Chiều Kích Hiện Sinh Của Đức Tin Dưới Ngòi Bút Của Søren Kierkegaard Trong Cuốn Sách Kính Sợ Và Run Rẩy

Mon,08/11/2021
Lượt xem: 1907

Abstract

Søren Kierkegaard viết Kính Sợ và Run Rẩy trong khoảng thời gian đầu tiên của sự nghiệp sáng tác với lối văn chương phản kháng rõ rệt lối triết học tư biện của Hegel và trường phái triết học Đức thời bấy giờ nói chung. Tuy nhiên, không những thế, có thể nói chân lý đức tin mà Kierkegaard miêu tả còn diễn tả niềm tin cao vời vào cái Tuyệt Đối là Thiên Chúa mà chỉ khi ở trong sự liên kết với cái Tuyệt Đối ấy, con người mới có được sự đảm bảo để sống cái thực tại hiện sinh của chính mình, siêu vượt trên cả những giới hạn của những quy luật đạo đức, thẩm mỹ để đi vào cái thẳm sâu vốn đang hiện hữu nơi mỗi con người. Để khai triển và làm rõ những ý tưởng trên, ngoài việc phác họa những nét về bối cảnh, cuộc đời cũng như tư tưởng triết học của Kierkegaard, bài viết sẽ đi vào mô tả nét hiện sinh của đức tin đang hiện diện trong cuộc sống, đồng thời cũng phân tích quan điểm này trong câu chuyện Abraham hiến tế Isaac mà Kierkegaard mô tả như một sự tỏ lộ của chân lý hiện sinh nơi đức tin. Cuối cùng, dựa vào những điều được mô tả bên trên để phần nào có thể gợi lên và đặt vấn đề về tính hiện sinh của đức tin nơi mỗi con người đang sống và hiện hữu trong thế giới hôm nay.

Keywords

Nghịch lý đức tin, hiện hữu, Søren Kierkegaard, triết học hiện sinh, Tuyệt Đối, Kính Sợ và Run Rẩy, phi lý, cá thể – phổ quát.

Dẫn nhập

Tại sao lại tìm hiểu về chiều kích hiện sinh nơi đức tin trong tư tưởng của Søren Kierkegaard? Bởi vì cuộc sống xung quanh có vẻ đang vận hành theo những cách thức mang tính huyền nhiệm của đức tin nhiều hơn là logic lý trí thuần túy. Liệu nghịch lý đức tin nơi kinh nghiệm của Abraham trong Kính Sợ và Run Rẩy có sự liên kết nào đến kinh nghiệm mất mát vốn xảy ra như là kinh nghiệm thường hằng trong đời sống con người không? Làm sao một người có thể sống siêu vượt trên những kinh nghiệm đau thương dường ấy? Cái hiện sinh của những “nghịch lý đức tin” trong Kính Sợ và Run Rẩy của Kierkegaard, đưa con người đụng chạm đến cái Tuyệt Đối và cũng chỉ có như thế con người mới có khả năng cưu mang được chính hiện hữu đời mình. Con người cần một “bước nhảy” để có thể hòa điệu và để có thể dấy lên những mầm non sự sống giữa những biến động không ngưng nghỉ của trật tự thế giới. Để phần nào làm rõ những vấn đề được nêu ở trên, đầu tiên, bài viết sẽ phác họa đôi nét về cuộc đời và bối cảnh triết học đương thời đã ảnh hưởng đến quan niệm về đức tin; thứ đến, hẳn nhiên phải nêu lên thái độ triết học của Soren Kierkegaard để hiểu rõ hơn về chính quan điểm về tính hiện sinh của đức tin nơi ông; tiếp theo sẽ trình bày về tính hiện sinh của đức tin trong câu chuyện của Abraham và trong chính thực tại hiện hữu của đời người. Cuối cùng, tuy với những giới hạn trong việc tìm hiểu đề tài, người viết vẫn xin mạn phép đưa ra vài nhận định nhỏ bé qua việc phản tỉnh về những phân tích và những ý tưởng chủ đạo của Soren Kierkegaard.

