩa căn bản của Thầm mỹ học vào những thời đại sau này: mực thước, nghệ thuật, bắt chước.

– Như vừa nói, Pytagoras là người đã liên kết bộ ba “chân thiện mỹ”. Đây là những tiêu chuẩn để đo lường các giá trị tôn giáo và nghệ thuật. Tôn giáo Hy Lạp gắn bó với ý tưởng hài hòa, cân xứng. Trong đền thờ Apollo ở Delphi, có viết rằng: “mực thước là tất cả”. Cái đẹp cũng như cái thật là cái hợp với mực thước. Mực thước được áp dụng trong lãnh vực kiến trúc, trong việc thẩm định vẻ đẹp cơ thể cũng như trong âm nhạc (các nốt nhạc tính theo toán học). Cái mực thước được gọi là symmetria (cân đối) đối với cái đẹp thấy được, và harmonia (hòa hợp) đối với cái đẹp nghe được.

– Từ “nghệ thuật” tiếng Việt dùng để dịch từ artes tiếng Latinh (hoặc arts tiếng Pháp và tiếng Anh); đến lượt ars dùng để dịch tiếng tekhne tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên những từ ấy không đồng nghĩa. Một thí dụ về sự khác nghĩa giữa “arts” thời nay với thời xưa là tên gọi bằng cấp đại học: Bachelor of Arts (B.A.) hoặc Master of Arts (M.A.) không dành cho các trường nghệ thuật nhưng cho các trường nhân văn. Trong văn minh Hy Lạp cổ điển, tekhné bao hàm tất cả mọi hoạt động của con người (khác với những kiến thức trừu tượng). Các hoạt động này được hướng dẫn bởi những quy tắc tổng quát (chứ không tùy thuộc vào cảm hứng). Nó giả thiết sự hiểu biết cũng như tài khéo léo trong công việc làm. Vì thế “nghệ thuật” được áp dụng cho kiến trúc sư, họa sĩ, thợ mộc, y sĩ. Với dòng thời gian, các “thuật” ấy thường được giới hạn vào năm ngành: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương.[9] Dù thế nào đi nữa, người Hy Lạp không đề cao “cảm hứng sáng tạo” cho bằng sự trung thành với truyền thống.

– Trong bối cảnh này, việc “bắt chước” (mimesis) là một ý niệm quan trọng trong nghệ thuật. Nó mang ý nghĩa tôn giáo, bởi vì từ mimesis bắt nguồn từ các nghi thức của các tư tế. Người Hy Lạp cho rằng mục tiêu của nghệ thuật là “bắt chước” thiên nhiên, nghĩa là họa lại thế giới bên ngoài. Điều này quan trọng trong các nghệ thuật tạo hình như kiến trúc và hội họa.

2. Ông Platon (428-348 TCN)

Ông là người đầu tiên cung cấp một nền tảng siêu hình về cái đẹp: ông không dừng lại ở cái đẹp của những vật hữu hình, nhưng đi tìm nó ở nguyên nhân cao hơn.

Theo Platon, có ba hạng thực tại: a) các ý tưởng hoặc hình thể của các vật; b) các vật hiện hữu trong thế giới; c) các hình ảnh hoặc bóng của các vật. Duy các ý tưởng mới có sự hiện hữu bền bỉ và chân thực; hai hạng kia, bởi vì xa cách trật tự siêu việt cho nên bấp bênh và chứa đựng sự sai lầm. Các vật thể không phải là thực tại, nhưng chỉ là bóng của thực tại. Các nghệ nhân là những kẻ bắt chước những bóng ấy, vì thế nghệ thuật là bóng của các bóng. Các thi sĩ không hành động theo khôn ngoan, nhưng nổi cơn theo hứng; họ không biết điều mình viết và cũng chẳng hiểu biết những quy luật của nghệ thuật; vì thế họ thường tự mâu thuẫn.[10]

Người khôn ngoan nhất trên đời là triết gia, bởi vì ông ta chú ý đến các ý tưởng siêu việt; các nghệ nhân chú ý đến hạng thứ hai của thực tại, nhưng không hiểu biết cứu cánh tối hậu của các hành động của mình; các thi sĩ còn tệ hơn nữa, bởi vì thuộc hạng thứ ba, họ bắt chước những kẻ bắt chước[11] và lường gạt. Có những sự bắt chước vô ích nhưng mang lại sự thích thú. Ông Platon chấp nhận sự thích thú của nghệ thuật nếu nó tốt hoặc hữu ích.[12]

