Nói đến ơn gọi, thông thường người ta nghĩ đến một ơn có sẵn Chúa đã tiền định cho từng người, và việc phân định ơn gọi là quá trình tìm hiểu cách nghiêm túc xem Chúa muốn mình lập gia đình hay là đi tu. Thư Chung Gửi Cộng Đoàn Dân Chúa… năm 2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng viết: “Người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân”. (Tc 7)
Ở đây, ngoài sự phân biệt truyền thống về ơn gọi như trên, tôi muốn nới rộng phạm vi một chút. Trong “đời sống hôn nhân”, Chúa là đấng thượng trí và giàu lòng thương xót đã tiên liệu cho mỗi người có hoàn cảnh khác nhau bởi năng khiếu, sở trường, và những mặt nổi trội mỗi người một khác. Những khả năng đa dạng này làm cho cuộc đời phong phú đáng yêu; và cũng từ đó, mỗi người chọn cho mình một hướng đi, một ngành nghề, một nơi sinh sống và môi trường phù hợp với khả năng, và trong một chừng mực nào đó, phù hợp với sở thích, để họ có được cuộc sống yên bình hạnh phúc, sống ơn gọi làm người cách sung mãn.
Điều không may là khả năng lựa chọn phong phú này, ở nhiều vùng quê chúng ta hiện nay, bị cắt xén cách cách thô bạo. Giới trẻ xem ra bị đặt vào một tình trạng đã rồi, nếu không nuốn nói là một thứ ‘định mệnh’ ngặt nghèo, khiến họ và gia đình bị cuốn theo một thứ trào lưu mà dường như ít người có khả năng nói “không” với nó. Trào lưu tôi muốn nói tới là di dân, một thứ di dân mà tôi nghĩ là “di dân không có lựa chọn.”
Di dân tự nó chẳng có gì xấu, ngược lại, di dân gắn liền với lịch sử loài người. Tổ tiên chúng ta cũng là những người di dân. Nếu như khởi thuỷ loài người là đơn tổ, nghĩa là Chúa chỉ tạo dựng nên một cặp đôi : A-dong E-và, chắc chắn tổ tiên chúng ta đã thực hiện những cuộc di dân mạo hiểm mới có chúng ta ngày nay trên quê hương đất Việt. Di dân phân bổ loài người trên thế giới; di dân giúp phát triển kinh tế; di dân giúp trao đổi và làm phong phú các nền văn hoá, làm cho con người hiện diện khắp mặt địa cầu, hầu chiếm lĩnh và canh tác trái đất cách đồng đều hợp lý. Abraham và các tổ phụ trong Kinh Thánh cũng từng là những người di dân. Nhưng các kiểu di dân như vừa kể là thứ di dân có lựa chọn cách khôn ngoan theo sự quan phòng của Chúa.
Tôi đang nói đến tình trạng di dân không có lựa chọn!
Không có lựa chọn vì đồng lương tại quê nhà quá thấp, trong lúc giá cả sinh hoạt đắt đỏ, lại thêm cơ chế bất công, tham nhũng, hối lộ và những tiêu cực tràn lan; cùng với đó là tình trạng đua đòi phát sinh đủ thứ lễ nghi tiệc tùng triền miên theo kiểu có đi có lại trong thôn xóm, khiến cho đồng lương của người lao động tại địa phương trở nên không đủ sống.
Tình trạng di dân ồ ạt làm kinh tế khiến nhiều vùng quê vắng lặng, quanh năm chỉ có người già và con nít, ngày Tết, người trẻ mới tập trung về, tóc xanh tóc đỏ đủ loại, quần áo, xe cộ nhiều kiểu, cách nói năng và lối giao tiếp cũng đa dạng khiến làng quê giống như một phố chợ vậy.
Phải công nhận là đội ngũ di dân, nhất là di dân ra nước ngoài là tác nhân chính làm thay đổi bộ mặt thôn quê cách nhanh chóng. Những ngôi nhà lớn đủ kiểu thi nhau mọc lên, cái làm sau đích thị là phải vượt trội cái làm trước, các luỹ tre làng được thay thế bằng những bờ tường kiên cố, tự mãn khoe mình. Màu xanh của cây cối tự nhiên được thay thế bởi đủ loại sắc màu và cảnh quan bởi trí tưởng tượng phong phú của con người dựa trên các loại vật liệu và cung cách dựng xây hiện đại. Nếu bỏ qua yếu tố môi trường, những công trình xây cất kiên cố và hiện đại thật bắt mắt và có sự thu hút dường như không gì có thể cưỡng lại.