Vài nét về cuộc đời của Søren Kierkegaard

Søren Aabye Kierkegaard là người con thứ bảy của một nhà buôn dệt kim nghỉ hưu. Cha của Kierkegaard vốn là một người sắc sảo trong kinh doanh, có một niềm tin mãnh liệt vào bổn phận và kỷ luật tự giác cũng như là một tín đồ sốt sắng của giáo hội Lutheran[1]. Chính cha của Kierkegaard là người có ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời của ông ở hai điểm rất quan trọng: (1) nơi tư tưởng “sự tuân thủ tuyệt đối” mà ông đã chịu đựng suốt thời thơ ấu và (2) bầu khi u ám của cảm thức tội lỗi tôn giáo bởi một người cha luôn tin rằng chính mình cũng như gia đình phải chịu một lời nguyền bí ẩn, một sự trừng phạt của thần linh đến nỗi Kierkegaard đã viết trong nhật ký của ông: “nền tảng đen tối, từ rất sớm đã trở thành một phần của cuộc đời tôi”[2].

Kierkegaard mặc dù là một con người thông minh, sáng tạo và giàu trí tưởng tượng nhưng lại luôn bị bủa vây bởi những thách đố và khó khăn, ông luôn coi mình là vị thần Janus[3] khi nói: “tôi cười mặt này và khóc mặt kia”. Tuổi thơ vốn chất đầy những tổn thương từ bối cảnh gia đình và những suy nghĩ, hành động đôi khi thiếu cân nhắc đã khuôn đúc nên những tư tưởng có phần “dị biệt” và “nổi loạn” nơi ông: “sẽ ích gì cho tôi khi sự thật đứng ngay trước tôi, lạnh lùng và trần trụi, không quan tâm đến việc tôi có nhận ra nó hay không”[4]. Bên cạnh đó, việc Kierkegaard từ hôn với Regine cũng là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông, nó đem lại cho ông một sự tự do hoàn toàn với những mối quan hệ ràng buộc và thôi thúc ông đến với những sáng tạo mới, nơi mà những giá trị tôn giáo nâng ông lên tầm mức của những chân trời vĩnh cửu nhưng cũng chính việc từ hôn ấy đã để lại trong tâm hồn ông một sự trống rỗng và một nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi.

Về bối cảnh triết học đương thời và quan niệm về đức tin

Có nhiều cách tiếp cận để hiểu bối cảnh của một thời đại, tuy nhiên nếu nhìn ở góc độ lịch sử tư tưởng và thậm chí là đức tin, khó có thể có cách tiếp cận nào khác hiệu quả hơn cách tiếp cận tư tưởng triết học đương thời thông qua những nền tảng triết học đã chi phối và định hướng nên thời đại ấy, cụ thể nơi đây nổi lên một cái tên mà phần nào các triết gia đương thời chịu ảnh hưởng và là một đại triết gia lẫy lừng của triết học Đức: G. W. Friedrich Hegel. Sở dĩ Hegel có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến bối cảnh triết học đương thời và cả quan niệm về đức tin là vì chính những tư tưởng của ông đã góp phần ảnh hưởng tích cực để thiết lập một tiến trình uy tín và vững chắc trong hệ thống giáo dục đương thời, hơn nữa những triết gia thuộc trường phái Hegel lại nắm giữ những vị trí quan trọng và có uy thế trong giới học thuật[5]. Có thể nói, tất cả đã tạo nên một “thời đại Hegel” ảnh hưởng rộng khắp tư tưởng triết học và thần học.

Đối với Hegel, tất cả vũ trụ bị chi phối bởi một Tinh Thần Tuyệt Đối[6] và con người đạt được nhận thức về cái Tuyệt Đối[7] qua ba hình thức: (1) Nghệ thuật nhận thức Tuyệt Đối bằng trực giác cảm tính; (2) Tôn giáo nhận thức cái Tuyệt Đối bằng biểu tượng, vì thế ngoài nhận thức cái Tuyệt Đối bằng trực giác cảm tính nó còn nhận thức và biểu lộ bằng lòng sùng kính với cái Tuyệt Đối; (3) hình thức nhận thức cao nhất là Triết học vì nó nhận thức cái Tuyệt Đối bằng khái niệm, bên cạnh đó nó cũng tổng hợp hai hình thức Nghệ thuật và Tôn giáo[8]. Vì vậy, có thể thấy, theo quan niệm triết học của Hegel, cái cao cả nhất của một con người là vươn đến tầm nhìn của triết học, nhận thức đạt được bằng lý trí còn cảm giác và đức tin chẳng qua chỉ là một trạng thái thuộc bình diện tinh thần mà thôi.

