Chúa nhật 2 Phục sinh B
(Cv 4,32-35; Tv 117; 1Ga 5,106; Ga 20,19-31)
Trái tim rộng mở của Đấng cứu thể
Chúa nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi với nhiều danh xưng khác nhau: Chúa nhật tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa nhật “Áo trắng” (in Albis), đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm của các tân tòng. Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định cho toàn thể Hội thánh, Chúa nhật sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa nhật Áo trắng, sẽ còn được gọi là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Và điều này cũng thích ứng với sứ điệp của Lời Chúa hôm nay của cử hành phụng vụ: Đức tin suy phục trước Trái tim rộng mở của Đấng phục sinh và trở nên con cái của Đấng là tình yêu.
1. Suy phục trước trái tim rộng mở
Lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, là danh tính của Thiên Chúa, Dung mạo đã được mặc khải trong Cựu ước và được tỏ bày một cách sung mãn nơi Đức Giêsu Kitô, là Tình yêu sáng tạo và cứu chuộc nhập thể. Cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô mạc khải cách trọn vẹn dung nhan xót thương của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa xuất hiện trong thinh lặng là Đấng Tự Hữu – Ego eimi – Amore est (Ga 8,28; 1Ga 4,8.16).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta dung mạo tình yêu – thương xót của Thiên Chúa, Đấng mà Vịnh gia 117 diễn tả và Giáo hội xướng hát trong bài Đáp ca: “Muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (c.1), Đấng “đã ra oai thần lực” để “sửa dạy”, “cứu vớt” con người khỏi tay thần chết. Đó là một Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi thi thố tình yêu, luôn thương và luôn tha cho con người. Quả thực, Thiên Chúa trong Đức Giêsu, yêu con người “đến cùng”, “vô tận” bằng cái chết – thương khó trên thập giá: Thiên Chúa rộng mở trái tim, phơi trần tình yêu của Người đối với chúng ta. “Thập giá là sự biểu lộ của Tình yêu đến mừng tận cùng, một Tình yêu tự hiến trọn vẹn. Thập giá là biến cố trong đó hữu thể và hành động của một Con người đồng nhất với nhau, là sự diễn tả của một hiện hữu trọn vẹn là cho tha nhân”.[1]
Thập giá là tâm điểm của mạc khải, mạc khải về chính con người chúng ta, vạch trần sự thật của chúng ta trước Thiên Chúa và vạch rõ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng cuộc sống chúng ta. Qua thập giá, Đức Giêsu biểu lộ trọn vẹn dung nhan Thiên Chúa xót thương, Thiên Chúa thống trí bằng tình yêu, bằng việc cúi xuống phục vụ ơn cứu độ con người. Chính Đấng bị treo trên thập giá với trái tim rộng mở, đã phơi trần tình yêu không sơn phết của Thiên Chúa, để những ai ngước lên, chiêm ngắm “Đấng họ đã đâm thâu qua” (Ga 19,37) phải suy phục và tuyên xưng “Người quả là Con Thiên Chúa” (Mc 16,39). Đó chính là sự suy phục mà Toma trong bài Tin mừng hôm nay bày tỏ, sự suy phục chân lý của đức tin khi đối diện với Thiên Chúa, Đấng chịu đâm thâu và rộng mở trái tim thương xót: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Đây là chóp đỉnh của lời tuyên xưng trong Tân ước, tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm dung nhan của Đấng chịu đâm thâu, rộng mở kho tàng trái tim cực thánh để suy phục đức tin của những “không thấy mà tin”.
2. Sống phẩm giá của con cái được yêu thương
Là những “người không thấy mà tin”, chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng và được tăng trưởng bởi tình yêu, để “loan truyền những kỳ công của Đấng đã kêu mời chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền… Xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em được xót thương”, Thánh Phêrô, Tông đồ trưởng thâm tín (1Pr 2,9-10). Là những người tin để được sống trong Đức Giêsu, dung mạo tình yêu thương xót của Chúa Cha, chúng ta được mời gọi sống: TIN – YÊU – HIỆP NHẤT
Đức tin: Kết thúc bài Tin mừng, thánh ký Gioan viết: “Những điều được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Quả thực, đức tin là bằng chứng cho những gì chúng ta không trông thấy, là bảo đảm cho những gì chúng ta hy vọng” (Dt 11,1). Đó là đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, đá tảng của tòa nhà đức tin của chúng ta: “Phàm ai tin rằng, Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 5,1). Chính đức tin vào Đức Giêsu đưa tới sự toàn thắng đối với thế gian: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”, là Đấng đã nhập thể - “nhờ máu, nước và Thần Khí”, Đấng đã trải qua cuộc thương khó và phục sinh, trở nên “đá tảng góc tường” của tòa nhà Hội thánh. “Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa...” (2Cr 5,6).
Đức mến: “Đức tin hành động nhờ đức ái” (Ga 6,5). Được yêu, được xót thương, được thứ tha, chúng ta được mời gọi sống phẩm tính của con cái đức ái - yêu thương nhau: “Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người” (1Ga 5,2). Yêu thương là phẩm tính của con cái Thiên Chúa, là dấu chỉ để người khác nhận biết ai là môn đệ của “Đấng yêu cho đến cùng” (x. Ga 13,35). Thánh Gioan còn khẳng định chân lý căn bản này khi viết: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).
Hiệp nhất nên một: Chính đức tin quy tụ chúng ta nên một trong gia đình con cái Chúa, trong “một thân thể, một Thần Khí”, “chia sẻ một niềm hy vọng”. Vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa…” (Ep 4,4). Được quy tụ nên một trong sự đa dạng đặc sủng nhờ “mối dây liên kết tuyệt hảo là đức ái” (Cl 3,14), để tất cả đồng lòng, đồng trí vì thiện ích của toàn thể nhiệm thể như công đoàn tín hữu tiên khởi mà chúng ta được nghe trong bài đọc thứ nhất.
Lòng thương xót của Chúa cũng làm sáng tỏ dung mạo của Hội thánh, của từng người chúng ta, những người được mời gọi “nhân từ như Chúa Cha’. Lòng thương xót của Thiên Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, phát sinh bình an chân chính trên thế giới, bình an giữa các dân tộc, văn hoá, tôn giáo. Chúng ta được mời gọi để trở nên những con cái của Đấng biết xót thương, có khả năng trao ban cho người khác tình yêu dịu dàng, gần gủi của Thiên Chúa, nhất là trong thế giới dửng dưng, thờ ơ hôm nay.
Lạy Trái tim nhân lành Chúa Giêsu, xin uốn nắn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.
Lm. Hoa Thập Tự