Plato
(c. 428 – 348 B.C)
Nguyễn Hữu Minh Vương, S.J.
Có thể nói, Eidos trong tác phẩm Cộng Hòa là điểm đặc sánh siêu hình tính nhất trong hệ thống triết thuyết của Plato. Eidos là thực tại đích thực hiện diện trong thế giới hay trật tự khả niệm, là những kiểu mẫu bất di bất dịch, phi vật chất cho những bản sao sự vật hữu hình. Trổi vượt hơn cả là Chân Thiện, là Eidos Tối Cao của mọi Eidos, là Thực Tại của mọi thực tại. Vậy, tất cả những điều này được thể hiện như thế nào?
DẪN NHẬP – PLATO VÀ ĐƯỜNG ĐẾN VỚI EIDOS
“Có một khoa học nghiên cứu về hữu thể xét là hữu thể, và những thuộc tính nằm trong yếu tính của nó” (Metaphysics, IV.1.1003a21), những lời Aristotle mô tả về triết học đệ nhất được coi là căn bản cho mọi dẫn nhập vào siêu hình học (SHH).[1] Cách chung, SHH tra vấn về hiện hữu, về thực tại uyên nguyên, tuy nhiên, với cả biển trời quan điểm và khái niệm liên quan, khó có ai nắm bắt trọn vẹn SHH là gì. Duy chỉ có điều không ai phủ nhận là SHH đã được gọi tên một cách tình cờ từ thời Aristotle do bởi thủ thư phân loại sách! Vậy phải chăng trước Aristotle không có SHH? Thật ra, tuy danh xưng SHH chỉ có từ sau Aristotle, nhưng siêu hình tính đã luôn thực hữu dù nó được gọi tên hay chưa. Trong số những triết gia tiền Aristotle, có thể nói Plato là một trong những người mang nơi mình triết thuyết đậm chất siêu hình nhất. Tư tưởng của ông độc đáo là nhờ tổng hợp hai khuynh hướng: từ Socrates với phương pháp đối thoại và từ Pythagore với toán số.[2] Quan trọng hơn, ông kế thừa tư tưởng hữu thể hằng tại của Parmenides và phát triển lên thành lý thuyết về Eidos[3]. Và đây là điểm đặc sánh siêu hình tính của ông. Nhằm tìm hiểu điều này, qua tác phẩm Cộng Hòa, bài viết sẽ nhắm thẳng giới thiệu Eidos trong phần thứ nhất, kế đó là tiếp cận Eidos tối cao, sau cùng là ước ao mở ra những cánh cửa.
Theo Parmenides, tồn tại chứ không phải biến dịch mới là chìa khóa mở ra cánh cửa đi đến thực tại. Còn theo Plato, điều gì vĩnh cửu mới có thật, điều gì thay đổi chỉ là vẻ ngoài; điều vĩnh hằng thì trổi vượt hơn điều thay đổi.[4] Men theo ý tưởng đó, Plato đòi triết gia thứ thiệt phải nắm bắt cái hằng cửu, không biến dịch.[5] Để được như thế, người ấy phải hội đủ nhân đức cộng với khả năng, đặc biệt “có phong cách và ý thức về tầm vóc,”[6] nhờ đó tâm trí sẽ tự nhiên và dễ dàng nhận thức Eidos của mỗi thực tại.
Đường đến với Eidos là một hành trình gian khổ và đau đớn. Phúng dụ Hang động (514a-517e, 532bcd) trong triết tác Cộng Hòa phần nào diễn tả điều này. Giả dụ một tù nhân được giải phóng, y liền “đứng dậy, quay đầu, nhìn thẳng, bước về phía ngọn lửa. Mọi cử động sẽ khiến thân đau, mắt lóa để nhìn cho chính xác các vật người đó thường nhìn bóng mờ các vật hắt lên.” Đó còn là một tiến tình tiệm tiến và cần thời gian. Ban đầu, kẻ tự do nhìn chung quanh trong hang, đi lên ra ngoài ánh sáng; nhìn hình ảnh của sự vật bóng mờ phản chiếu trên mặt nước, rồi mới nhìn thấy chính sự vật dưới ánh mặt trời. Đó là cách Plato trình bày lối nẻo tiếp cận thực tại đích thực, là những cái hằng cửu. Eidos là như thế!
Lý thuyết Eidos của Plato là đóng góp lừng danh nhất của ông đối với triết học.[7] Thế nhưng, không dễ để hiểu thấu lý thuyết này. Cách chung, với Plato, Eidos chứ không phải vạn vật hữu hình mới là thực tại đích thực.