Không thể phủ nhận một thực tế là những công trình xây cất to lớn và hiện đại của cả phần đạo cũng như phần đời đã nhận được sự đóng góp lớn lao của những anh em di dân, nhất là những người lao động xuất khẩu.
Với những cơ ngơi đồ sộ nguy nga, với những thành tích đóng góp dồi dào cho công việc chung, cùng với trang bị nội thất tân kỳ và sự chi tiêu rộng rãi trong gia đình của những người thành đạt nhờ biết đi ra, họ đã trở thành ngôi sao, thành thần tượng để cho đàn em thán phục, hâm mộ và noi gương bắt chước.
Nếu như chế độ Cộng sản phải rất dày công tốn của để đôn đốc người ta ra sức “học tập và làm theo lời Bác” thì những thần tượng ở nước ngoài gửi tiền về tự nó như có sức thu hút từ bên trong, gây áp lực lên các gia đình, làm cho những người con lớn, có khi kể cả đứa nhỏ, nhưng có chút ‘tiềm năng’ trong gia đình phải gánh lấy “trọng trách”: không được để cho gia đình bị tụt hậu, phải mở mày mở mặt cho gia đình, và họ phải bằng mọi cách xuất ngoại để thi hành “sứ mạng” đó!
Vì xác định đây là sứ mạng quan trọng, nên cả “hệ thống” phải vào cuộc. Cha mẹ phải dốc hết cho con học tiếng và lo các thủ tục, và muốn đi nhanh, nên phải làm tắt các thủ tục. Đây là cơ hội béo bở cho các tay cò mồi thao túng, những trung gian ma quái trục lợi. Trong lúc đó, người sắp xuất ngoại lại thấy vinh quang lấp lánh đang chờ đợi ở xứ người, nên không ngần ngại chi tiêu hào phóng… tất cả được moi nơi cái túi của cha mẹ. Nhưng vì cái túi ấy quá nhỏ, lúc này hoa tai của mẹ cũng phải cho đi, ít nhiều vốn liếng dành dụm của chị cũng đi nốt, cái bìa đất của gia đình cũng phải chuyển vào két của ngân hàng may ra mới được việc… Vậy mà vẫn chưa xong, vì công ty môi giới vẫn tiếp tục vòi tiền. Bây giờ chỉ còn một cửa duy nhất là vay nóng, mà vay nóng không trả kịp thời thì tai họa khôn lường! Người được chọn từ chỗ nhận sứ mạng làm vẻ vang cho gia đình, bây giờ phải thi hành nhiệm vụ khẩn thiết là trả nợ cho gia đình nếu không muốn rắc rối với phường đòi nợ mướn! Tiến thoái lưỡng nan, không còn bất cứ con đường nào khác, họ chỉ còn cách chờ vào may rủi!
Mặc cho có rất nhiều rủi ro hết sức đáng tiếc của những người liều mạng ra đi, các biệt thự sang trọng vẫn tiếp tục mọc lên, cuộc sống vương giả vẫn là một sức lôi cuốn không thể cưỡng lại, và điều này góp phần thúc đẩy tư duy hưởng thụ. Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, nông dân không hề có một cọng rơm, một que củi trong nhà, tất cả đều là điện và gas. Thậm chí có nơi nông dân không cất trữ lúa nữa, mùa về được bao nhiêu, họ bán luôn (mặc dầu trong nhà vẫn có chỗ cất trữ), rồi họ ăn gạo đong như dân kẻ tỉnh vậy. Cuộc sống dễ dãi đang mời gọi, và nhu cầu có nhiều tiền để trang trải các khoản chi tiêu cho khỏi thua chị kém em là không tránh khỏi. Mà muốn có nhiều tiền thì không còn cách nào khác là phải ra đi. Hậu quả của tình trạng này là con em bỏ bê việc học hành. Có những làng quê trước đây được mệnh danh là Làng Đại học, nay nhiều năm chẳng có em nào vào Đại học, thậm chí rất nhiều em, mặc dầu gia đình có điều kiện, nhưng vẫn không học hết cấp III. Các em luôn ở trong “tuyến chờ đợi” để “ra đi” !