Ông trình bày học thuyết về cái đẹp qua từ to kalon, nhưng việc giải thích không dễ dàng, và ông bàn luận dưới khía cạnh tiêu cực hơn là khía cạnh tích cực. Ông nói rằng ta đừng nên đồng hóa cái đẹp với những vật đẹp, và tiếp đến, ông nói rằng để định nghĩa to kalon, ta nên áp dụng các thuộc tính của các vật đẹp.[13] Cái đẹp không hệ ở một hành động, bởi vì không thể nói rằng một hành động xấu là đẹp. Dựa theo sách Hippias maior, ta có thể suy ra rằng Platon muốn định nghĩa cái đẹp ở cấp độ hữu thể.[14] Trong sách Symposium, ông nói rằng đẹp là điều mà mọi người đều ước ao; thế nhưng đó lại là cứu cánh tối hậu, và vì thế cái đẹp (pulchrum) và cái tốt (bonum) đồng nhất với nhau. Xét như cứu cánh tối hậu, cái đẹp là một “cái nhìn tuyệt vời” mà ta chỉ có thể nếm hưởng chứ không thể diễn tả bởi vì không có lời nói. Cái đẹp hoàn hảo và thần linh này mang tính bền bỉ, sánh với các sự vật tạm bợ mau qua. Cái đẹp thần linh thúc đẩy lòng ao ước bất tử: điều này được diễn tả cách hữu hình qua sự truyền sinh, và cách thiêng liêng qua các công việc tốt lành. Nói cách khác, cái đẹp lý tưởng thu hút con người đến sự thông dự thần linh.

3. Aristóte (384-322 TCN)

Ông Aristote đã nhiều lần xét lại những vấn đề mà ông Platon đã đặt ra, nhưng không hoàn toàn đồng quan điểm với thầy.Ông nói rằng nghệ thuật là một thứ bắt chước. Nghệ thuật là sự bắt chước Thượng đế (Động cơ đệ nhất), và tác động vào một chất thểdựa theo một khuôn mẫu.[15] Theo ông, những đặc trưng của cái đẹp là: trật tự và cân đối.[16]

Mặt khác, sự cân đối không chỉ áp dụng vào các chất thể, mà còn vào đời sống luân lý: nhân đức hệ tại giữ mực thước quân bình, đừng rơi vào thái quá.

4. Plotinô (205-270 CN)

Học thuyết của ông Plotinôphần nào giống Platon, nhưng chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh bắt chước, cũng như nhấn mạnh đến sự cân xứng giữa các thành phấn.

Có cái đẹp khả giác, có cái đẹp siêu khả giác của tri thức và nhân đức.Yếu tố cốt yếu của cái đẹp không phải là sự hài hòa, (bởi vì sự hài hòa chỉ áp dụng cho các hữu thể khả giác) nhưng là nơi sự duy nhất (gặp thấy cả nơi các đối thể thiêng liêng).Cái đẹp là điều mà ta yêu mến, và nó có thểnắm bắt được cách trực tiếp, bởi vì linh hồn luôn tìm kiếm điều ưa thích; linh hồn mang trong mình cái đẹp bẩm sinh, vì thế có thể nhận ra cái đẹp.

Tóm lại, triết học Hy Lạp đã để lại những ảnh hưởng sau đây cho các thế hệ kế tiếp liên quan đến quan điểm về cái đẹp:

– Những chiều kích khác nhau của cái đẹp: đẹp là cái gì thích thú, đáng phục; đẹp cũng có nghĩa là tốt lành. Cái “đẹp” (mỹ) liên quan đến cái “thật” (chân lý) và “tốt” (thiện).

-Những yếu tố cấu thành cái đẹp: tương quan, cân đối, hòa hợp.

B. Thời Trung cổ

Dưới tiêu đề “Thời Trung cổ”, chúng tôi không muốn rảo qua tất cả các triết gia sống vào thời kỳ này,[17] nhưng chỉ nêu bật sự đóng góp của các nhà tư tưởng Kitô giáo vào việc hiểu biết cái đẹp. Các nhà thần học tiếp thu truyền thống triết học cổ điển và đồng thời cũng thêm vào những suy tư mới.

1. ThánhAugustin (354-430)

Tiếp theo các triết gia Hy Lạp, thánh Augustin nói rằng cái đẹp hệ tại hòa hợp, thống nhất, toàn vẹn, và thứ tự. Trong sách De ordine, thánh nhân viết: “thứ tự là sự vận hành của tất cả các vật mà Thiên Chúa đã ấn định”.[18] Cái đẹp là sự rạng ngời của trật tự (splendor ordinis). Cái đẹp không chỉ áp dụng cho cái đẹp của thân xác mà còn cho cả cái đẹp khả niệm và cái đẹp thần linh. Cái đẹp được đặt vào hạng siêu nghiệm.

2. Thánh Tôma Aquinô (1225-1274)

Tư tưởng của ngài để lại nhiều ảnh hưởng trong triết học và thần học Công Giáo, vì thế đáng được phân tích kỹ lưỡng.

a/. Khái niệm

Thật ra thánh Tôma không đề cập nhiều đến cái đẹp: những đoạn văn bàn về cái đẹp có thể gom thành một trang, theo như cha Battista Mondi đã nhận xét.[19] Những bản văn rời rạc có nguy cơ sẽ bị giải thích một chiều. Thoạt tiên cái đẹp chỉ liên quan đến vật chất, bởi vì nó là sự rạng rỡ của hình thể (splendor formae)đập vào giác quan (I-II, q. 27, a. 1, ad 3). Thực ra, cái đẹp không chỉ hiện hữu trong thế giới vật chất mà còn trong thế giới thiêng liêng, hay thậm chí và nhất là trong thế giới thiêng liêng (x. II-II, q. 145, a. 2) bởi vì “muôn vật nhận được sự hiện hữu từ cái đẹp của Thiên Chúa” (I, q. 39, a. 8; x. In Div. Nom. IV, lect. 5, nn. 340, 346, 349).