Cụ thể, trong Phaedo, Plato bắt đầu bằng giả thuyết “tôi thừa nhận có một sự Đẹp tự thân bởi chính nó, một sự Thiện, một sự Lớn và mọi sự khác.”[8] Đây là giả thuyết (hypothesis) đầu tiên của ông về Lý Thuyết các Eidos.[9] Theo đó, có thể nói rằng cái làm cho sự vật đẹp là cái Đẹp tự thân, cái làm cho sự vật tốt là cái Thiện tự thân, và rồi, cái làm cho sự vật là sự vật chính là Eidos. Trong Timaeus, Plato viết: “Có một Eidos bất biến, không sinh không diệt, điều không nhận vào nó bất cứ thứ gì khác từ bất kỳ đâu, hoặc chính nó không đi vào bất kỳ cái gì ở bất kỳ đâu, vô hiển và bất khả cảm thấu.”[10]
Xem ra Plato không muốn chỉ mặt đặt tên cho Eidos, ông chỉ đang đưa ra một cái nhìn đơn thuần về Eidos. Đơn cử, cái Đẹp là một thứ gì đó không thể đụng bằng tay, thấy bằng mắt. Cái Đẹp cũng là điều gì đó vượt ra khỏi phạm vi nay còn mai mất của bông hoa đẹp. Nó tồn tại tự thân, độc lập với bông hoa đẹp nhưng lại là yếu tố quyết định khiến bông hoa trở nên đẹp. Trong Symposium, Plato giới thiệu:
Cái đẹp không hiện hữu ở bất kỳ đâu trong một thứ nào khác như trong một sinh vật, dưới mặt đất, trên trời cao hay bất kỳ nơi nào. Nó xuất hiện trong chính nó và bởi chính nó, luôn đơn nhất trong Eidos; và mọi thứ đẹp đẽ khác chia sẻ đặc tính của nó theo cách mà khi những thứ này xuất hiện hay mất đi không hề khiến nó tăng hay giảm, hoặc phải chịu bất cứ sự biến đổi nào.[11]
Như thế, Eidos là những kiểu mẫu bất di bất dịch, vĩnh cửu, phi vật chất, không mang tính không gian và thời gian. Eidos là hình mẫu phổ quát được dùng để giải thích các đặc tính mà sự vật có trong thế giới biến dịch vốn chỉ là bóng mờ được mô phỏng từ thế giới của Eidos. Có lẽ vì thế mà Plato được gọi là triết gia duy tâm khách quan, tức là, Eidos của Plato đứng về phía khách thể thay vì chủ thể; và chính Eidos mới là thực tại đích thực.
“Không hiện hữu ở bất kỳ đâu trong một thứ nào khác”, đây vẫn là cách trả lời phủ định. Vậy Eidos ở đâu? Liên quan đến Eidos, Plato nói rằng linh hồn bất tử ở “ngoài rìa thiên đường.”[12] Nhưng “ngoài rìa” là ở đâu? Trở lại với Cộng Hòa, Plato đã không dưới một lần đề cập đến hai thế giới hay hai vùng: lý tính và hữu hình.[13] Phải chăng có sự tồn tại tách biệt giữa hai thế giới như thể mặt hồ chia hai môi trường, trên cạn và dưới nước? Hay như các nhà chú giải mạnh miệng: Eidos nằm ở thế giới khả niệm, tức ở trên trời?
Thật ra, Plato có dùng khái niệm đường ranh để phân chia thực tại. Cụ thể ở 509tt và đặc biệt ở 533e-534a, ông chia thực tại làm bốn phần dưới cái nhìn tri thức luận. Hai phần đầu, hiểu biết và lý luận được gọi là nhận thức liên quan đến thực trạng hiện hữu thuộc thế giới thực tại (khả niệm), trong khi tin tưởng và tưởng tượng được gọi là quan niệm liên quan tới tiến trình biến hóa thuộc thế giới hữu hình (khả giác).[14] Ở những đoạn này, Plato cũng dùng hạn từ “thế giới” hay “vùng” để gọi tên sự phân chia của mình. Không quá khó hiểu khi nhiều nhà triết sử đã dựa vào những chi tiết này để khẳng định rằng Eidos cư ngụ ở thế giới khả niệm vốn tách biệt với thế giới hữu hình.
Thế nhưng, quan niệm hiện đại đã đặt lại vấn đề “nơi ở” của Eidos. Nhiều người đã không còn chấp nhận quan điểm truyền thống với lối hiểu mặt chữ về nơi chốn của Eidos nữa. Liên quan đến vấn đề này, thậm chí có người còn cho rằng sẽ là một sai lầm khi thừa nhận thế giới khả tri như một không gian vật lý thuần túy, độc lập với thế giới hữu hình.[15] Có lẽ hai chữ “thế giới” ở đây nên thôi được hiểu như một không gian hay nơi chốn vật lý, ví dụ như thế giới trong lòng đại dương hay thế giới ngoài vũ trụ. Thay vào đó, “thế giới” có thể được hiểu như thế giới tinh thần, một không gian khả niệm. Ví dụ, một người bạn xuất hiện trước mắt tôi không chỉ với hình hài thể lý nhưng còn với một hình dung vượt thoát hình hài ấy. Hình dung mang tính tinh thần này một mặt không nằm ở hình hài thể lý, mặt khác cũng không tách biệt khỏi hình hài ấy.