Thái độ triết học của Søren Kierkegaard

Liệu cuộc sống có đơn giản được quy gán vào những quy luật phổ quát? Với những khái niệm, khuôn mẫu của tư tưởng thuần túy thôi có bao trùm được hết mọi khía cạnh trong thực tại hiện hữu của đời người? Ngay trong sâu thẳm hiện hữu của đời mình, Søren Kierkegaard có một sự ngán ngẩm những định nghĩa giáo lý vô hồn, những thực hành đạo đức bình dân thiếu tính cá vị của số đông tín hữu[9] và sự “khô cứng” của bầu khí triết học tư biện[10] hậu thời Hegel. Quả thế, nếu sống với một con tim khô cứng bị chai sạn bởi những giáo điều đức tin và ý nghĩa của những điều ấy không phải là “cho tôi” và “cho chính cuộc đời tôi” thì tất cả sẽ trở nên vô nghĩa biết bao. Thiết nghĩ, để làm rõ hơn phần nào thái độ triết học của Kierkegaard, sẽ rất hữu ích nếu có thể điểm qua những lập luận về ba cấp độ hiện hữu trong quan điểm của ông.

Với triết học của Hegel, đối tượng chính mà Kierkegaard phê phán, Thượng đế không phải là một Hữu thể siêu việt tách biệt với không gian-thời gian, trái lại, hầu như là một “Tinh thần thế giới” tự triển khai trong sự nội tại của không-thời gian. Lịch sử, theo đó, không gì khác hơn là “tự truyện của chính Thượng đế” qua biểu trưng của sự nhập thể và, vì thế, là bộ phận của Hệ thống triết học tư biện. Giáo lý tôn giáo chỉ là “sự hình dung bằng biểu tượng” (Vorstellung) cần minh bạch hóa bằng tư duy khái niệm sáng sủa của triết học.[11]

Với Kierkegaard, hiểu về Thượng Đế như là quan niệm “Tinh Thần Tuyệt Đối” như trên của Hegel là phủ nhận sự cao cả ngàn trùng và siêu việt của Thượng Đế bởi nếu thế thì chẳng lẽ Ngài phải đi vào thế gian để tìm kiếm sự giải thích về chính mình và bị quy gán như một bộ phận của hệ thống triết học tư biện thôi sao. Và chính Kierkegaard đã đề nghị một hệ quy chiếu khác trong nhận thức với ba cấp độ khác nhau: từ kinh nghiệm thẩm mỹ sang sự thức tỉnh về đạo đức và sau cùng, vươn đến đỉnh cao là đức tin, để thay cho những cấp độ của triết học tư biện Hegel. Ba cấp độ mà Kierkegaard mô tả chính là ba cấp độ hiện hữu của mỗi cá nhân, nơi đó chúng vừa thống nhất với nhau vừa bộc lộ sự giằng xé trong nội tâm đơn độc trong cuộc sống mỗi con người.

Cấp độ hiện hữu thứ nhất là hiện hữu thẩm mỹ hướng đến việc tận hưởng lạc thú, nó không cam kết điều gì, không đưa ra bất cứ một chọn lựa nào, đồng thời tìm chỗ ẩn náu trước thực tại khắc nghiệt, luôn tìm cách làm cho sự vật trở nên thích thú, hấp dẫn vì với những ai đang hiện hữu ở cấp độ thẩm mỹ, nguồn gốc của sự tồi tệ là nỗi chán chường.[12] Thế nhưng đời người có gì tồn tại vững bền hoặc sung mãn muôn thuở, theo đó, cấp độ này sớm muộn sẽ dẫn đến nỗi thất vọng (anxiety), tức vấp phải mâu thuẫn hiện sinh của sự tự hủy, để rồi phải tự vượt bỏ và vươn đến hình thái mới.

Cấp độ hiện hữu thứ hai là hiện hữu đạo đức. Trong cấp độ này, Kierkegaard du nhập những phạm trù hoàn toàn mới: tự do và chọn lựa, hay nói chung, là sự hình thành “Tự Ngã” (The Self). Tự Ngã, theo nghĩa này với Kierkegaard không chỉ là một khái niệm siêu hình học hay tâm lý đơn thuần mà là những khả năng mà cá nhân đưa ra quyết định và chọn lựa cách tự do, những gì mình làm hoặc không làm, tự thực hiện hoặc không tự thực hiện.[13] Vì thế, sống đạo đức có nghĩa là sống trong “hiện thực” khắc nghiệt của những thực tại hiện hữu đời mình. Tuy vậy, theo Kierkegaard, rất có thể cá nhân sẽ bị lừa phỉnh và tự mãn trong chính cái khuôn khổ phép tắc của những quy luật đạo đức, của việc hoàn thành xuất sắc những bổn phận và trách nhiệm với bản thân. Nói khác đi, lối sống đạo đức thiết yếu gắn liền với tính phổ quát và “tính thiêng liêng” (theios) của quy luật đạo đức theo nghĩa Hy Lạp và của Kant, trong khi điều cần đòi hỏi bây giờ là mối tương quan cá vị với Thượng Đế (theos), nơi đó những gì ta tưởng là đúng đắn, công chính có thể là sai[14].