Cái đẹp được đặt trong hàng các đặc trưng của hữu thể (duy nhất; chân, thiện, mỹ), và hệ tại một tương quan. Chân lý là mối tương quan giữa trí tuệ (hiểu biết) với thực tại; Thiện hảo là mối tương quan giữa ý chí với đối tượng yêu mến. Cái đẹp thì sao? Theo định nghĩa, “Đẹp là cái gì gây ra thích thú khi nhìn” (quae visa placent),[20] xem ra chỉ giới hạn vào phạm vi khả giác. Thực ra không phải như vậy. Cái đẹp được đặt trong tương quan với chân lý và thiện hảo, tuy không đồng hóa với chúng. Cái đẹp không trùng với chân lý bởi vì chân lý liên quan đến nhận thức, hiểu biết; còn cái đẹp liên quan đến việc thưởng thức, thích thú, ngỡ ngàng. Cái đẹp cũng không trùng với điều thiện bởi vì điều thiện bao hàm việc chiếm hữu, còn cái đẹp thì không. Nói đúng ra, cả ba “chân thiện mỹ” đều trùng hợp nhau xét theo thực thể bởi vì chúng là những đặc tính của hữu thể, nhưng chúng khác nhau xét theo khái niệm. Điều tốt (thiện) là cái mà mọi vật đều ham muốn và lòng muốn được thỏa mãn khi đã thủ đắc nó; còn đối với cái đẹp thì ta được thỏa mãn khi nhìn thấy nó hoặc hiểu biết nó. Như vậy, cái tốt thuộc vềước muốn, còn cái đẹp thuộc về hiểu biết.

Theo thánh Tôma, cái đẹp thuộc về những quan năng hiểu biết, tựa như thị giác và thính giác (mắt thấy tai nghe) nhằm phục vụ cho lý trí. Vì thế người ta nói đến “đẹp” khi nhìn hoặc nghe, chứ không nói đẹp khi nếm hoặc ngửi (I-II, q. 27, a. 1, ad 3; cfr. I, q. 5, a. 4, ad 1).

b/. Những yếu tố cấu thành

Có ba yếu tố cấu thành cái đẹp:

– (i) Sự nguyên vẹn hay hoàn bị (integritas sive perfectio), bởi vì những gì khiếm khuyết què quặt thì xấu xí.

– (ii) Sự hài hòa cân đối giữa các phần (debita proportio sive consonantia).

– (iii) Sự sáng sủa, rạng ngời, rực rỡ (claritas). Đặc tính này được hiểu theo nghĩa vật lý cũng như theo nghĩa tinh thần (chẳng hạn như sự rạng ngời của chân lý, của nhân đức)

c/. Phân loại

Có hai loại đẹp: thể chất và tinh thần (II-II, q. 145, a. 2).

– (i) Loại thứ nhất thuộc về thân thể, với sự cân đối của các phần thân thể và màu sắc sáng sủa

– (ii) Loại thứ hai là của linh hồn và tinh thần. Vẻ đẹp tinh thần hệ tại các cử chỉ hành động đều cân xứng dựa theo ánh sáng của lý trí.

Như vậy, đẹp là một ý tưởng loại suy. Nói cho cùng, xét vì là một đặc tính siêu việt, nền tảng cuối cùng của cái đẹp là chính Thiên Chúa.[21] Ngài chính là cái đẹp toàn diện, và Ngài phân phát cho các thụ tạo một phần cái đẹp và làm cho chúng nên đẹp (In Divinis Nominibus, IV, lect. 5, n. 346).

Như vậy, thánh Tôma đã đúc kết những tinh hoa của triết học Hy Lạp và tư tưởng Kitô giáo, và để lại cho hậu thế những đặc điểm chính về triết lý cái đẹp sau đây:

– Cái đẹp được nhìn theo chiều kích siêu hình, như là một đặc tính của hữu thể. Cái đẹp mang tính khách thể. Nền tảng của cái đẹp là chính Thiên Chúa, Hữu thể tự tại.

– Cái đẹp được nhìn trong tương quan với cái Thật và cái Tốt. Đẹp là sự rạng rỡ của cái Thật. Vì thế cái đẹp mang tính khả niệm nhưng cũng mang tính khả giác: đó là hình thể được gắn với chất thể, mang lại sự toàn vẹn, cân đối và trong sáng. Vẻ đẹp là sự chiếu tỏa của hình thể, lan rộng trên toàn thể các thành phần của chất thể. Cái đẹp thể chất có thể được nắm bắt nhờ “mắt thấy tai nghe”: cái đẹp mang lại thích thú.

C. Thời cận đại

Cũng tương tự như thời Trung cổ, ở đây, chúng tôi không hiểu “cận đại” theo nghĩa chặt chẽ, nhưng muốn mô tả một khúc ngoặt mới trong cách tiếp cận cái đẹp, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII. Trước đó, các nghệ sĩ của thời phục hưng vẫn còn tuân theo những quy tắc cổ điển. Sang thế kỷ XVIII, bắt đầu một lối nhìn mới về cái đẹp với sự ra đời của khoa Thẩm mỹ học.