Thêm nữa, tư tưởng cốt lõi về hình ảnh của Plato là một hình ảnh luôn gắn liền với nguồn cội của nó. Thế nên thật thích hợp để mô tả tương quan giữa (hai thế giới) khả giác và khả tri như tương quan giữa hình ảnh và nguồn cội.[16] Hiểu như thế, hạn từ “thế giới” sẽ mặc lấy ý nghĩa mới, và đồng thời nơi chốn của Eidos cũng có thể được xác định lại.
Xa hơn, Plato còn đặt để nơi miệng nhân vật Socrates: “Dù sao quý hữu cũng có trước mặt hai trật tự sự vật, loại hữu hình và loại lý tính” (509d). Plato đã chủ động thay thế “thế giới” thành “trật tự”. Xem ra hạn từ “trật tự” ở đây đã thêm vào cách giải thích “thế giới” nêu trên. Nếu là hai trật tự, sự vật sẽ không bị tách biệt về hữu thể nhưng chỉ là phân biệt xét về nhận thức. Hai trật tự vì thế sẽ chỉ thuộc về một thực tại mà thôi. Có thể hiểu hai trật tự như hai “cấp độ thực hữu”[17] của thực tại thay vì hai thế giới tách biệt. Khoảng cách giữa hai trật tự tưởng như xa vô cùng hóa ra lại chẳng có khoảng cách, chí ít về mặt vật lý. Vì “cái đẹp tồn tại trong chính nó, cái tốt hiện hữu trong chính nó. Mỗi sự vật theo hình trạng (Eidos – người viết) duy nhất, như thể hình trạng là một, và gọi mỗi sự vật theo thực trạng của nó” (507b). Vì thế, Eidos có mối liên hệ “nên một” với sự vật. Eidos và sự vật là một, để rồi nhờ Eidos mà sự vật là chính chúng. Thế nên, xem ra Eidos nằm ngay trong lòng thực tại mà lại không thuộc thực tại. Nó cũng chẳng vô hình dưới dạng sóng hạt nhưng siêu việt khỏi thực tại.
Với hai cấp độ đó, Plato yêu cầu hai cái nhìn tương ứng để hiểu biết thực tại. Cái nhìn giác quan để tri nhận cấp độ đầu và cái nhìn lý tính để chân nhận cấp độ thứ hai. Eidos vì thế thuộc cấp độ thứ hai, vốn vừa nội tại trong sự vật, vừa siêu vượt khỏi sự vật. Nhưng làm sao để nhận thấy Eidos nơi trật tự lý tính kia? Qua đại biểu cái Đẹp, xem ra Plato muốn phổ quát lên cách thế giúp chạm tới Eidos:
Khởi từ những gì ở trần gian này, người ta nâng mình lên cao nhờ tình yêu sáng suốt… Bắt đầu từ những vẻ đẹp của trần thế này để tiến về vẻ đẹp kia, luôn nâng mình lên cao, như thể qua từng nấc thang một, từ một thân xác đẹp sang hai, rồi từ hai sang tất cả mọi thân xác, rồi từ cái đẹp của thân thể đến cái đẹp của những thao thức, rồi từ đó lên đến cái đẹp của tri thức, rồi đến chính tri thức như là tột đỉnh, mà không gì khác hơn là tri thức về chính cái đẹp, để cuối cùng đạt được cái đẹp tự thân.[18]
Điều quan trọng là kẻ chiêm ngắm phải thực hiện một sự chia cắt trong cái nhìn để rồi nâng mình lên cao, một sự nâng mình trong nhận thức, đi từ cấp độ một đến cấp độ hai, vượt lên những gì hữu hình hầu có thể đạt đáo thực tại đích thực, là chính Eidos. Để rồi khi kinh qua mọi Eidos số nhiều, kẻ ấy gặp thấy Eidos số ít – Chân Thiện.
Tại sao lại phải nhắc đến Chân Thiện ở đây? Cộng Hòa cho thấy rõ Eidos của Chân Thiện là vấn đề cốt lõi của Lý Thuyết Eidos.[19] Plato cũng nói thêm: “Sở đắc đủ thứ của cải có lợi gì không nếu của cải không có chân thiện? Hoặc sở đắc mọi Eidos hiểu biết mà không có hiểu biết về chân thiện?”[20] Thế nên siêu hình tính của Eidos sẽ chẳng bao giờ viên mãn nếu không có Chân Thiện.