Điều hiển nhiên là không phải tất cả các em đang ở tuyến chờ đợi như thế đều được xuất ngoại hoặc kiếm được một nghề tử tế ở các thành phố lớn, và những người được xuất ngoại, không phải đều thành công, nhưng điều không kém hiển nhiên là các em đều đua nhau bỏ học. Sống trong môi trường như thế, những em cố gắng chăm chỉ học hành có nguy cơ trở nên lạc lõng và có khi bị coi như đồ ngố vậy ! Tôi nghe nói có những nơi hiện nay, nhiều em chỉ cốt làm sao học cho biết chữ, bỏ học sớm chỉ để kiếm tiền vừa đủ mua điện thoại thông minh và có đủ tiền để mua sim thẻ chơi điện thoại suốt ngày là thoả mãn! Những em không đi được nước ngoài, cũng mất luôn phương hướng, sống trong mơ mộng hão huyền. Có những em đang học phổ thông cũng đòi đi Sài Gòn. Cha mẹ không cho thì trốn đi, thậm chí có em doạ sẽ tự tử nếu không được ra đi, và có em đã làm thật! Nhiều bạn trẻ không có khả năng đứng vững trên đôi chân của mình, không thể ngồi yên trong ngôi nhà của mình. Vậy ơn gọi của những em này là gì? Phải chăng đó là thứ mời gọi không thể cưỡng lại của công nghệ thông tin, là nô lệ cho các thiết bị điện tử ? Hay ơn gọi của các em là sự thôi thúc rời bỏ gia đình và quê hương xứ sở bằng mọi giá? Đây chắc chắn không phải là ơn gọi, đúng hơn, đây là tình trạng ơn gọi bị đánh cắp vì trào lưu thế tục!
Có những người đi nước ngoài rất sớm, nay trở về, muốn đi tu, nhưng lại không có cơ hội, vì các Dòng ngày nay đòi hỏi trình độ khá cao, mà vì đã lớn tuổi nên việc học hành để đạt tiêu chuẩn là bất thể. Cũng có những giáo xứ mà trước đây số người đi tu khá đông, nay chỉ còn những trường hợp hoạ hiếm.
Đương nhiên ơn gọi tu trì luôn chỉ là thiểu số so với cuộc đời người thế, nhưng nếu nhìn ơn gọi sống giữa đời cách rộng rãi hơn như tôi đã nói đầu bài, thì vô hình trung, giới trẻ của chúng ta ngày hôm nay xem ra không có sự lựa chọn, họ như bị một thứ “định mệnh” không lối thoát bởi sự ám ảnh phải ra đi hòng thực hiện cuộc đổi đời cho bản thân và gia đình. Tất cả đều tập trung vào đó, ít ai có khả năng có lựa chọn khác, mà hậu quả trước mắt của tình trạng này là bê trễ việc học hành, không xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc và phó thác vận mệnh của mình vào sự may rủi. Thêm vào đó là tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc”, nếu không “ra đi” được, thì tìm giải khuây bởi game chat, phật phều quán xá giết thì giờ để tiếp tục chờ đợi vận may, không chủ tâm làm được việc gì có ý nghĩa. Đó là chưa kể đến những trường hợp đi hết nước này sang nước nọ mà chẳng làm nên công cơm cháo gì, đi càng nhiều nước thì nợ càng nhiều. Con ở nước ngoài, cha mẹ ở nhà ngày đêm nơm nớp lo xã hội đen đến đòi nợ!
Cái định mệnh này nghiệt ngã lắm! Nếu tôi bảo cháu tôi ở quê rằng: “Con ở nhà lo mà làm ăn, đừng ra đi cách mạo hiểm!”. Nó có thể “dạ”, nhưng nó không nghe tôi, hễ có dịp là nó đi, vì tôi không lo được cuộc sống cho nó. Đây là một thực tế, nhưng thực tế này không phải là chuyện bình thường và hàm chứa một tương lai bất định! Nhưng nếu giải thích tại sao tình trạng này lại là bất thường và bất định, thì tôi không thể gói gọn trong phạm vi bài viết này được.
Vậy có giải nào khắc phục tình trạng bất thường và bất định này không? Đối với cá nhân tôi thì không thể, nhưng một khi tất cả mọi người ý thức thì có thể, và đối với Thiên Chúa thì luôn có giải pháp.
Về phía xã hội trần đời, cần đổi mới cơ chế về giáo dục, cơ chế lương bổng, cần cơ cấu hợp lý các khu vực kinh tế; bộ máy Chính quyền phải vận hành cách công minh dân chủ; cũng cần nghĩ tới quy định xây cất sao cho nhà giàu không trút mọi thứ ô nhiễm cho nhà nghèo, nhà làm sau không lấn lướt và cô lập nhà làm trước, để người yếu thế vẫn có không gian sống xứng đáng.
Đối với cá nhân từng người, vấn đề phải được giải quyết trong đức tin, đức tin khiến người ta tín thác vào Chúa, Đấng đã phán: "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”. (Mt 6,25)
Nhờ đức tin, người ta nhận ra giá trị đời mình và biết mình được Chúa chăm sóc gìn giữ: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!”. (Mt 6,26-30)
Cũng nhờ đức tin mà người ta có thể định ra các nấc thang giá trị và biết việc phải làm: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6: 31-34)
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh