Nho giáo là đường lối đào tạo nên những con người cần thiết cho phúc lạc và ổn định xã hội. Vì thế, Nho giáo đã đưa ra một hệ thống đạo lý có khả năng điều hòa tốt đẹp mọi sinh hoạt xã hội, gọi là Ngũ Thường. Ngũ Thường là năm đạo lý thường hằng hay phổ thông bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Thực ra, Đức Khổng Tử, ông tổ Nho giáo thời Xuân Thu chưa nêu ra tên Ngũ Thường với sự sắp đặt theo thứ tự như thế. Ngũ Thường là danh hiệu được các Hậu Nho đời nhà Hán đặt ra. Tuy nhiên, trong sách Luận Ngữ, Đức Khổng Tử đã nói đến các đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trong từng trường hợp đối thoại với các môn đệ. Dĩ nhiên, chữ Tín được nói đến nhiều lần trong học vấn của người quân tử, trong tương giao với mọi người và trong đường lối chính trị.
1. Chữ Tín trong học vấn của người quân tử
Quân tử là người tài đức, có thể dạy dỗ, làm mẫu mực cho mọi người và có thể lãnh đạo xã hội. Một đất nước càng có nhiều người quân tử, đất nước ấy càng thịnh vượng, an lạc. Vì thế, những người gia nhập Khổng môn đều phải phấn đấu học tập để trở nên người quân tử. Người quân tử có nhiều đức tính, trong đó Tín là một đức quan trọng.
Chữ Tín (信) nghĩa là niềm tin, là giữ điều hẹn ước, kết hợp bởi bộ “Nhân” (イ) và chữ “Ngôn” (言); hội ý rằng người có đức tín thì lời nói của người ấy phù hợp với hành vi, nói sao làm vậy, để tạo niềm tin nơi người khác. Ca dao Việt Nam có câu:
“Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.”
Câu trên thể hiện rõ đức tín trong Nho giáo.
Sách Luận Ngữ có câu: “Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín” – Đức Khổng dạy bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, niềm tin. (Thuật Nhi, câu 24).
Vấn đề “trung tín” còn được giảng rõ trong Kinh Dịch: “Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín sở dĩ tiến đức dã; tu từ lập kỳ thành, sở dĩ cư nghiệp dã” – Người quân tử tiến lên đạo đức, sửa cho sự nghiệp hoàn thành. Trung tín để mà tiến đức, sửa lời nói cho thành khẩn để nên sự nghiệp (Kinh Dịch: Quẻ Thuần Kiền, Văn Ngôn).
Tùy cơ hội thuận tiện, Đức Khổng nói rõ thêm về công dụng của chữ Tín. Ngài nói: “Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi. Quân tử tai!” – Người quân tử lấy điều nghĩa làm cội gốc, lấy điều lễ hành động, lấy khiêm tốn phát biểu, lấy niềm tin thành tựu. Thật là bậc quân tử thay! (Vệ Linh Công, câu 17).
Trong Khổng môn, các học trò được học về chữ Tín ngay sau khi học về hiếu đễ: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” – Con em vào thì hiếu thảo, ra thì kính nhường, cẩn thận mà giữ niềm tin, rộng yêu mọi người mà gần gũi người nhân đức. Thi hành những điều đó còn thừa sức, thì hãy học văn. (Học Nhi, câu 6).
Để thể hiện sự cần thiết của đức tín, Đức Khổng nêu ví dụ: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?” – Người mà không giữ điều hẹn ước, không biết người ấy có thể ra sao. Xe lớn mà không có đòn gỗ ngang (nghê); xe nhỏ mà không có đòn gỗ cong (ngột), xe làm sao mà đi được? (Vi Chính, câu 22).
Cái xe lớn như xe bò phải có đòn gỗ ngang đóng vào hai càng để buộc con bò vào. Cái xe nhỏ như xe ngựa thì cần đòn gỗ cong để buộc ngựa vào. Nếu không có những cái đó, xe lớn, xe nhỏ đều vô dụng. Đòn nghê, đòn ngột cần cho cái xe, thì đức tín cũng cần cho con người trong xã hội. Đức tín là mấu chốt cho mọi người tín nhiệm vào. Người không có đức tín (không tạo được niềm tin) cũng thành người vô dụng.
