Giới trẻ, một chủ đề được bàn thảo cách sâu rộng với một “tầm nhìn mới” trong thời gian gần đây. Đặc biệt, Thượng Hội Đồng về người trẻ đã được tổ chức tại Rôma (2018) và kết quả là Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng “Christus Vivit” được ban hành.[1] Nói về người trẻ, chắc hẳn sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ khía cạnh lý thuyết đến những thực hành trong đời sống. Đôi dòng cảm nghiệm dưới đây như một thoáng nhìn về người trẻ, được gợi hứng từ những áng văn trẻ trung của Tông huấn: Christus Vivit (Đức Kitô Hằng Sống).
Giới trẻ, những con đường và sự chọn lựa
Toàn cầu hóa đã mở ra một thế giới đa phương. Điều đó đồng nghĩa với việc mở ra cho người trẻ nhiều chọn lựa, nhiều con đường hướng tới tương lai. Nhân loại được xích lại gần nhau trong một “thế giới phẳng.” Người trẻ nơi mỗi quốc gia bắt đầu đặt chân khám phá những điều mới lạ. Trong đó, những bạn trẻ mang trong mình Đức ti Kitô giáo cũng nhập đoàn tiến bước. Có thể nói, lúc này đây nhiều con đường mở ra, tạo thành những nấc thang cho những người trẻ trên con đường chinh phục ước mơ của mình. Một chuyến xuất ngoại du học; một công việc lao động; một sự dấn thân phục vụ; Đại học hay một con đường nào khác. Tất cả hướng về tương lai của các bạn trẻ mà ngày hôm nay cả Giáo Hội và xã hội luôn thao thức và đồng hành.[2] Bởi đó, điều quan trọng là các Kitô hữu cũng như các người trẻ “phân định được con đường của mình, con đường mà họ đưa ra được điều tốt nhất cho mình, đưa ra được những quà tặng đích thân nhất Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ.”[3]
Người trẻ vẫn được biết đến là tương lai của Giáo Hội và xã hội, không chỉ vì ngày mai là của họ, nhưng chính họ sẽ đi tìm ngày mai cho mình từ hôm nay. Dưới cái nhìn của Tông huấn thì chính họ còn là hiện tại của Giáo Hội và thế giới (Christus Vivit, số 64). Điều đó nhắc nhở người trẻ ý thức hơn về ơn gọi hiện diện của mình trong mọi môi trường. Thực tế, không phải mọi con đường đều có thể dẫn tới thành công. Thế giới còn đó những bạn trẻ vất vả chèo chống với cuộc sống nhiều khó khăn. Có những con đường không mang lại kết quả như lòng mong muốn. Có nhiều bạn trẻ phải chiến đấu với bao gian nan thử thách, vật lộn giữa cuộc sống mưu sinh. Vẫn còn đó trong một thế giới đổi thay “nhiều cuộc đời bị phơi sườn để hứng chịu sự đau khổ và bị dẫn dụ” (Christus Vivit, số 71). Nhiều bạn trẻ còn phải mang vác thập giá (Christus Vivit, số 83). Nhưng không vì thế mà người trẻ lại chùn bước. Đám mây có thể dừng lại trong chốc lát, rồi nó sẽ tan biến đi. Người trẻ có thể bước tiếp từ những thất bại, từ những khó khăn bủa vây để tiếp tục lên đường tiến về “miền đất hứa.” Thật vậy, phía trước luôn là ánh sáng để dẫn người trẻ đến niềm vui, niềm an bình và hoa trái của cuộc lữ hành (x. Gl 5,22-23).