“Thẩm mỹ học” (Aesthetica, hoặc gọi tắt “mỹ học”)[22] là một thuật ngữ được Alexander Gottlieb Baumgarten (1714-1762) đặt ra cho tác phẩm hai quyển xuất bản vào năm 1750 và 1758. Ông tách rời môn học về cái đẹp ra khỏi triết học (nghĩa là khỏi siêu hình). Ông phân biệt giữa cái “hiểu biết” (noeta) mà ta nắm bắt nhờ triết học trừu tượng, và cái “cảm nhận” (aistheta) nhờ giác quan cụ thể. Mỹ học có một tri-thức-luận độc lập. Cái đẹp được nghiên cứu vì cái đẹp, chứ không phải là phản ánh của một thực thể khác. Do đó, cái đẹp được tách ra khỏi hữu thể cũng như tách ra khỏi cái chân và cái thiện.

Trên thực tế, “mỹ học” chú trọng đến cái đẹp khả giác, đối tượng của giác quan (khác với quan điểm cổ điển nghiên cứu cái đẹp khả nghiệm, đối tượng của chân lý). Theo chiều hướng đó, từ nay người ta không quan tâm đến “triết lý của cái đẹp” cho bằng “triết lý của nghệ thuật” (hay của mỹ thuật), tuy rằng có khá nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng và quan năng mỹ thuật.

Gotthold Ephraim Lessing (tác phẩm Laocoonte, 1766) không nghĩ rằng có một quy tắc phổ quát cho tất cả các ngành nghệ thuật (chẳng hạn như thơ và họa). Các ngành nghệ thuật sử dụng những “dấu hiệu” khác nhau để “bắt chước” đối tượng mà mình theo đuổi.

Đang khi các nhà duy nghiệm dành vai trò đặc biệt cho óc tưởng tượng như là quan năng tự do sáng tạo, thì Shaftesbury tạo ra học thuyết về “thị hiếu” như là quan năng cảm nhận được cái đẹp. Một cách tương tự như vậy, Francis Hutcheson(An Inquiry into the Original of our Ideas of Beauty and Virtue, 1725) cho rằng con người có một quan năng nội tại có khả năng nắm bắt cái đẹp, dựa trên vài đặc trưng của các đối tượng.

Edmund Burke (A Philosophical Enquiry into the Origin of Our Ideas of the Sublime and Beautiful, 1757) đưa ra một quan điểm mới về mỹ học, đó là cái “cao cả” (sublime). Ông không đồng ý liên kết cái đẹp với sự cân đối, nhưng ông nêu bật những đặc tính khác tựa như nhỏ bé, tinh tế, nhã nhặn. Cái đẹp là “tình yêu mà không ham muốn”, còn cái cao cả là “bỡ ngỡ mà không nguy hiểm”. Cái đẹp gây ra tình yêu, cao cả gây ra kinh hãi. Ông Burke đã thu gọn các phạm trù thẩm mỹ vào hai đối tượng: cái đẹp và cái cao cả. Chủ trương này sẽ được Kant khai triển.

Immanuel Kant (1724-1804) đã viết Những nhận xét về cảm giác của cái đẹp và cái cao thượng (1764). Đặc biệt, với tác phẩm Phê bình phán đoán (1790), ông đã thiết lập một “Triết lý nghệ thuật” như là một ngành biệt lập của triết học, ngang với tri thức luận và đạo đức học.[23]

Theo Kant, cảm quan thẩm mỹ gồm hai hạng: cảm quan về cái cao cả và cảm quan về cái đẹp. Trong cả hai trường hợp, sự xúc động đều gây ra sự thích thú nhưng theo hai cách khác nhau: cái cao cả thì gây cảm động, cái đẹp thì gây ra say mê (Đêm thì cao cả, Ngày thì đẹp).Cái cao cả thì luôn luôn lớn, còn cái đẹp có thể nhỏ bé; cái cao cả cần phải đơn giản, còn cái đẹp thì có thể thổi phồng. Trí tuệ thì cao cả, thiên tài thì đẹp; sự táo bạo thì cao cả và lớn lao, sự tinh quái thì đẹp nhưng nhỏ bé. Các đức tính cao cả gây ra sự kính trọng, các đức tính đẹp đẽ gây ra yêu mến; tình bạn mang tính cao cả, tình dục mang tính đẹp đẽ.

Để khẳng định cái gì là đẹp hay không, ta phải quy chiếu về cách hình dung do óc tưởng tượng, đôi khi kết hợp với trí tuệ, với chủ thể và với cảm giác đau khổ hoặc thích thú. Khả năng thẩm định cái đẹp là “phán đoán về thị hiếu”. Phán đoán về thị hiếu không phải là phán đoán tri thức (vì thế không logic) nhưng là thẩm mỹ (thực nghiệm). Nói cách khác, nó là một phán đoán chủ quan. Cái đẹp không phải là một đặc trưng khách quan của đối vật, nhưng là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa tinh thần và đối vật. Trong thiên nhiên có thể có những hình thể đẹp, nhưng thực ra cái đẹp nảy sinh bởi tâm trí của con người: tâm trí (lý trí và tưởng tượng) mang lại cái đẹp cho thiên nhiên.