Vào thời Xuân Thu, có ba loại người mà Đức Khổng cho là ngoại hạng, khó lòng dạy dỗ và không thể dùng được, thì “bất tín” là một trong ba loại ấy. Ngài nói: “Cuồng nhi bất trực; đồng nhi bất nguyên; không không nhi bất tín, ngô bất tri chi hỹ” – Ngông cuồng mà chẳng ngay thẳng; mù mờ mà chẳng thành thực; ngây ngô mà chẳng giữ niềm tin, ta chẳng biết những loại ấy như thế nào? (Thái Bá, câu 16).
Trong một trường hợp khác, tuy Đức Khổng không dùng chữ Tín, nhưng ý tứ vẫn hàm nghĩa chữ Tín. Ngài nói với Tử Lộ về con người hoàn toàn: “Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yêu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hỹ” – Thấy lợi mà nghĩ đến điều nghĩa, thấy nguy mà chấp nhận số mệnh, ước hẹn đã lâu mà không quên lời nói trong đời mình, cũng có thể coi là người hoàn toàn. (Hiến Vấn, câu 12).
Tuy giữ chữ Tín là quan trọng nhưng đồng thời phải phát triển việc học cho thấu đáo. Đức Khổng dạy Tử Lộ như sau: “Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu. Hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế dã đãng. Hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc…” – Thích đức nhân mà chẳng thích học, điều che lấp là ngu muội. Thích đức trí mà chẳng thích học, điều che lấp là phóng túng. Thích đức tín mà chẳng thích học, điều che lấp là tổn hại… (Dương Hóa, câu 8). Đức tín là khả năng giữ lời hứa để tạo niềm tin nơi mọi người, nhưng phải học cho biết thấu đáo để dè dặt trong lời hứa, kẻo vướng vào lời hứa mà bị tổn hại đến mình.
2. Chữ Tín trong tương giao với mọi người
Đức Khổng được người đời biết như một nhà chính trị, một nhà giáo mẫu mực, tha thiết với việc thiên hạ, nhưng ước nguyện của ngài rất đơn giản. Một lần kia, khi Tử Lộ hỏi về ước nguyện của thầy, ngài nói: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi” – Đem an vui cho người già, đem niềm tin cho bạn bè, đen an ủi cho người trẻ. (Công Dã Tràng, câu 25).
Đối với Tăng Tử, một môn đệ xuất sắc của Đức Khổng đứng sau Nhan Hồi, mỗi ngày ông xét mình ba điều: “Vi nhân mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?” – Mưu việc cho người, có hết lòng chăng? Cùng bạn bè giao thiệp, có giữ niềm tin chăng? Được truyền dạy, có ôn tập chăng? (Học Nhi, câu 4).
Thầy Tử Hạ, một môn đệ xuất sắc trong Khổng môn, cũng rất đề cao chữ Tín. Ông nói: “Hiền hiền dịch sắc, sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực, sự quân năng trí kỳ thân, dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín; tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hỹ” – Bắt chước người hiền đổi lòng hiếu sắc, hết sức thờ cha mẹ, liều thân thờ vua, cùng bạn bè giao thiệp thì nói có niềm tin; tuy nói là chưa học, tôi ắt cho rằng đã học rồi. (Học Nhi, câu 7).
Có lần kia, Tử Trương hỏi thầy về việc đi lại. Đức Khổng nói: “Ngôn trung tín, hạnh đốc kính, tuy Man Mạch chi bang, hành hỹ. Ngôn bất trung tín, hạnh bất đốc kính, tuy châu lý, hành hồ tai? Lập, tắc kiến kỳ tham ư tiền dã. Tại dư, tắc kiến kỳ ỷ ư hành dã. Phù, nhiên hậu hành” – Lời nói trung tín, hành động dốc lòng kính cẩn, dù ở nước mọi rợ, vẫn đi lại được. Lời nói không trung tín, hành động không dốc lòng kính cẩn, dù ở quê hương mình, có đi lại được sao? Đứng thì thấy những điều ấy như xen ở đằng trước. Ngồi xe thì thấy những điều ấy như dựa vào càng xe. Ôi, sau đó mới đi lại được. (Vệ Linh Công, câu 5).