Muốn vậy, những chọn lựa đúng đắn của tuổi thanh xuân có một ý nghĩa quyết định sự thành bại cho suốt hành trình cuộc đời nơi mỗi người. Dù nhận định thế nào thì “tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi mọng mơ, lý tưởng, can đảm, quảng đại, quên mình vì đại nghĩa.”[4] Bởi đó, thật ý nghĩa khi người trẻ can đảm với những định hướng của mình trong mọi hoàn cảnh sống khác nhau. Có thể thấy được, khát khao của những ước mơ là động lực để chắp cánh cho những dự phóng lớn lao. Những dự phóng có đích đến và nói lên được tiếng nói của nó. Điều cần có là những người trẻ không bao giờ sợ hãi khi phải bước đi giữa bao khó khăn hay chống chọi một mình. Thật may mắn, Đức Kitô luôn song hành cùng người trẻ. Đức Kitô luôn mãi là bạn của người trẻ, một người bạn tốt nhất (x. Christus Vivit, số 150). Bởi đó, các bạn trẻ được mời gọi đừng bao giờ để cho đức tin phai nhạt trong đời sống. Đừng bao giờ đánh mất đức tin, bởi đức tin là cửa ngõ dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa.[5]
Cùng đi với Đức Kitô
Hành trình người trẻ dấn thân không đơn độc. Có những người bạn khác cùng đồng hành. Trong số đó có một người bạn trẻ trung luôn bên cạnh, Đức Giêsu Kitô hằng sống và mời gọi các bạn sống (Christus Vivit, số 1). Người bạn đó thầm nói với người trẻ rằng: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,9). Nếu bỏ quên người bạn Giêsu, người trẻ sẽ cảm thấy nỗi bơ vơ, lạc lõng. Bởi vì “không có Ngài, các bạn chẳng làm được gì và chỉ khi nào cùng với Giêsu vào đời thì các bạn sẽ gặt hái nhiều hoa trái (x. Ga 15,5). Tuy nhiên, nếu lúc nào đó mệt nhoài trên đường lữ hành, nếu cảm thấy rã rời, yếu nhược thì chính Đức Giêsu chứ không ai khác sẽ đổi mới tâm hồn người trẻ (Christus Vivit, số 109). Ngài sẽ hiện diện bên các bạn mỗi ngày (x. Mt 28,19). Ngài là Đấng đến để cho mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đừng bao giờ sợ hãi (x. Mc 6,50), nhưng “hãy mở rộng ra những cánh cửa cho Chúa Kitô, và các con sẽ tìm thấy sự sống thật.”[6]
Hãy đón tiếp Chúa Giêsu như một người bạn, đừng bao giờ sợ hãi, vì chỉ khi đó các bạn sẽ tiếp tục tiến bước trong hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “chính Ngài sẽ ban cho các con sự bình an mà các con đang tìm kiếm và sức mạnh để sống, vì Ngài muốn các con sống.”[7] Trong mỗi cuộc đăng trình, Giêsu luôn cất bước cùng các bạn, những bước âm thầm của người lữ khách trên đường Em-mau (x. Ga 24,13-35). Điều quan trọng là một tâm hồn bén nhạy để nhận ra sự hiện diện yêu thương và gần gũi của Ngài trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Bởi đó, các bạn trẻ hãy luôn ở trong Đức Kitô (x. 1Cr 1,30) bằng niềm tin kiên vững. Một khi có đức tin, các bạn sẽ đến với Đức Kitô và bám vào Người (x. Ga 7,37). Tông huấn nói cho người trẻ biết rằng “Đức Giêsu là con đường, hãy đón người vào thuyền của các bạn và ra khơi.” (Christus Vivit, số 141). Chắc chắn, một khi có Chúa đồng hành, người trẻ sẽ được thêm sức mạnh, tung cánh bay xa, chạy hoài mà không mỏi mệt, đi mãi mà chẳng chùn bước (x. Is 40,31).
Đi với Đức Giêsu, vì chính người là đường (x. Ga 14,6), người trẻ chung tay kiến tạo một thế giới hiệp nhất. Hợp lực cùng nhau xây dựng một nền văn minh “tình thương và sự sống” (G 10,12). Ra khơi với Đức Kitô để vượt thắng những cơn cám dỗ bủa vây người trẻ hôm nay. Nhờ đó, người trẻ được an tâm bởi điểm tựa vĩnh cửu Giêsu như là lực đẩy các bạn vươn cao và vươn xa trên hành trình tìm về nguồn sống, niềm hạnh phúc và niềm vui của cuộc đời. Có Đức Kitô, các bạn dấn thân vào đời mà không quản khó khăn, bởi xác tín rằng “ơn Thầy đủ cho con” (2Cr 12,9). Đồng thời mở rộng tương quan chiều ngang để nhận thấy được, dù thuộc bất cứ quốc gia, châu lục nào thì tất thảy người trẻ vẫn là một trong Đức Kitô Giêsu (x. Gl 3,28) và cùng hân hoan nhịp bước lên đường, mang đến cho nhân loại những tia sáng huy hoàng. Nhờ đó, cùng giúp nhau gầy dựng một tấm lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại (x. Mt 22,36-40) là điều quan trọng cho mỗi bước đường đời. Điều đó làm nên giá trị của cuộc hiện sinh.