Từ Kant trở đi, việc nghiên cứu cái đẹp chuyển hướng từ cái đẹp của thiên nhiên sang nghệ thuật. Triết học về nghệ thuật sẽ còn được phát triển nơi Schelling, Hegel, Heidegger, Gadamer.

Tóm lại, nói chung, vào thời cận đại, cái đẹp được tách khỏi cái chân và cái thiện. Cái đẹp mang tính cách chủ quan và tương đối.

III. TỔNG HỢP

Sau khi đã rảo qua một vòng lịch sử về những quan điểm khác nhau về cái đẹp, chúng tôi xin tổng hợp dựa theo ba điểm như sau: 1/ Những tiêu chuẩn định nghĩa cái đẹp. 2/ Phân loại cái đẹp. 3/ Đẹp và xấu.

A. Những tiêu chuẩn định nghĩa cái đẹp

Dựa theo José C.R. Garcia Paredes,[24] chúng ta có thể liệt kê 7 tiêu chuẩn khác nhau để định nghĩa cái đẹp:

1/ Khách quan: Đẹp là cái hàm chứa những quy tắc đã được xác định (chẳng hạn: hài hòa, cân xứng giữa các phần của tổng bộ).

2/ Chủ quan: Đẹp là cái bất định, được đánh giá tùy theo sở thích.

3/ Hữu dụng: Đẹp là cái – xét về lý thuyết và thực hành – có ích lợi để đạt tới một mục tiêu nào đó (sư phạm, luân lý, chính trị, tôn giáo, ý thức hệ).

4/ Xã hội: đẹp là cái mà các chuyên gia đã thẩm định dựa theo quy ước của một thời đại hoặc một nền văn hóa nào đó.

5/ Tỏ hiện: đẹp là cái rực rỡ, sáng chói, giữa khung cảnh tối tăm hoặc hỗn mang.

6/ Hấp dẫn: đẹp là cái gì quyến rũ vì thích thú, khoái lạc về cảm giác, hoặc dẫn tới cái gì ngây ngất (kể cả huyền bí tôn giáo).

7/ Đẹp và xấu cũng như nhau. Chúng ta sẽ trở lại điểm này sau khi đã phân loại các thứ đẹp.

Hai tiêu chuẩn đầu tiên cũng có thể xem như hai lối tiếp cận chính trong lịch sử: a) cái đẹp khách quan (nằm ở đối thể); b) cái đẹp chủ quan (tùy thuộc phán đoán của chủ thể). Lối tiếp cận thứ hai được phổ biến với sự ra đời của mỹ học.[25] Tuy nhiên, hai lối tiếp cận không hoàn toàn loại trừ nhau. Lối tiếp cận thứ nhất cũng nói tới quan năng để nắm bắt cái đẹp khách thể (mắt và tai), hoặc sự biểu lộ của cái đẹp (hình thể, ánh sáng), hoặc những hiệu quả mà sự cảm nhận để lại (ngây ngất, thỏa thích). Đối lại, bất cứ nghệ sĩ nào cũng cần được huấn luyện về những quy tắc của bộ môn.

B. Phân loại

“Đẹp” là một ý niệm loại suy, và có thể áp dụng cho nhiều thực thể. Từ đó, ta có thể phân chia nhiều thứ đẹp.

1/ Có cái đẹp “khả giác” và cái đẹp “khả niệm”: có cái đẹp có thể nắm bắt nhờ giác quan (cách riêng là thị giác và thính giác); có cái đẹp vô hình của các hữu thể, các loài thiêng liêng, và nhất là của Thiên Chúa.

2/ Có cái đẹp thể chất và cái đẹp tinh thần, (theo như câu tục ngữ: “cái nết đánh chết cái đẹp”). Dù sao, như đã thấy trên, trong nhiều ngôn ngữ, cái “đẹp” thường đi đôi với cái “tốt”.

3/ Dưới khía cạnh thể chất, cái đẹp có thể áp dụng cho con người (người đẹp) cũng như cho động vật và thực vật; cho thiên nhiên, vũ trụ; hoặc cho một công trình do bàn tay con người làm ra.

4/ Đẹp có thể là áp dụng vào một tình trạng (tĩnh) hoặc một hành động. Hành động đẹp thường được hiểu theo nghĩa luân lý (thí dụ: một nghĩa cử cao đẹp; chơi đẹp). Mặt khác, cái đẹp của một bức tranh thì khác với cái đẹp của một vở kịch.[26]

C. Đẹp và xấu

Trong phần thứ hai, chúng ta đã theo dõi những quan điểm khác nhau về cái đẹp. Cái không đẹp chưa hẳn là xấu mà chỉ là bình thường. Thế nào là xấu[27] (ở đây hiểu theo nghĩa “xấu xí”, chứ không phải “xấu xa”)? Nếu đã có một lịch sửvề cái đẹp thì cũng có một lịch sử về cái xấu,[28] và chúng ta có thể tóm tắt sự tiến triển qua bảy bước như sau:[29]

1/ Cái xấu không thực hữu (Hy Lạp cổ điển). Thời xưa, có nhiều quan niệm về cái xấu. Cái xấu là cái không thực hữu, hoặc là cái hào nhoáng bên ngoài mà không có thực chất bên trong. Thế nhưng, có người (như Platon) cho rằng lý tưởng mới thực là cái đẹp;vật chất là cái xấu. Dù sao, cái xấu tương phản với cái đẹp, trái ngược với “chân-thiện-mỹ”; cái xấu là sự rối loạn, hỗn độn (chẳng hạn bởi vì không cân xứng, thiếu toàn vẹn). Quan niệm siêu hình cổ điển về cái xấu cũng còn được gặp thấy nơi Heidegger.