Chân Thiện trong Cộng Hòa có địa vị hữu thể đặc quyền nhằm giải thích cho sự tồn tại và dễ lĩnh hội của các Eidos, như mặt trời có địa vị hữu thể đặc quyền nhằm giải thích cho sự phát triển và hiển hiện của thực vật (x. 508b–e, 509b).[21] Chắc hẳn mặt trời sẽ giúp hiểu Chân Thiện phần nào. Chính Plato cũng ví von: “Mặt trời là con đẻ của chân thiện; […] trong thế giới siêu hình chân thiện có liên hệ thế nào với tư tưởng và sự vật nhận thức, thì trong thế giới hữu hình mặt trời cũng có quan hệ tương tự với thị giác và vật thể quan sát.”[22]
Bằng phép loại suy từ mặt trời để đưa đến Chân Thiện, Plato đưa ra cách tiếp cận gián tiếp Chân Thiện thay vì trực tiếp. Cứ xem thấy tương quan mặt trời-vạn vật thế nào mà suy ra tương quan Chân Thiện-Eidos. Dưới ánh sáng mặt trời, thị giác được sử dụng để tri nhận vạn vật; dưới Ánh Sáng của Chân Thiện, kẻ chiêm ngắm phải dùng đến tâm trí để chân nhận Eidos, dù sự vật và Eidos, theo như phân tích ở trên chỉ là hai cấp độ của một thực tại.
Một khi đã đặt nền trên loại suy, Plato tiếp tục dẫn giải: Eidos của Chân Thiện là “cái đem lại chân lý cho những sự vật khả tri và đem lại năng lực nhận thức cho kẻ tri nhận. Vì chân thiện là nguyên nhân của hiểu biết và sự thật.”[23] Có lẽ những lời này đã rõ ràng để hiểu rằng Chân Thiện là nguồn gốc chân lý, tức là, Chân Thiện làm khởi phát sự hiểu biết nơi người nhận thức và làm phát sinh chân lý nơi thực tại, vì Chân Thiện còn xa vượt cả tri thức lẫn chân lý. Hơn thế, Chân Thiện không chỉ khiến các đối tượng của tri thức được nhận biết, đó còn là “tồn tại và hiện hữu của chúng” (509c). Chân Thiện cũng như mặt trời, không chỉ cho sự vật khả thị năng lực được nhận thấy mà còn cho chúng sự hiện hữu, tăng trưởng và dinh dưỡng (x. 509b). Nếu nói trắng ra, Chân Thiện tạo sinh vạn vật, khiến chúng được hiện hữu trên đời. Chân Thiện là Thực Tại của thực tại, là Eidos Tối Cao của Eidos. Đúng thôi, vì Chân Thiện “tự nó không là thực tại, nhưng là cái gì đó vượt quá và cao hơn thực tại đó về uy danh và quyền năng.”[24] Chân Thiện vừa là Eidos nhưng cũng không là Eidos, vì Chân Thiện sinh ra và trổi vượt trên mọi Eidos. Nơi Chân Thiện, có thể thấy Plato muốn nối kết ba khái niệm: cùng đích cuộc sống, nguyên lý tri thức làm cho thế giới trở nên khả tri và con người có thể nắm bắt, và nguyên nhân của các Eidos.[25] Vậy ra, đạo đức học, tri thức luận và hữu thể học hay siêu hình học đồng quy tại điểm cuối Chân Thiện.
Thế nhưng, dù tâm hồn trực cảm chân thiện hiện hữu, song không hiểu ngọn nguồn. Plato cũng thừa nhận những gì được mô tả chỉ là con đẻ của Chân Thiện, như tiền lời đối với tiền vay[26] chứ không phải là chính Chân Thiện. Thậm chí ông còn thú nhận: “Sự thể đúng hay sai chỉ có thần linh mới biết” (517b). Thế nên, những nỗ lực loại suy trên đây chỉ mang tính tương đối. Có lẽ một phần vì Chân Thiện quá cao vượt khiến người ta không thể chạm thấu, phần khác vì Plato vốn quan niệm câu chữ sẽ đóng khung thực tại và làm nó không còn là nó, nên ông đã mở ngỏ cho kẻ chiêm ngắm tự khám phá Chân Thiện là gì.
2. Con đường tìm gặp Chân Thiện
Bàn về việc tiếp cận Chân Thiện, có tác giả diễn tả: “Cũng như mắt ta bị lóa khi cố gắng nhìn trực diện mặt trời thế nào, tâm trí ta cũng mụ mị đi khi nỗ lực trực tri về Chân Thiện như vậy.”[27] Dù khó khăn là thế, nhưng với Plato, con người hoàn toàn có thể xem tỏ Chân Thiện đầy đủ khi “tâm trí đã hoàn tất hành trình” (519d).