3. Chữ Tín trong việc chính trị
Chữ Tín không những chỉ nâng cao nhân cách người quân tử, không những cần thiết trong sự giao thiệp thường tình với mọi người, chữ Tín còn có chức năng rất quan trọng trong việc chính trị. Đức Khổng nói: “Đạo thiên thặng chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời” – Cai trị nước một ngàn cỗ xe, phải thận trọng trong công việc mà giữ niềm tin, tiêu dùng tiết kiệm mà yêu thương mọi người, sai khiến dân chúng thì phải căn cứ vào thời. (Học Nhi, câu 5). “Kính sự nhi tín” có nghĩa là: phải suy tính cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng mọi công việc, phải thành khẩn với dân, không được lừa dối dân thì dân mới rắp tâm thuận theo và sẵn sàng hy sinh khi cần.
Thầy Tử Cống hỏi về chính trị, Đức Khổng nói: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khử, ư tư tam giả, hà tiên?” Viết: “Khử binh”. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khử, ư tư nhị giả, hà tiên?” Viết: “Khử thực. Tự cổ giai hữu tử; dân vô tín bất lập” – Đủ lương thực, đủ binh lính, được dân tin. Tử Cống nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong ba thứ đó, bỏ thứ nào trước?”. Đáp: “Bỏ binh lính”. Tử Cống nói: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong hai thứ đó, bỏ thứ nào trước?”. Đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa đều có người chết; dân mà mất niềm tin thì không đứng vững được”. (Nhan Uyên, câu 7).
Đối với Phàn Trì, một đệ tử có lẽ thất vọng về việc chính trị, muốn xin học trồng lúa, học làm vườn, Đức Khổng nói đến bí quyết của việc làm chính trị như sau: “Thượng hiếu lễ, tắc dân mạc cảm bất kính. Thượng hiếu nghĩa, tắc dân mạc cảm bất phục. Thượng hiếu tín, tắc dân mạc cảm bất dụng tình. Phù như thị, tắc tứ phương chi dân, cưỡng phụ kỳ tử nhi chí hỹ, yên dụng giá?” – Người trên ưa thích lễ, thì dân chẳng dám không kính trọng. Người trên ưa thích nghĩa, thì dân chẳng dám không khâm phục. Người trên ưa giữ niềm tin, thì dân chẳng dám không cư xử tình cảm. Phàm như vậy, thì dân bốn phương sẽ cõng địu con cái mà đến, sao phải đi trồng lúa? (Tử Lộ, câu 4).
Liên quan tới việc trị dân, thầy Tử Hạ nói: “Quân tử tín, nhi hậu lao kỳ dân. Vị tín, tắc dĩ vi lệ kỷ dã. Tín nhi hậu gián. Vị tín, tắc dĩ vi báng kỷ dã” – Người quân tử tạo được niềm tin, rồi sau mới khiến dân lao nhọc. Chưa tạo được niềm tin, thì bị coi là bạo ngược với họ. Tạo được niềm tin rồi sau mới can ngăn. Chưa tạo được niềm tin, thì bị coi là chê bai họ. (Tử Trương, câu 10).