2/ Cái xấu là cái dị hình. Kitô giáo du nhập một quan niệm mới về cái xấu, trái nghịch với cái đẹp của Hy Lạp. Kitô giáo chấp nhận một Thiên Chúa nhập thể, và nhất là chấp nhận cái dị hình (deformitas: không còn giữ hình dáng nguyên vẹn) nơi Đức Giêsu chịu khổ nạn trên thập giá.[30]

3/ Cái xấu pha trộn trong cái đẹp (Chủ nghĩa lãng mạn bên Đức). Lessing là người đầu tiên (tác phẩm Laoconte, 1766) nghiên cứu cái xấu như là phạm trù của thẩm mỹ: cái xấu làm cho cái đẹp thêm nổi bật, tựa như gia vị trong thức ăn. Tuy nhiên, Lessing chỉ chấp nhận cái xấu trong thơ văn chứ không chấp nhận trong nghệ thuật tạo hình. FriedrichSchlegel (tác phẩm: “Khảo luận về thơ Hy Lạp”, 1796) cho rằng không có cái đẹp nào hoàn toàn, thế nào cũng pha lẫn cái xấu. Hoặc có thể nói ngược lại: trong cái xấu có cái đẹp (cũng tương tự như đối với đạo đức học, nết xấu cũng có khía cạnh tốt).

4/ Cái xấu và cái tốt không còn phân biệt (Văn chương Pháp tk XIX). Các bà phù thủy trong vở kịch Machbeth của Shakespeare lặp đi lặp lại: “cái đẹp là xấu, cái xấu là đẹp”. Victor Hugo, Eugène Sue, Baudelaire chọn đề tài cho các tác phẩm của mình những người xấu xí về thân thể hoặc tinh thần, cảnh khốn cùng về luân lý hoặc thể chất, các tội phạm, các thành phần bất lương. Không có gì hoàn hảo trên đời này: cái xấu và cái đẹp, cái tởm và cái xinh, cái ác và cái thiện luôn đứng kề bên nhau.

5/ Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành đẹp. Nghệ thuật có thể biến đổi cái xấu thành cái đẹp. Bên Đức, trong khoảng thời gian vào những năm 1830-1857, những học thuyết triết lý về cái xấu được thành hình. Năm 1839, Christian Hermann Weisse xuất bản cuốn sách “Hệ thống thẫm mỹ như là khoa học về ý tưởng cái đẹp”, trong đó ông xem cái xấu như là thành phần cốt yếu của cái đẹp. Cái xấu là mặt trái của cái đẹp; cái xấu dọn đường cho cái đẹp; vì thế khi hoàn tất sứ mệnh, nó tan hòa trong cái đẹp. Năm 1853, Karl Rosenkranz xuất bản cuốn “Mỹ học về cái xấu”. Cái xấu có liên hệ với sự đau khổ mà Kitô giáo đã du nhập vào văn minh Tây phương. Con người mang trong mình dung mạo thô bạo của những lý hình tra tấn Đức Kitô, đồng thời cũng mang dung mạo duyên dáng của Đức Trinh nữ Maria và các thánh. Theo Rozenkranz, một tác phẩm càng đẹp và thành công khi nổi bật sự hỗn mang trong đó. Ông cho rằng cái đẹp (cũng như cái tốt) thì tuyệt đối, còn cái xấu (cũng như cái ác) thì tương đối. Cái ác và cái xấu sẽ biến đi trong toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.

6/ Cái xấuxem rakhá hơn cái mà ta nghĩ rằng là đẹp. Đó là quan điểm của Theodor Adorno (tác phẩm Học thuyết thẩm mỹ xuất bản năm 1970). Nghệ thuật phải diễn tả thực tại dưới bộ mặt sỗ sàng của nó. Nghệ sĩ cần cho thấy sự thật phũ phàng. Với Picasso, cái dị hình xấu xí được nhìn nhận là tiêu chuẩn cho cái đẹp.

7/ Tái khám phá cái đẹp. Sau khi đã hạ bệ cái đẹp, đem nó xuống tầng lớp vô sản, người ta thấy rằng nghệ thuật đang đi vào ngõ cụt. Những tác phẩm “giật gân” chỉ nổi tiếng chớp nhoáng, và sớm chìm vào quên lãng. Người ta cảm thấy cần tái khám phá cái đẹp, khám phá sự thưởng thức, ngoạn mục. Tuy nhiên, cũng cần phải được huấn luyện để nhận biết cái đẹp, dưới những dạng thức khác nhau, vượt lên cả cái đẹp của nghệ thuật.

KẾT LUẬN

Chúng tôi xin tạm kết bài này với hai nhận xét

1/ Có nhiều quan điểm khác nhau về cái đẹp, bởi vì có nhiều lối tiếp cận khác nhau. Đành rằng các triết gia cổ điển Hy Lạp có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng họ đều nghiên cứu dưới khía cạnh hữu thể. Vào thời nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các tác giả thường giới hạn vào lãnh vực của “mỹ thuật”.