Plato diễn giải, mỗi người phải ép buộc tâm trí tuyệt hảo vươn tới Eidos cao nhất của hiểu biết, đi lên để nhìn thấy Chân Thiện.[28] Tựa như toàn bộ cơ thể phải xoay chuyển từ bóng tối sang ánh sáng để đôi mắt có thể bắt gặp ánh sáng thế nào, thì tâm trí cũng phải xoay toàn bộ từ thế giới biến dịch tới lúc nó có thể nhìn thẳng Thực Tại như vậy. Thật ra, ông đang muốn nói đến quá trình thụ huấn của một con người.
Để làm được điều này, trước hết ông nhắc đến giáo dục với vai trò “nghệ thuật chuyển đổi,” giúp tâm trí xoay chuyển dễ dàng và hữu hiệu từ biến dịch qua hằng tại. Cụ thể, người giáo dục cần uốn nắn, xén tỉa đương sự ngay từ lúc còn thơ ấu để ngăn ngừa những hoạt động trần thế như tiệc tùng, ăn uống lu bù, khoái lạc (x. 519b). Về phần mình, những ai muốn chạm tới Chân Thiện, ngoài việc phải lĩnh hội bộ ba số học, hình học và thiên văn, phải có một quá trình tu thân đúng nghĩa cả một đời. Trong số đó phải kể đến đặc tính chân thật, yêu hiểu biết, quân bình, không màng tiền bạc, không bần tiện, không nhút nhát, không huynh hoang, sáng dạ, có trí nhớ hoàn hảo, có ý thức về tầm vóc.[29] Đặc biệt hơn, Plato đề cao các nhân đức phải có: “tâm hồn cao thượng, tính tình dịu dàng, gần gũi sự thật, công bình, can đảm, tiết độ” (487a). Thế nên Eidos Chân Thiện được cho là “kết nối mật thiết với đạo đức học của Cộng Hòa.”[30] Tri thức luận và đạo đức học được hòa làm một.
Thật trùng hợp vì những gì đòi hỏi cho việc đạt tới Chân Thiện cũng là tiêu chuẩn của người triết gia thứ thiệt. Có thể nói người triết gia phải trải qua chương trình huấn luyện toàn diện để có thể diện kiến Chân Thiện. Và một khi nắm bắt Chân Thiện trong chính nó bằng nhận thức thuần túy, người ta mới đạt tới mục đích tối hậu của thế giới khả niệm.
1. Nhận định của Aristotle về Eidos
Dù là đệ tử tài giỏi và nổi danh nhất của Plato, Aristotle xem ra đã rẽ hướng khỏi lối suy tư của thầy mình. Trong khi thầy tập trung vào Eidos, trò lại đề cao tri thức thông qua quan sát và kinh nghiệm thực nghiệm.[31] Không những thế, khi bàn đến tư tưởng của thầy, Aristotle còn mạnh miệng mổ xẻ và phê phán lý thuyết Eidos. Bàn về các Eidos, Plato cho rằng các sự vật đặc thù ở trong dòng chảy liên tục, trong khi tri thức đòi các sự vật phổ quát. Sự đối nghịch liên quan tới dòng chảy có thể là yếu tố dẫn đến việc Aristotle nghĩ rằng Plato “chia cắt” phổ quát khỏi đặc thù (x. Meta, XIII.9.1086a36-b5).[32] Aristotle phê phán sự “phân ly” mà Plato đã tạo ra giữa Eidos và những bản sao của mình. Dường như Aristotle đã mặc nhiên cho rằng thầy đã xa rời thực tế vì mãi đeo đuổi những Eidos ở một thế giới xa xôi nào đó trên cao. Tác giả Hugh H. Benson nhận định rằng, sự đối kháng giữa sự vật khả giác bấp bênh trong thế giới “trở nên” so với các Eidos tồn tại vĩnh cửu trong thế giới “hữu thể” là nguồn gốc chính yếu của việc Aristotle cho rằng Plato đã sai lầm khi “chia cắt” Eidos từ các đặc thù.
Aristoles cũng phàn nàn về khái niệm “thông dự” (participation) của Plato, rằng đó chỉ là cụm từ sáo rỗng đơn thuần và là phép ẩn dụ thi ca mà thôi.[33] Ông cho rằng thầy mình đã thất bại trong việc giải thích mối liên hệ giữa những Eidos và những đặc thù. Điểm nhấn của Plato vào Eidos đã khiến việc đánh giá thực tại trọn vẹn của những đặc thù trở nên vô vọng, và sự vĩnh hằng muôn thu của những Eidos khiến chúng trở nên vô dụng trong việc hiểu làm cách nào mà những đặc thù có thể biến dịch.