Cấp độ thứ ba được Kierkegaard mô tả trong cuốn sách Kính Sợ và Run Rẩy qua câu chuyện Kinh Thánh Cựu Ước về tổ phụ Abraham vâng lời Thượng Đế sẵn sàng sát tế đứa con trai duy nhất và thương yêu nhất của mình là Isaac. Nơi hành động này, theo Kierkegaard, Abraham cùng lúc từ bỏ cái toan tính của con người tương đương với cấp độ thẩm mỹ, đồng thời phải vượt lên trên cả những quy luật đạo đức của xã hội: “Abraham tin nhờ sự phi lý, bởi hết thảy những toan tính của con người từ lâu đã không còn tồn tại nữa rồi”[15]. Đạt đến cấp độ của đức tin là đi vào một sự mâu thuẫn giữa nội tâm vô hạn và những rủi ro khách quan lúc nào cũng bủa vây chung quanh. Tất cả cũng chỉ bởi vì, ở cấp độ đức tin, không có chân lý mà tất cả là một “bước nhảy” – hay có được tầm nhìn vượt lên trên mọi rào cản của quy luật – của từng cá nhân trong mối tương quan với Thượng Đế là cái Tuyệt Đối.

Nói chung lại, với Søren Kierkegaard, chút tự do của khoái lạc ở cấp độ thẩm mỹ và một cuộc sống gương mẫu, trách nhiệm, tuân theo những bổn phận hay quy tắc chưa thể giúp con người sống và đảm đương trọn vẹn hiện hữu thực sự của đời người. Chỉ khi nào dấn thân khai phóng mối tương quan cá vị với Thượng Đế, tự lột trần, phơi mình trước cái vĩnh cửu và lặng im để chiêm ngắm thì lúc ấy “bước nhảy” của đức tin mới giúp con người vượt ra khỏi những mong manh của thân phận làm người.

Bối cảnh hiện sinh trong thực tại hiện hữu của đời người

Hiện hữu đời người có lẽ được lấp đầy bởi tràn ngập những mất mát (loss) đến nỗi mất mát được xem như là một giá trị tuy âm thầm nhưng lại hiện diện ở khắp mọi nơi. Có những mất mát mà con người dễ dàng quan sát, chiêm ngắm và phân định như sự chết, bệnh tật, hậu quả của chiến tranh. Thế nhưng cũng có những mất mát “âm thầm” hơn mà con người ít khi để ý tới: ai biết được trong cái ôm nồng ấm của đôi bạn trẻ đang yêu nhau lại không chất chứa đâu đó một sự phản bội trong tình yêu; trong ánh mắt đầy hi vọng của người mẹ khi nhìn con mình lớn khôn từng ngày vẫn không thoát khỏi những lo lắng cho ngày con rời xa sắp đến; hay nhìn một nụ cười của cụ già bên đường ai dám khẳng định ánh mắt ấy không đọng lại một chút hoài niệm của dĩ vãng pha chút tiếc nuối của nhận thức về những ngày cuối cùng rồi sẽ phải đến. Xét duyệt lại tất cả, dường như con người trong hiện hữu đời mình không tránh khỏi những mất mát, xót xa, lo âu. Tất cả là phù du, là bụi tro, sống là hướng tới tận cùng vĩnh viễn, xa xăm và dường như là bất tận.

Kierkegaard mô tả thực tại cao cả ngàn trùng của đức tin nơi Kính Sợ và Run Rẩy cũng dưới bầu không khí đau thương và mất mát, sự vắng lặng như là âm giai nền trải dài nơi những diễn tiến được miêu tả dưới ngòi bút độc đáo của ông: câu chuyện Kinh Thánh về niềm tin của Abraham được kể lại dưới bốn bản biến tấu khác nhau, mỗi bản tương ứng với mỗi chọn lựa cùng những cung bậc cảm xúc và những hệ quả khác nhau nơi Abraham khi ông được Thiên Chúa yêu cầu sát tế đứa con trai duy nhất là Isaac. Abraham đau đớn, ông cũng là một con người giới hạn, có lẽ ông đã cảm nhận sự phù du của kiếp người…với tất cả những giằng xé ấy, ông dẫn Isaac lên núi Moriah, Abraham đang diện đối diện với cái cô độc tuyệt đối bởi ngay cả chính ông, ông thật sự không hiểu nổi chính mình. Kinh nghiệm nơi những u uất và ảm đạm trong câu chuyện của Abraham có vẻ giống với kinh nghiệm hiện sinh của mỗi người.

