Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, Năm B: Niềm Hi Vọng Trời Cao

Fri,10/05/2024
Lượt xem: 576

Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên

(Cv 1,1-11; Tv 46; Ep 4,1-13; Mc 16,15-20)

Niềm Hy Vọng Trời Cao

Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Lễ Chúa thăng thiên hôm nay gọi mời chúng ta hướng vọng trời cao, cùng đích của chúng ta và sứ mạng loan báo của niềm hy vọng hồng phúc cho muôn loài thọ tạo. Xin gợi lên 2 điểm suy niệm:

1.       Đức Giêsu được siêu tôn, niềm hy vọng của chúng ta

Sau khi con người sa ngã, cửa trời đã bị khép lại, song với biến cố Đức Giêsu Kitô, các tầng trời đã rộng mở cho con cái loài người. Lễ Thăng Thiên hôm nay là ngày Đức Kitô được siêu tôn bên hữu Chúa Cha, Người được trao vương quyền trên cõi trời, đồng thời cũng khải mở lối dẫn về Thiên Quốc cho những ai dẫn bước theo Người. Bởi vậy, Lời tổng nguyện hôm nay giới thiệu cho chúng ta niềm vui mừng và hy vọng ấy:

Lạy Chúa, hôm nay chúng con hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển, là thủ lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang.

Chúng ta có hy vọng vì chúng ta đã được cứu chuộc bằng bửu máu Chúa Giêsu; chúng ta sống hy vọng vì Người là Trưởng tử, là Thủ lãnh của chúng ta; chúng ta có hy vọng vì Người “là đường”, Người đã đi trước “để dọn chỗ cho chúng ta, và sẽ trở lại đem chúng ta đi theo Người, để Người ở đâu, chúng ta cũng ở đó với Người” (x. Ga 14,3.6). Đó là niềm hy vọng lớn lao, là hướng đích chắc chắn của chúng ta. Thế nên, thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô đã mời gọi: “Hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta thần khí khôn ngoan, soi lòng mở trí để nhận biết Đức Giêsu, nhận biết đâu là niềm hy vọng của chúng ta? Đâu là gia nghiệp phong phú mà chúng ta được chia sẻ trong dân thánh? Đâu là sự viên mãn mà chúng ta cần hướng tới?” (Ep 1,17-23).

Chúng ta là những người có niềm hy vọng, chúng ta được kêu mời tới dự hội vui của con cái Thiên Chúa trong Nước của Người. Tuy nhiên, trong thế giới tục hóa và duy hưởng thụ hôm nay, con người đang ngủ quên nơi chốn trọ, quên mất ngày về, đánh mất niềm hy vọng. Đó là thực tại của những người mà thánh Phaolô gọi là những kể sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: “Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng…”. “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nới đó chúng ta mọng đợi niềm hy vọng là Đức Kitô” (Pl 3,18-20). Chúng ta hãy trân quí niềm hy vọng của mình, đồng thời, góp phần đánh thức nhân loại đang ngủ quên bên vệ đường nhân thế.

Thánh Leo Cả khẳng định: “Chúa lên trời tăng thêm đức tin cho chúng ta”, ngài viết:

Dịp đại lễ Vượt Qua, Chúa sống lại đã là lý do vui mừng cho chúng ta thế nào, thì Chúa lên trời cũng là đề tài hoan hỷ cho chúng ta hôm nay như vậy. Chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Ki-tô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha. Nhờ các công trình Chúa xếp đặt như vậy, chúng ta được xây dựng trên nền móng vững chắc, để, một khi không còn thấy những điều lạ lùng kinh ngạc nữa mà đức tin vẫn không suy giảm, đức cậy không lung lay, đức ái không lạnh nhạt, thì tình thương của Thiên Chúa lại càng tỏ ra diệu kỳ”.[1]

2.       Sứ mạng loan báo niềm hy vọng hồng phúc

Hy vọng, hạnh phúc chẳng còn đúng nghĩa khi nó chỉ là sở đắc của riêng tôi, nhưng phải được trao ban cho người khác, để cùng nhau hoan hưởng niềm vui trọn vẹn. Đó là đặc tính của tình yêu, của niềm hy vọng. Bởi thế, Đức Giêsu Phục sinh, trước khi thăng thiên, đã truyền lệnh cho các môn đệ của Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), để tất cả được cứu độ, nghĩa là đạt tới tiêu đích của mình.

Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu đòi buộc Giáo hội phải đi khắp cõi đất chứ không dành riêng một địa hạt, một lãnh thổ nào, và không chỉ cho một số người nào đó, nhưng cho tất cả nhân loại và mọi thọ sinh. Mệnh lệnh này là phổ quát, không biên cương, thúc bách chúng ta ý thức ơn gọi của chúng ta: loan báo niềm hy vọng hồng phúc. Sứ mạng này đã được ban ra hơn XX thế kỉ trước, song vẫn là lời ngỏ mới mẻ và cấp thiết với chúng ta hôm nay.

Việc loan báo niềm hy vọng cánh chung trước hết phải là đời sống chứng nhân: “Anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Phải là chứng nhân qua đó người ta đọc thấy niềm hy vọng hồng phúc, trong đó, Hội thánh là cộng đoàn chứng nhân, là hình ảnh của Giêrusalem mai hậu. Đây cũng là lời mời gọi đối với chúng ta, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đánh mất niềm hy vọng cùng đích.

Việc làm chứng được thực hiện trong từng cảnh huống, trong ơn gọi và trong khả năng của từng người. Thánh Phaolô chỉ rõ: Chúng ta nhận được ân sủng do Đức Kitô ban cho: “Kẻ này làm tông đồ, người làm ngôn sứ, kẻ loan báo Tin mừng… Song tất cả đều qui hướng vào việc xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, để hết thảy đạt tới tầm mức viên mãn trong Đức Kitô” (Ep 4,11-13). Trong lời nhắn nhủ cho giáo đoàn Thesalonica, thánh Phaolô khuyên nhủ:

Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau (1Tx 4,14.18)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi trước mở lối, trao ban cho chúng con niềm hy vọng chung cuộc. Xin cho chúng con biết ai mộ những sự trên trời, để cùng với ơn Chúa chúng con góp phần cải hóa nhân tâm hôm nay hướng về tiêu đích vĩnh cửu. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự



[1] Trích bài giảng của thánh Leo Cả, Giáo hoàng, Kinh sách thứ 5 tuần VI PS.

Nguồn tin:
Tags :