2. Nhìn về lý thuyết Eidos của Plato
Plato và triết lý của ông được coi là một trong những nền tảng và khởi đầu mới cho triết học Tây Phương, để rồi có người ví von những tư tưởng sau này đều là cước chú cho những ý tưởng thuở đầu của ông. Trong giới hạn của mình, bài viết chỉ ước ao đưa ra một vài nhận định thiển cận cho lý thuyết Eidos vừa tìm hiểu ở trên.
Trước hết, có thể nói Plato đã giác ngộ sự linh thánh nơi tạo vật. Linh thánh không phải chuyện thần thánh, nhưng là sự cao cả nơi chính tạo vật. Ông đề cao và trân quý thực tại hằng cửu, nhưng thực tại ấy chỉ được nhận thấy xuyên qua tạo vật. Điều này đòi kẻ chiêm ngắm phải nâng tâm hồn lên để siêu vượt những gì phù vân, nay còn mai mất. Viễn tượng ấy đòi người ta phải hướng thượng, phải nhìn lên, vượt thoát hầu chạm tới chân lý là thực tại đích thực. Không nhìn sự vật như vật chất đơn thuần, linh thánh là thế!
Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến suy nghĩ rằng Plato đã mải mê thiên đường mà bỏ quên dương thế. Thật ra, Plato đã bắt đầu nơi chính tạo vật, thăng hoa, giác ngộ chúng, nhưng cuối cùng ông đã trở về với tạo vật. Đặt trong bối cảnh sống đương thời với chính trị nhiễu nhương, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc đối thoại,[34] Plato không hề xa rời cuộc sống hiện tại, trái lại ông rất hiện sinh với mối quan tâm lớn dành cho chính trị xã hội. Với Plato, suy tư thực tại Eidos không phải để thoát ly như tư tưởng Ấn giáo quan niệm,[35] nhưng để sống trọn vẹn cuộc đời hiện tại, vì kẻ suy tư chỉ nhận ra thực tại mới có thể sống tròn đầy và lãnh đạo tốt. Plato đã khẳng quyết “phải trở lại hang động” (539e) sau khi đã được khai sáng thì làm sao có thể cho rằng ông xa rời thế giới này?
Trong Bức Thư Thứ VII, Plato mô tả triết học của ông như một lối sống.[36] Quá trình suy tư, kiếm tìm, vượt thoát để nhận ra Eidos cũng là yếu tố tiên quyết giúp sống tròn cuộc đời hiện tại. “Hình thù (Eidos – người viết) được ưu tiên nhắc đến như những giá trị luân lý, nhờ đó người ta có được nền móng giúp phán đoán về những sự việc thuộc đời sống con người.”[37] Quả thật, khi chạm thấu Eidos là thực tại đích thực, người ta mới có được chuẩn mực thứ thiệt để hoàn tất tốt đẹp hành trình đời mình.
Và nữa, dù chưa được diễn tả như một ngôi vị, nhưng xem ra Chân Thiện của Plato đã là Đấng Siêu Việt có tương quan với cõi nhân sinh. Từ trên xuống, Chân Thiện phát sinh sự hiện hữu của các Eidos và mọi thực tại. Từ dưới lên, hữu thể nhân linh lần tìm để hội ngộ Chân Thiện như cùng đích cuộc đời. Hai chiều xuống-lên này rồi đây sẽ được Plotinus phát triển, làm nên thuyết Tân Plato với nhiệm xuất-lưu hồi.
Chỉ tiếc một điều, Plato đã bỏ ngỏ bởi đâu Chân Thiện có mặt như Thực Tại tuyệt đối. Đành vậy thôi, chính ông đã thừa nhận chỉ có thể hiểu phần nào bản chất của Chân Thiện, huống hồ là nguồn cội của nó. Chắc hẳn Plato đang mặc nhiên thừa nhận Chân Thiện chính là nguồn cội uyên nguyên đệ nhất. Có như thế Chân Thiện mới mãi là đối tượng siêu hình để lại khoảng trống huyền nhiệm khôn cùng mà nhân loại phải muôn đời khám phá.
Thế nhưng, lý thuyết về Eidos dù muốn dù không vẫn chỉ mới tập chú lý giải chiều kích nhìn-thấy (visual) của thực tại. Eido vốn dĩ mang nghĩa “thấy”. Dường như Plato chỉ mới dùng đến thị năng để bàn về Eidos, cả hai mặt khả giác lẫn khả niệm. Dường như ta không bắt gặp âm thanh, mùi vị trong lý thuyết Eidos của ông. Phải chăng ông đang dùng hình ảnh như đại biểu cho mọi chiều kích khác?