Chân lý hiện sinh nơi đức tin của Abraham

Đó là vào một buổi tối êm ả khi Abraham ra ngoài một mình, và ông đi về phía núi Moriah; ông quỳ sụp mặt xuống, ông cầu nguyện Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của ông, rằng ông đã sẵn lòng hiến tế Isaac, rằng một người cha đã quên mất bổn phận của mình với đứa con. Ông vẫn thường đi một mình trên đường, nhưng ông chẳng thấy thanh thản. Ông không thể hiểu được rằng thật là một điều tội lỗi khi sẵn lòng hiến dâng cho Thiên Chúa thứ quý giá nhất mà ông có, rằng vì tội ấy mà ông sẵn sàng cam lòng chịu chết bao nhiêu lần cũng được; và nếu như đó là điều tội lỗi, nếu ông chẳng yêu Isaac như ông đã yêu, thì hẳn ông không thể nào hiểu được rằng tội lỗi ấy làm sao có thể tha thứ được. Bởi liệu còn có tội lỗi nào có thể khủng khiếp hơn được đây?[16]

Có lẽ đến thời điểm này, khi mô tả bối cảnh hiện sinh trong thực tại hiện hữu của đời người, ngay lập tức câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để cân bằng giữa cái phù du của phận người và cái hiện tại hướng đến vĩnh cửu? Đâu là điểm tựa thật sự để Abraham dẫu giằng xé mọi đàng nhưng vẫn thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa? Đâu là điều mà mỗi người cậy dựa để cưu mang được chính hiện hữu vốn “khắc nghiệt” của đời người? Phải chăng ngang qua tất cả, hẳn có một cái gì đó vượt xa cái phù du của kiếp người, trên hết tất cả chỉ có một câu trả lời duy nhất và đúng đắn nhất mà Søren Kierkegaard đưa ra: Đức Tin và sự phi lý[17].

Abraham vĩ đại hơn hết thảy, vĩ đại bởi quyền năng của ông mà sức mạnh của nó là sự bất lực, vĩ đại bởi sự thông thái của ông mà bí mật của nó là sự dại dột, vĩ đại bởi hy vọng của ông mà hình thái của nó là sự điên dại, vĩ đại bởi tình yêu mà nó chính là sự căm ghét chính bản thân mình.[18]

Quả thật, nếu chỉ nhìn vào những hành động của Abraham dưới những góc độ tình cảm phụ tử hoặc dưới cái nhìn của những quy luật đạo đức xã hội, thì không những Abraham là một kẻ cuồng dại mà cả Søren Kierkegaard cũng cuồng dại không kém khi ca ngợi hành động của Abraham vì xét dưới góc độ luân lý mà nói thì hành động của Abraham không khác gì hành động của một kẻ giết người. Còn nếu lập luận rằng Thượng Đế là người tạo nên những quy luật và đây là trường hợp ngoại lệ vì Abraham tuân theo một thứ “mệnh lệnh tuyệt đối” nào đó của Thượng Đế thì không những Abraham mà chính Thượng Đế cũng bị tra vấn bởi tính chủ quan nơi lề luật và tính khách quan của chân lý mà Ngài đã ban phát.

Ở điểm này, rõ ràng vai trò của đức tin và sự phi lý nổi bật lên như âm giai chính của “vũ điệu lên đường” trong “bản nhạc từ bỏ bất tận” của Abraham. Luận điểm này nêu bật lên vai trò đức tin trong đời sống của Abraham, ông sống chiều kích đức tin một cách triệt để và ông đón nhận tất cả trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đấng đã cất lời mời gọi ông. Hơn thế nữa, Thượng Đế là Thiên Chúa của Abraham rõ ràng được Kierkegaard miêu tả không phải là một quy luật, một biểu tượng mà con người có thể thấu suốt để xét đoán bằng lí trí hoặc chỉ chiêm ngưỡng bằng vẻ oai nghi của biểu tượng và Thiên Chúa ấy cũng vượt xa mọi thiết định luật pháp và đạo đức mà loài người có thể hiểu được, Ngài không bị chi phối bởi những quy luật mang tính phổ quát của loài người. Thượng Đế là Thiên Chúa của Abraham mà Kierkegaard miêu tả mời gọi con người, một cách cá vị, vượt lên trên cái phổ quát của những quy luật mà hướng đến một tương quan mật thiết dựa trên nền tảng là huyền nhiệm đức tin trong sự phi lý của hành động. Tức là Abraham theo như quan điểm trên đã trở nên một “hiệp sỹ đức tin” vì thực hiện một hành động phi lý để chu toàn bổn phận tuyệt đối với Thiên Chúa – bổn phận tuyệt đối có thể khiến người ta làm điều mà luân lý ngăn cấm, nhưng không cách nào có thể khiến người hiệp sỹ đức tin ngừng yêu[19]: ông đã sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa mà đưa dao lên hiến tế Isaac là món quà vô giá của Thiên Chúa dành cho ông và là đứa con mà ông yêu mến nhất dẫu cho hành động hiến tế ấy làm cho tâm hồn ông tan nát, dẫu cho ông không hiểu việc mình làm, dẫu cho sự cô quạnh không ngừng bủa vây, dẫu cho không biết tương lai rồi sẽ ra sao…bởi vì Abraham không chỉ yêu mến và tin rằng Thiên Chúa tốt lành mà ông còn hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa trong mọi biến cố đời sống của ông. Chính Abraham không còn bị chi phối trong cái quy luật phổ quát của xã hội mà trở nên một hiệp sỹ của đức tin không chỉ bằng hành động phi lý nhưng còn là vì ông đã thiết lập mối tương quan cá vị với Thiên Chúa trong chính cái hành động phi lý của mình.