2/ Như thánh Tôma Aquinô đã nhận xét, Mỹ khác với Chân và Thiện xét về ý tưởng, nhưng đồng nhất với nhau về thực hữu; cả ba không thể tách rời nhau. Cha Segundo Galilea[31] kể lại dụ ngôn sau đây để giải thích mối liên hệ ấy.

Bộ ba Chân – Thiện – Mỹ đang đi dạo trên thiên cung, và tranh luận sôi nổi xem ai là người quan trọng và đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả.

Chân Lý nói: “Nếu không có tôi, mọi sự đều là sai lầm và hư ảo. Cuối cùng, những lường gạt và sai lầm sẽ bị vạch trần, để lại biết bao là thất vọng và tội ác. Nếu không có tôi, cái tốt sẽ chẳng còn tốt nữamà chỉ là giả hình và xu thời. Nếu không có tôi, cái đẹp chỉ là giả tạo, và tệ hơn nữa, chỉ là công cụ quảng cáo. Hai anh cần đến tôi nếu muốn đứng vững lâu dài và chân chính”.

Sự Thiện nói: “Tôi đặt tình yêu trong hết mọi vật. Thánh Phaolô đã viết rằng nếu không có tình yêu và tốt lành thì tất cả những gì chúng ta làm đều chẳng có giá trị gì. Thật vậy chân lý mà thiếu điều thiện thì trở thành kiêu căng và hống hách, thậm chí đôi khi tàn bạo nữa. Cái đẹp mà thiếu sự tốt lành thì sẽ chóng tàn, đó là chưa nói tới sự lệ thuộc và nô lệ mà nó gây ra. Hai anh cần đến tôi nếu không muốn bị hủy hoại và làm hủy hoại người khác”.

Cái Đẹp nói: “Nếu không có tôi thì chẳng ai quan tâm đến các anh, vì các anh sẽ thiếu hấp dẫn. Chính tôi đã nêu bật giá trị của các anh trước mặt người đời. Nếu thiên hạ đi tìm cái chân và cái thiện là tại vì họ bị thu hút bởi vẻ đẹp tiềm ẩn trong đó. Ngoài ra, chính tôi đã đặt sự quân bình và hài hòa, nếu không thì các anh sẽ bị lệch lạc hoặc nghiêng bên này ngả bên kia. Tôi là hội nhập trong hòa hợp”.

Đến đây Thiên Chúa tiến đến gần và lên tiếng: “Ta đã nghe điều các con đang tranh cãi. Nếu mỗi người khẳng định tầm quan trọng của mình thì điều đó cũng đúng thôi. Mỗi người đều cần thiết trong vũ trụ, và đặc biệt là trong đời sống của mỗi con người. Tuy nhiên, điều hết sức cần thiết là các con phải sống chung với nhau, bởi vì có như vậy các con mới có thể tồn tại được, có như vậy thế giới mới có thể đạt được mục tiêu của chúng. Ngoài ra các con hãy nhớ rằng nếu chẳng may một ai trong chúng con bị ngã hoặc đã mất sự quyến rũ đối với nhân loại, thì hai người còn lại luôn có thể đến trợ giứp và thôi thúc loài người, ngõ hầu họ lại có thể tìm được sức thu hút và hấp dẫn tiến tới chân lý, sự thiện và cái đẹp đã bị lạc mất. Mỗi người trong các con đều chứa đựng trong mình mầm mống và bí quyết của hai người kia nhằm thiện ích của nhân loại: thật vậy nếu không có các con thì chẳng có sự sống, chẳng có tự do, chẳng có hạnh phúc”.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


[1] St. Augustin, Confessiones XI, 14.

[2] Lê Gia, Tiếng Nói Nôm Na, NXB Văn Nghệ, Tp. HCM 1999, tr. 196.

[3] Ibid., tr. 511.

[4] Ibid., tr. 1395.

[5] Xem bài Cái đẹp trong Kinh Thánh, trong tạp chí Thời Sự Thần Học số 73.

[6] Đông phương cũng có mỹ thuật từ xưa lắm rồi, nhưng mới biết đên “mỹ học” khi tiếp xúc với văn minh Âu-Tây. Xem bài viết về Mỹ học ở Việt Nam trong số này.

[7] PLATÓN, República, 606-608

[8] XENOFONTE, Memorables, III,10.

[9] Trong thế giới Latinh, người ta còn đặt tên là artes liberales. Vào thời cận đại, người ta giới hạn vào “mỹ thuật” (belle arti, beaux arts).

[10] PLATÓN, Apología, 22; Timeo, 19; República, 605.

[11] PLATÓN, República, X, 596; Fedro, 248.

[12] PLATÓN, República, III, 401.

[13] PLATÓN, Hippias maior, 287 ss.

[14] PLATÓN, Hippias maior, 298; Banquete, 210 ss; República, III, 401; 396 ss. Filebo 64.

[15] ARISTÓTELES, Ethica Nic. VI, III.

[16]ARISTÓTELES, Política, VII, 4; Ethica, IV, 3; Metaphysica XI, 4.