Có thể nói Eidos trong Cộng Hòa là điểm đặc sánh siêu hình tính nhất trong hệ thống triết thuyết của Plato. Eidos là thực tại đích thực hiện diện trong thế giới hay trật tự khả niệm, là những kiểu mẫu bất di bất dịch, phi vật chất cho những bản sao sự vật hữu hình. Trổi vượt hơn cả là Chân Thiện, là Eidos Tối Cao của mọi Eidos, là Thực Tại của mọi thực tại. Để nhận ra và đạt đáo Eidos, kẻ đi tìm phải trải qua một hành trình đi lên. Lên cao để gặp thấy, vượt thoát để nhận ra, chữ “meta” trong SHH của Plato diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của nó. Thế nhưng, “bên trên” cũng là “ở dưới”, Eidos minh nhiên trở thành nền tảng cho hiện hữu của sự vật. Eidos trở thành cốt tủy cho sự tồn vong của vạn vật xét như yếu tính. Nơi Eidos, SHH hội ngộ hữu thể học, cả hai trở thành một.
“Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử,”[38] bí mật chú cáo dành tặng Hoàng Tử Bé có lẽ thích hợp để kết lại bài viết này. Eidos nằm trong trật tự lý tính, nhưng xem ra kẻ đi tìm phải vận dụng trọn vẹn con tim để nhìn xem. Kẻ ấy phải yêu, phải dấn bước để gặp gỡ người tình siêu hình cứ hay dỗi hờn mưa nắng.
1. Plato, Cộng Hòa, Đỗ Khánh Hoan dịch, Hà Nội: NXB Thế Giới, 2013
2. Plato, Republic, C.D.C. Reeve dịch, Cambridge: Hackett Publishing Company, 2004
3. Aristotle, Metaphysics, W. Đ. Ross dịch, Oxford: Oxford Univesity Press, 1924
4. Benson, Hugh H., Blackwell Companions to Philosophy, A Companion to Plato, MA: Blackwell, 2006
5. Dancy, R. M., Plato’s Introduction of Forms, Cambridge: Cambridge University Press, 2004
6. Hồng, Đậu Văn, Hữu Thể Luận, tập I, lưu hành nội bộ, 47.
7. Ferrari, G. R. F., The Cambridge Companion to Plato’s Republic, Cambridge: Cambridge University Press, 2007
8. Hồng, Đậu Văn, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2015
9. Lâm, Athanase Nguyễn Quốc, Metaphysique, Dẫn Vào Siêu Hinh Học, phỏng theo Jean Grondin, Introduction a la Metaphysique, Universite de Montreal, 2004
10. Plato, Bữa Tiệc, Đậu Văn Hồng dịch, Nha Trang: ĐCV Sao Biển
11. Plato, Lettre VII
12. Plato, Plato’s Timaeus, Francis M. Cornford dịch, Indianapolis: Bobbs-Merrill Educational Publishing, 1980
13. Plato, Phaedo, trích trong Five Dialogues, G. M. A. Grube dịch, Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1981
14. Plato, Phaedrus, Robin Waterfield dịch, New York: Oxford University Press, 2002
15. Plato, The Symposium, Christopher Gill dịch, London: Penguin Books, 1999
16. Quý, Hoành Sơn Hoàng Sĩ, Triết Sử Ấn Độ, Nhập Môn Triết Ấn Upanisad-Vedanta, NXB Phương Đông, 2015
17. Saint-Exupéry, Antoine de, Hoàng Tử Bé, Trác Phong dịch, Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn, 2013
18. Solomon, Robert C., Introducing Philosophy, New York: Oxford University Press, 2005
19. https://en.wikipedia.org/wiki/Theory_of_Forms, truy cập ngày 08.02.2017
[1] Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Metaphysique, Dẫn Vào Siêu Hinh Học, phỏng theo Jean Grondin, Introduction a la Metaphysique (Universite de Montreal, 2004), 11.
[2] Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2015), 72-73.
[3] Eidos được chuyển ngữ thành Forms hay Ideas trong Anh ngữ, và được Việt hóa thành Hình Thức (Hình Trạng, Mô Thể,…) và Ý Thể (Ý Niệm, Ý Tưởng,…). Trong phạm vi bài viết này, Eidos sẽ được giữ nguyên để tránh những ngộ nhận từ việc chuyển ngữ.
[4] Robert C. Solomon, Introducing Philosophy (New York: Oxford University Press, 2005), 69.
[5] Plato, Cộng Hòa, Đỗ Khánh Hoan dịch (Hà Nội: NXB Thế Giới, 2013), 420-421.
[6] Plato, 421tt, 425.
[7] Hugh H. Benson, Blackwell Companions to Philosophy, A Companion to Plato (MA: Blackwell, 2006), 184.