Mặt khác, vấn đề là liệu Abraham xét như một cá thể hiện hữu có thực sự nghe hiểu và tin chắc nơi mình có những bổn phận tuân theo một tiếng gọi riêng biệt, mà tiếng gọi ấy lại không tuân theo những quy luật phổ quát của đạo đức xã hội không? Vấn đề được đặt ra rất hữu ích và có thể xem như là một tra vấn mà mỗi người khi thực hiện một thôi thúc nào đó về đức tin luôn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đúng thật là khi thực hiện một mệnh lệnh trái với quy luật phổ quát như thế, Abraham có nguy cơ vấp phải những rủi ro khủng khiếp và có thể đang ở trong sự sai lầm. Tuy nhiên, chính vì những nguy cơ và những rủi ro vượt ra khuôn khổ quy luật ấy mà chiều kích hiện sinh của đức tin được nhấn mạnh. Một mặt, đức tin đã hẳn nằm ngoài “sự che chở” của những quy luật hợp lý mà con người đặt ra nhưng mặt khác nó cũng đòi hỏi người thực hành đức tin có một “sự nhập cuộc” để thực hiện một “cú nhảy”, để cam kết dấn thân cho một thứ mà về mặt khách quan chẳng có sự chắc chắn và nếu dùng lý lẽ biện minh cuối cùng thì cũng chỉ là nghịch lý mà thôi. Và người hiệp sỹ đức tin như Abraham không chỉ nhập cuộc, dâng hiến, từ bỏ những gì quý giá nhất để tiến vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa qua sự mất mát và đau khổ, dằn vặt nhưng còn nhập cuộc và dâng hiến với tràn trề hy vọng và niềm vui. Bởi vì ẩn tàng sau những mất mát và giằng xé, niềm vui và hy vọng được đụng chạm đến mối dây liên kết cá vị trong kinh nghiệm dâng hiến hoàn toàn với Thiên Chúa, sự tự do và trách nhiệm với chính những chọn lựa của mình trở nên ngọn lửa thổi bùng những động lực mạnh mẽ của Abraham, và có lẽ cũng là của Kierkegaard và của chính mỗi con người trong thế giới hôm nay.

Johannes de Silentio hay Abraham hay là chính con người đơn độc, tự do và có trách nhiệm trong hiện hữu của đời mình

Claude Levi Strauss đã nói: “Vũ trụ đã có nghĩa trước cả khi người ta bắt đầu nhận biết là nó có nghĩa”, sự sống hình thành trong chính sự kết nối với cả vũ trụ, chính khi chìm đắm và ngụp lặn trong kinh nghiệm thẳm sâu vô tận mà có lẽ bất khả diễn thấu ấy, con người mới có thể đạt tới một kinh nghiệm gặp gỡ vừa mang tính nền tảng cơ bản vừa nâng con người đến một tầm mức mới của sự tự do, của những rung động và ngạc nhiên quá đỗi trong sự hiện hữu của riêng mình. Bởi thế, trước hết, tính hiện sinh của đức tin không đẩy người ta đi đến thái độ cực đoan, cuồng tín, khủng bố để phục vụ cho những động cơ chính trị mù quáng và ảo tưởng của những cá nhân hay tập thể nào đó, vì những tách biệt và chia rẽ có lẽ đang bóp nghẹt sự sống chứ không phải thôi thúc và bảo vệ sự sống. Có thể thấy, những “cảm tử quân” ấy cũng dễ dàng trở nên những “hiệp sỹ đức tin” trong một nghĩa nào đó và mặc dầu họ cũng mang trong mình những hành động có vẻ phi lý. Thế nhưng, rõ ràng họ không phải là những người hiệp sỹ đức tin “chính hiệu”, những người từ bỏ hoàn toàn vì muốn đảm đương chính hiện hữu của mình cách tròn đầy và lớn lên trong khao khát thiết lập một mối tương quan cá vị với Thiên Chúa cho bằng họ chỉ thực hiện một cuộc đánh đổi có tính cách sống còn, và lợi ích dành cho họ quá rõ ràng mà không cần phải bàn cãi thêm.