[17] Có nhiều quan điểm khác nhau về khởi đầu và kết thúc thời Trung cổ. Một tiêu chuẩn phổ thông cho rằng thời Trung cổ bắt đầu từ thế kỷ V (với sự sụp đổ của Đế quốc Rôma bên Tây) và chấm dứt năm 1453 (thủ đô Constantinopolis rơi vào tay người Thổ nhĩ kỷ). Ngoài ra người ta còn chia làm ba giải đoạn: Thượng (tk.V-XI), Trung (tk.XI- XIII), Hạ (tk.XIV-XV).

[18]S. AUGUSTÍNUS, De ordine, Lib. I, cap. X.

[19] B. MONDIN, “Bellezza”, in: Dizionario enciclopedico del pensiero di S. Tommaso d’Aquino, EDB Bologna 2000. Mặc dù vậy, nhiều học giả đã viết khảo luận về cái đẹp theo thánh Tôma, trong đó không thể nào bỏ qua giáo sư Umberto Eco, Il problema estetico in Tommaso d’Aquino, Milano 1982.

[20]“Pulchra dicuntur quae visa placent” (Summa TheologicaI, q. 5, a. 4, ad 1). Thiết tưởng có thể dịch là “ngoạn mục”. Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng bên cạnh cái nhìn bằng cặp mắt thể xác, thần học kinh viện còn nói đến cái nhìn bằng cặp mắt thiêng liêng nội tâm.

[21]Thánh Tôma cũng bàn đến cái đẹp trong tương quan với Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể ở Summa Theologica I, q.39, a.8 c.

[22]Theo nguyên gốc Hy-lạp, aisthesiscó nghĩa là cảm giác, nhận thức thủ đắc qua kinh nghiệm giác quan. Vì thế aestheticslà môn học về cảm giác, như chính ông đã định nghĩa:« Aesthetices finis est perfectio cognitionis sensitivae, qua talis, haec autem est pulchritudo [Mục đích của aesthetica là kiện toàn tri thức giác quan, tức là cái đẹp] » (Aesthetica, I, 1, § 14).

[23]Nên biết là ba tác phẩm Phê bình lý trí thuần túy, Phê bình lý trí thực tiễn, Phê bình phán đoán là những khảo luận về tri thức, ý chí và cảm giác.

[24]J. Garcia Paredes, Teologia de la Belleza y Philokalia. ITVR, Madrid 2011, p.13

[25]Cha M.I. RUPNIK cho thấy sự khác biệt giữa hai lối tiếp cận về mỹ thuật giữa hai giai đoạn (tiếp cận khách quan và chủ quan) như sau. 1/ Theo quan điểm cổ điển, cái đẹp là sự tương ứng giữa những hình thể hữu hình vật chất với mẫu lý tưởng. Khi tạc một pho tượng về một phụ nữ, nghệ sĩ không nghĩ đến một phụ nữ bằng xương bằng thịt đang làm mẫu, nhưng muốn diễn tả cái đẹp của một phụ nữ lý tưởng. Nói được là mỗi phụ nữ đều có thể mong muốn thông dự phần nào đó vào khuôn mẫu ấy. 2/ Vào thời cận đại, tình hình lật ngược : nghệ sĩ trình bày một phụ nữ cụ thể, và lý tưởng hóa người ấy thành một khuôn mẫu. La via della bellezza nell’arte contemporanea, in PATH 4 [2005], 481-495.

[26] Trong tiếng Việt, người ta nói vở kịch hoặc bản nhạc “hay” (chứ không nói là “đẹp”), cũng như “mỹ tửu” là rượu “ngon” (chứ không “đẹp”).

[27] Nhận xét về những từ ngữ ám chỉ cái xấu xí. 1/ Tiếng Hy-lap:aiskhron: cái gì đáng hổ thẹn (vì hình dung thể xác hoặc luân lý); gheloion: dị hợm. 2/ Tiếng Latinh:deformitas: hình thể (forma) đã bị lệch lạc; foedus: ô uế, hôi thối (khứu giác) gốc của feo tiếng Tây-ban-nha. 3/ Trong tiếng Đức hässlich có nghĩa là đáng ghét (gốc bởi hassen: ghét). 4/ Tiếng Anh, deformity gốc Latinh, nhưng Burke đã thay thế bằng ugliness (gốc bởi từ cổ uggen: kinh tởm).

[28] X. Tác phẩm nổi tiếng của Umberto Eco, Storia della Bellezza, (Bompiani, Milano 2004) vàStoria

della bruttezza ( Bompiani, Milano 2007), được dịch ra nhiều thứ tiếng.

[29] X. J. Garcia Paredes, Sách đã dẫn, trang 32-36. M. Salmeron Infante, Lo feo antes, segun y despues de Hegel Revista Forma 11 (2015) p.13-24.

[30] Nên biết là các giáo phụ cũng thích chơi chữ: nơi Đức Giêsu khổ nạn, cái deformitas (mất hình dạng) cũng là dei formitas (hình dạng của Thiên Chúa).

[31] SEGUNDO GALILEA, Fascinados por su fulgor: para una espiritualidad de la belleza, Narcea, Madrid 1998, pp. 27-28.

 

Nguồn tin: catechesis.net
Tags :