[8] Plato, Phaedo, trích trong Five Dialogues, G. M. A. Grube dịch (Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1981), 138.
“I assume the existence of a Beautiful, itself by itself, of a Good and a Great and all the rest.” (100b)
[9] R. M. Dancy, Plato’s Introduction of Forms (Cambridge: Cambridge University Press, 2004), 299.
[10] Plato, Plato’s Timaeus, Francis M. Cornford dịch (Indianapolis: Bobbs-Merrill Educational, 1980), 53.
“This being so, we must agree that there is, first, the unchanging Form, ungenerated and indestructible, which neither receives anything else into itself from anywhere nor itself enters into anything else anywhere, invisible and otherwise imperceptible” (52a).
[11] Plato, The Symposium, Christopher Gill dịch (London: Penguin Books, 1999), 49.
“Nor will beauty appear […] as being anywhere in something else, for instance in a living creature or earth or heaven or anything else. It will appear as in itself and by itself, always single in form; all other beautiful things share its character, but do so in such a way that, when other things come to be or cease, it is not increased or decreased in anyway nor does it undergo any change.” (211a-b)
[12] Plato, Phaedrus, Robin Waterfield dịch (New York: Oxford University Press, 2002), 30.
“When the souls we call “immortal” reach the rim, they make their way to the outside and stand on the outer edge of heaven […].” (247c)
[13] x. Plato, Cộng Hòa, 475, 528. Đặc biệt trong Phúng dụ Hang Động, vùng khả giác đối nghịch với vùng khả niệm (517b). x. Plato, Cộng Hòa, 488.
[14] Plato,Cộng Hòa, 528.
[15] https://en.wikipedia.org/wiki/Theory_of_Forms, truy cập ngày 08.02.2017.
[16] G. R. F. Ferrari, The Cambridge Companion to Plato’s Republic (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), 296.
[17] Lâm, 32.
[18] Plato, Bữa Tiệc, Đậu Văn Hồng dịch (Nha Trang: ĐCV Sao Biển), 90.
[19] Benson, 177.
[20] Plato, Cộng Hòa, 464.
[21] Ferrari, 284-85.
[22] Plato, Cộng Hòa (508b), 472.
[23] Plato, Republic, C.D.C. Reeve dịch (Cambridge: Hackett Publishing Company, 2004), (508e), 204.
[24] Plato, Republic (509c), 205.
[25] Đậu Văn Hồng, Giáo trình Hữu Thể Luận, tập I, (bản để sửa), lưu hành nội bộ, 47.
[26] Plato, Cộng Hòa (507a), 468.
[27] Ferrari, 286.
[28] Plato, Cộng Hòa, 492.
[29] Plato, Cộng Hòa, 421-426.
[30] Benson, 177.
[31] Nổi bật với bức bích họa The School of Athens được vẽ bởi danh họa Raphael. Trong bức tranh này, Aristotle đưa tay hướng về đất, tượng trưng cho niềm tin của ông về tri thức thông qua quan sát và kinh nghiệm thực nghiệm, trong khi đang cầm bản sao cuốn Nicomachean Ethics của mình trong tay. Plato lại chỉ tay về trời, tượng trưng cho niềm tin của ông về các Hình Thức, trong khi đang giữ bản sao cuốn Timaeus. Theo Wikipedia.
[32] Benson, 171.
[33] Aristotle, Metaphysics trong The Basic Works of Aristotle, W. Đ. Ross dịch (Oxford: Oxford Univesity Press, 1924), (991a), 708.
[34] Piraeus là bến cảng cách Athens chừng mươi cây số. Đó cũng là địa bàn hoạt động sinh tử của phe dân chủ thời đó. Ít lâu sau ngày diễn ra cuộc đối thoại (có lẽ khoảng 411 TCN), năm 404 TCN Piraeus là thành lũy chống trả quyết liệt nhóm độc tài, lịch sử Hy Lạp mệnh danh “Ba Mươi Bạo Chúa” nắm quyền cai trị Athens. Cuộc đàm đạo trong Cộng Hòa diễn ra dưới bóng ma ẩn hiện của Ba Mươi Bạo Chúa. Họ thực hiện cuộc hành hình, không những Polemarchus, mà cả Socrates một cách gián tiếp. x. Plato, Cộng Hòa, 59.
[35] Hoành Sơn Hoàng Sĩ Quý, Triết Sử Ấn Độ, Nhập Môn Triết Ấn Upanisad-Vedanta (NXB Phương Đông, 2015), 162-179.
[36] Plato, Lettre VII (341c) trích bởi Hồng, 92.
[37] Hồng, 98.
[38] Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng Tử Bé, Trác Phong dịch (Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn, 2013), 77.