Thứ đến, có lẽ phải nói rằng, qua việc phân tích về việc vâng lời của Abraham và việc phân tích cái nghịch lý trong hành động đức tin vượt quá sự hiểu biết của ông để làm nổi bật tính hiện sinh nơi đức tin, có thể dễ làm cho người ta hiểu lầm một cách nào đó. Vì có lẽ nếu chưa thực sự có được một sự thinh lặng từ bên ngoài đến bên trong[20] để đọc và nghiền ngẫm Kính Sợ và Run Rẩy, người ta sẽ bảo rằng sự đơn độc, từ bỏ và cá nhân vượt khỏi những quy luật xã hội mà Kierkegaard miêu tả cổ võ cho lối sống dị biệt, tách rời với xã hội, là sự nổi loạn của một sự tự do mù quáng mà thôi. Tuy nhiên, với một sự bình tĩnh và thái độ nhập cuộc khi đọc tác phẩm, có lẽ phải chân nhận rằng chính việc miêu tả về tính hiện sinh nơi đức tin ấy lại đưa đến một thái độ mới trong sự nhìn nhận lối nẻo hiện hữu của con người trong thế giới. Sự đơn độc, thái độ từ bỏ và trách nhiệm mà mỗi cá nhân tự đảm nhận nơi Kierkegaard không làm cho con người trở nên dị biệt, nhưng hơn hết đưa con người “nhập cuộc” trong cái lặng thinh để biết mình hữu hạn, trong sự kính cẩn nghiêng mình để nhận biết Chân Lý là Thiên Chúa, trong những cái giật mình run rẩy của sự ngây ngô, trong những cái giằng xé và tan vỡ vốn bủa vây nơi phận người. Con người không hiện diện trong thế giới một cách tầm thường, nhưng là một thế giới có Thiên Chúa, một thế giới có tương quan hỗ tương và mỗi giây phút hiện hữu lại trở nên một cơ hội để con người “cử hành biến cố”, chính điều ấy xác lập nên những ý nghĩa mới giữa những bối cảnh sống khác nhau nơi từng người.

Tạm kết

Chắc chắn câu chuyện đức tin của Abraham không dừng lại ở những hành động siêu việt như một giáo điều về đức tin, Abraham đã nhập cuộc với tất cả những đau thương, mất mát nơi phận người mỏng manh, yếu đuối, Abraham nhập cuộc như một “cá nhân hiện sinh” vượt lên những quy luật phổ quát của xã hội và đó là sự xác tín của một đức tin cá vị trong mối tương quan giữa phận người mỏng manh và quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa. Tóm lại, cái hiện sinh nơi đức tin với Søren Kierkegaard không gì khác hơn là lời mời gọi dấn thân trọn vẹn trong chính những hoàn cảnh sống cụ thể nơi cuộc đời của mỗi người dẫu cho nơi ấy tồn tại những bi thương, khổ cực. Đây không phải là một lối sống của những kẻ yếm thế, chấp nhận nhìn cuộc đời trong sự bất lực của con người, nhưng hơn hết Kierkegaard có lẽ muốn nhấn mạnh đến chiều kích hiện sinh của đức tin trong cuộc sống của con người “bởi kẻ nào luôn hi vọng vào điều tốt nhất sẽ trở nên già nua và bị cuộc đời lừa gạt, và kẻ nào luôn chuẩn bị cho điều dữ nhất sẽ già sớm, nhưng kẻ nào có đức tin thì sẽ gìn giữ được tuổi thanh xuân mãi mãi”[21] và nhờ đức tin ấy, mỗi người đứng trước cái chân lý vô hạn và nhận ra rằng với những tiềm năng trong cái hữu hạn của cuộc sống, tôi có thể cưu mang chính cuộc sống và cả hiện hữu trọn vẹn của đời tôi. Thiết nghĩ, chính khi ánh đèn le lói trên tay vụt tắt, lúc ấy con người mới được sáng soi bởi sự mênh mông và bao la của luồng ánh sáng vĩnh cửu. Phải chăng sự sống được hạ sinh ngay khi ta ngước mắt lên trong sự “Kính Sợ và Run Rẩy”?