Thắp sáng hy vọng
Trong một thế giới khi bao giá trị luân lý đang bị đảo ngược, những truyền thống đạo đức bị coi thường, người trẻ được mời gọi thắp sáng hy vọng. Dẫu biết rằng sống giữa một xã hội đổi thay, nhiều lúc con đường tiến về phía trước như những áng mây mịt mùng chặn đứng lối đi. Trong hoàn cảnh đó, các bạn trẻ đừng bao giờ cảm thấy sợ hãi khi phải vất vả ngược xuôi giữa dòng đời. Bởi đã có Đức Kitô, người bạn và ánh sáng chiếu soi đêm tối. Vững tin rằng, “Đức Kitô ở trong các bạn, niềm hy vọng vinh quang duy nhất” (Cl 1,27). Khi đó, người trẻ dấn thân và “tiếp tục theo đuổi những niềm hy vọng và những ước mơ (Christus Vivit, số 142).
Không thể phủ nhận rằng, bối cảnh xã hội hôm nay đã tác động lên đời sống của người trẻ. Một cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực ngày càng rõ nét: khủng hoảng của tình người, tình liên đới, sự sẻ chia; khủng hoảng của chân lý; khủng hoảng của một đức tin chân thật… Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: tất cả mọi người, cách riêng là các bạn trẻ đang bị nhận chìm trong một nền văn hóa lao nhanh. Vì thế ơn phân định để có được chọn lựa đúng đắn đang trở nên cấp thiết.[8] Ngày nay, không thiếu những bạn trẻ đã đánh mất đức tin vốn là hồng ân Thiên Chúa ban tặng, cũng như gia sản được thừa hưởng từ truyền thống giữ đạo lâu năm nơi các gia đình, xứ đạo. Căn tính Kitô hữu đang phai mờ trong một thế giới cái ảo choán chỗ cái thật. Từ bỏ đức tin chân chính để nghe theo tiếng gọi của một niềm tin hão huyền. Điều đó mời gọi người trẻ hôm nay đứng lên, củng cố đức tin và thắp sáng hy vọng,[9] hãy kiên trì trong cuộc chạy đua dành cho các bạn (x. Dt 12,1). Hơn nữa, người trẻ được mời gọi xây dựng hòa bình cho thế giới bằng niềm vui. Vì chưng, “không một dấu chỉ nào chắc chắn hơn về người xây dựng hòa bình đích thật cho bằng niềm vui.”[10] Đời sống của người trẻ và của bất cứ những người tin đều phản chiếu một “niềm hân hoan trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Đó là biểu hiện của sự thánh thiện Kitô giáo.[11]
Con người qua mọi thời luôn có những khát vọng thâm sâu. Tuổi thanh xuân là thời gian tươi đẹp để vận dụng vun trồng và làm triển nở các giá trị của hồng ân hiện hữu. Các bạn trẻ mang lấy đức tin và mang niềm vui đức tin ấy đi vào lòng đời. Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nhận: “thật là đẹp khi giới trẻ trở thành những người lữ hành đức tin, hạnh phúc khi mang Đức Giêsu vào trong mỗi đường phố, trên những công trường, trong mỗi góc nhỏ của thế giới.”[12] Khi đó, những vần thơ của cố Linh mục Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm: “tôi sung sướng được là người công giáo” sẽ mãi mãi âm vang trên bầu trời hy vọng. Trung thành với điều đó, người trẻ luôn biết “chiêm ngắm Đức Giêsu rạng rỡ, tràn ngập niềm vui. Hãy vui mừng với Người như với một người bạn đã chiến thắng (Christus Vivit, số 126). Để bất cứ ai gặp thấy các bạn đều nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Nhờ đó, khát khao kiếm tìm những giá trị Chân, Thiện, Mỹ không bao giờ nguôi, như ngọn lửa nung nấu thôi thúc con người hướng tới mục tiêu tối hậu là sự sống đời đời (x. Rm 6,8). Đó là niềm hy vọng phổ quát chung cho tất cả mọi người, mọi nơi. Luôn mãi, đừng để bất cứ ai lấy đi nơi người trẻ niềm hy vọng (Chritus Vivit, số 107).
Được hiện hữu trong thế giới này thật là hồng ân lớn lao. Đúng thế, “chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của quá trình tiến hóa. Mỗi người chúng ta hiện hữu là vì Thiên Chúa đã nghĩ đến ta.”[13] Bởi đó, người trẻ cũng như bao người khác luôn biết khát khao hoàn thành viên mãn ơn gọi hiện hữu ấy. Như vậy, cần đi đúng đường khi thánh ý Chúa được thể hiện qua cung cách sống của người trẻ. Muốn vậy, các bạn trẻ hôm nay không ngừng thưa lên cùng Chúa như chàng thanh niên Saolê ngày xưa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì” (Cv 22,10)? Thực thi điều đó chính là hiện thực hóa lời mời gọi của vị chủ chăn Giáo Hội rằng, hỡi các bạn trẻ: “các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình” (Chritus Vivit, số 143). Bất cứ bạn trẻ nào, hiện diện ở quốc gia, châu lục nào thì cũng có điều gì đó chung nhất. Rằng, có điều gì đó trong kiếp nhân sinh, cuộc sống cần chọn lựa, cần một lối đi để hoàn thành ý nghĩa cuộc đời. Trong cái mịt mùng của những đổi thay nhanh chóng, người trẻ can đảm dấn thân góp phần biến đổi thế giới này. Bởi lẽ, thế giới luôn cần đến các bạn, vì thế “đừng để ai xem thường tuổi trẻ của các bạn” (1Tm 4,12). Vững niềm tin, Đức Kitô đang sống trong các bạn (x. Rm 8,10; Gl 2,20; Cl 1,27) và chính Ngài đã chọn các bạn để nên thánh và vô tỳ tích trước nhan Ngài trong tình yêu (x. Ep 1,4). Ước mong cho các bạn trẻ luôn là những hạt lúa gieo vào lòng đất và trổ sinh hoa trái (x. Ga 12,24). Hãy tỉnh thức cho một chọn lựa đúng! (x. Mt 24,42; Mc 13,35).
Jos. Nguyễn Lâm – K.XIV
[1] Tông huấn mang tên “Christus Vivit” được Đức Thánh Cha Phanxicô ký ban hành ngày 25 tháng 3 năm 2019 với nội dung trải dài trong 299 số, là kết quả đúc rút từ Tài liệu làm việc (công bố ngày ngày 19/6/ 2018) và Tài liệu chung kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục về người trẻ (công bố ngày 27/10/2018).
[2] Đối với Giáo Hội hoàn vũ, Thượng Hội Đồng Giám Mục Khoá Thường lệ thứ XV về Người Trẻ diễn ra tại Rôma từ ngày 03-28/10/2018 với chủ đề “Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi” đã chứng minh cho điều đó. Tại Giáo Hội địa phương, HĐGM Việt Nam trong Thư Chung gửi cộng đoàn dân Chúa ký ngày 04 tháng 10 năm 2019, đã đề nghị một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện. Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
[3] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Gaudete et exsultate (Vui mừng và Hân hoan), ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2018, số 11.
[4] ĐGM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Op., Để họ lớn lên, Đức Tin và Văn Hóa, 2007, 51.
[5] X. Bênêđictô XVI, Tự sắc Porta Fidei (Cánh cửa đức tin), ban hành ngày 10 tháng 11 năm 2013, số 1.
[6] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ tuyên phong Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngày 01 tháng 5 năm 2011, trong ý hướng nhắc lại những lời của vị tiền nhiệm trong thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại quảng trường thánh Phêrô năm 1978: “Đừng sợ! Hãy mở, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!”
[7] ĐGH Phanxicô (Tiến sĩ Trần Mỹ Duyên chuyển ngữ), Nói với con tim, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, 32.
[8] X. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Gaudete et exsultate (Vui mừng và Hân hoan), op.cit., số 167.
[9] Trong Tông huấn Christus Vivit, từ số 49-63, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã giới thiệu những mẫu gương người trẻ sống chứng nhân theo các phương thế khác nhau để làm chứng cho một tình yêu vĩnh cửu.
[10] Henri Nouwen (Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông dịch), Đường đến Hòa Bình, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, 99.
[11] X. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Gaudete et exsultate (Vui mừng và Hân hoan), op.cit., số 122-128.
[12] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Của Tin Mừng), ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2013, số 106.
[13] Bài giảng trong Thánh lễ đăng quang của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 24 tháng 4 năm 2005.