4. Tín nhưng không cố chấp
Chữ Tín rất quan trọng trong sinh hoạt đời người, nhưng những người vận dụng chữ Tín cần phải linh hoạt theo lẽ kinh quyền, tùy cơ ứng biến, không nên câu nệ, cố chấp. Trong cuộc trao đổi với Tử Cống về tư cách kẻ sĩ, Đức Khổng có nhắc đến tư cách của kẻ sĩ “hạng ba”. Kẻ sĩ “hạng ba” là kẻ “Ngôn tất tín, hạnh tất quả, khanh khanh nhiên, tiểu nhân tai!” – Nói ắt giữ niềm tin, hành động ắt quả quyết, đó là kẻ tiểu nhân hẹp hòi cố chấp đấy! (Tử Lộ, câu 20). Kẻ sĩ “hạng ba” tuy biết giữ niềm tin trong ngôn ngữ, nhưng vẫn còn là tiểu nhân (người nhỏ mọn) bởi vì hẹp hòi cố chấp (khanh khanh). Để làm sáng tỏ điều này, về sau Mạnh Tử giải thích: “Đại nhân giả, ngôn bất tất tín, hạnh bất tất quả, duy nghĩa sở tại” – hành động không ắt phải quả quyết, chỉ chú trọng vào điều nghĩa thôi. (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ, câu 11). Đối với kẻ tiểu nhân mới học đạo, thì được dạy phải giữ niềm tin và hành động quả quyết. Khi đã tiến xa trên đạo quân tử, trở thành bậc đại nhân, người ta phải biết linh động quyền biến, tùy cảnh, tùy thời cho hợp điều nghĩa. Điều nghĩa là điều tốt đẹp cho tha nhân. Điều nghĩa lại luôn luôn đi với thời; tạo nên thời nghĩa. Thời mà qua đi thì nghĩa cũng mất theo. Do đó, để đáp ứng với thời nghĩa, đôi khi người ta phải bỏ qua điều tín và sự quả quyết. Lúc nào cũng khăng khăng giữ cho được điều tín và quả quyết, làm cho được điều đã dự định mà bỏ qua thời nghĩa; đó là người cố chấp. Cố chấp có thể hại nghĩa. Bỏ qua điều tín nhỏ để đạt điều nghĩa lớn; không quả quyết hành động theo dự định, để duy trì điều nghĩa lớn; như thế mới xứng đáng là bậc đại nhân thức thời.
5. Nền tảng của chữ Tín
Chữ Tín có một nền tảng rất sâu xa trong Kinh Dịch, bộ kinh quan trọng của Nho giáo nói về Thiên đạo. Kinh Dịch viết: “Nguyên giả, thiện chi trưởng dã; Hanh giả, gia chi hội dã; Lợi giả, nghĩa chi hòa dã; Trinh giả, sự chi cán dã. Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố túc dĩ cán sự. Quân tử hành thử tứ đức giả, cố viết: Kiền, Nguyên, Hanh, Lợi Trinh” – Đức Nguyên là đầu mối của điều thiện; đức Hanh là sự tụ hội của mọi điều đẹp đẽ; đức Lợi là sự hòa hợp các điều nghĩa; đức Trinh là căn bản của mọi việc. Bậc quân tử lấy đức Nhân làm bản thể thì đủ để làm cho người ta trưởng thành, gom góp mọi điều đẹp đẽ thì đủ để hợp lễ, làm ích lợi cho mọi vật thì đủ để điều hòa điều nghĩa, bền vững chắc chắn thì đủ để làm căn bản cho các việc. Quân tử thi hành đủ bốn đức ấy; cho nên nói rằng: đạo Kiền, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. (Quẻ Thuần Kiền, Văn Ngôn).
Bốn đức Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh thể hiện Thiên đạo trong quẻ Thuần Kiền chính là nền tảng của bốn đức trong nhân đạo: Nhân, Lễ, Nghĩa, Tín. Tín có gốc là Trinh, là sự bền vững chắc chắn trong ngôn ngữ và hành động.
Sau này, các Hậu Nho căn cứ vào lời dạy của Đức Khổng về đức Trí (sự hiểu biết thấu đáo) trong sách Luận Ngữ, mới thêm đức Trí vào bốn đức căn bản để trở thành Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Đức Tín tuy đứng ở hàng thứ năm trong Ngũ thường nhưng lại rất quan trọng bởi vì hỗ trợ cho cả bốn đức trên. Không có niềm Tin không thể thành tựu được điều gì. Có niềm tin mãnh liệt và tạo được niềm tin nơi mọi người, người ta mới có khả năng “dời núi lấp biển”.
Nguồn nhipcautamgiao | Lý Minh Tuấn