 John Bosco Hoàng Nhật Tài, S.J.

Tháng 12 năm 2020

THƯ MỤC THAM KHẢO

Gardiner, Patrick. Dẫn Luận về Kierkegaard. Translated by Thái An. Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2017.

Inwood, Michael. Từ Điển Triết Học Hegel. 2015.

Kierkegaard, Soren. Journals of Soren Kierkegaard. Translated by A. Dru. Oxford University Press, 1938.

—. Kính Sợ và Run Rẩy. Translated by Nguyễn Phước Nguyên. Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2019.

Kosch, Michelle. Freedom and Reason in Kant, Schelling and Kierkegaard . Oxford: Clarendon Press, 2006.

Podmore, Simon D. Kierkegaard and The Self Before God. New York: Indiana University Press, 2011.

Rae, Murray. The Risk of Obedience: A Consideration of Kierkegaard’s Fear and Trenbling. Blackwell Publishers Ltd, 1999.

Stumpf, Samuel Enoch. Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề. Hà Nội: NXB Lao Động, 2004.


[1] Giáo phái của những người theo tư tưởng của Luther, thần học gia người Đức lãnh đạo cuộc cải cách chống lại giáo hội Công giáo Rô-ma.

[2] Soren Kierkegaard, Journals of Soren Kierkegaard, A. Dru trans (Oxford University Press, 1938), 273.

[3] Trong tôn giáo và thần thoại La Mã cổ xưa, Janus là vị thần của sự khởi đầu và quá trình chuyển đổi. Vì thế, vị thần này thường được mô tả là có hai khuôn mặt, một mặt nhìn tới tương lai và mặt kia nhìn về quá khứ.

[4] Soren Kierkegaard, Journals of Soren Kierkegaard, 15.

[5] Patrick Gardiner, Dẫn Luận về Kierkegaard, Thái An trans (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2017), 37-39.

[6] Tinh Thần Tuyệt Đối theo Hegel là tinh thần vô hạn, bao quát nghệ thuật, tôn giáo và triết học không giống với tinh thần chủ quan bao quát đời sống tâm lý của cá nhân hay tinh thần khách quan là tinh thần của cộng đồng và các nhóm xã hội có tính chất hữu hạn mà thôi. Cf. Michael Inwood, Từ Điển Triết Học Hegel, Nhiều dịch giả (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2015), 418-420.

[7] Hegel miêu tả cái Tuyệt Đối như là một quá trình năng động, như một cơ thể có các bộ phận nhưng được hợp nhất với nhau thành một hệ thống phức tạp. Tuyệt đối vì vậy không phải là một thực thể biệt lập với thế giới, mà là thế giới được nhìn theo một cách đặc biệt. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 268.

[8] Cf. Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, Nguyễn Phước Nguyên trans (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2019), 30-31.

[9] Cf. Murray Rae, The Risk of Obedience: A Consideration of Kierkegaard’s Fear and Trenbling (Blackwell Publishers Ltd, 1999), 310-311.

[10] Hegel xem triết học tư biện là một tiến trình khái niệm hóa, là một sự hợp nhất tư tưởng đối lập và khác biệt. Cf. Michael Inwood, 477-478.

[11] Cf. Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 7.

[12] Cf. Michelle Kosch, Freedom and Reason in Kant, Schelling and Kierkegaard (Oxford: Clarendon Press, 2006), 141-143.

[13] Cf. Simon D. Podmore, Kierkegaard and The Self Before God (USA: Indiana University Press, 2011), 11.

[14] Cf. Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 16.

[15] Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 116.

[16] Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 69.

[17] Sự phi lý nơi Kierkegaard không phải là một sự mâu thuẫn logic nhưng được hiểu theo nghĩa một cái gì đó không giống với những điều thông thường, một điều bất khả thi trong sự hữu hạn của thế giới.

[18] Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 77.

[19] Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 202.

[20] Ý người viết muốn diễn đạt cách mà Soren Kierkegaard trình bày tác phẩm: một sự bí ẩn và bầu khí tĩnh lặng từ tựa đề, bút danh đến những tình tiết trong câu chuyện Abraham dâng hiến Isaac cho Thiên Chúa.

[21] Soren Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, 81.

 

Nguồn tin: sjjs.edu.vn