Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật V PS, Năm B: Ở Lại Với Chúa Và Với Tha Nhân

Fri,26/04/2024
Lượt xem: 234

Ở LẠI VỚI CHÚA VÀ VỚI THA NHÂN

ĐỂ TÍCH CỰC THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI HÔM NAY

(Suy niệm Chúa nhật V Phục Sinh)

Ở LẠI VỚI ĐỨC KI-TÔ

Hôm nay, chúng ta bắt gặp một hình ảnh thật gần gũi và thân thương. Đó là hình ảnh giữa cành nho với thân nho. Đức Giê-su sử dụng hình ảnh này để diễn tả hình ảnh giữa Giáo hội với Đức Giê-su, và nhất là giữa Ki-tô hữu với Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, là Ki-tô hữu, chúng ta được nhắc nhở rằng sức mạnh của ta là ở nơi Chúa; nguồn sống của ta là ở nơi Chúa. Sở hữu được Chúa và gặp gỡ được Chúa là kết quả để chúng ta có sự sống, có bình an và hạnh phúc. Chúa mời gọi chúng ta muốn sinh hoa kết quả trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải ở lại và gắn kết với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho. Sự thành bại trong đời sống thiêng liêng cũng như trong đời sống thường ngày của chúng ta tuỳ thuộc vào sự ở lại với Chúa, với Đức Giê-su Ki-tô. Cũng như bóng đèn sẽ chiếu sáng cho mọi người trong đêm tối chỉ khi bóng đèn đó nối kết với nguồn điện. Có nguồn điện mới có ánh sáng. Tự mình chiếc bóng chẳng là gì cả và sẽ trở thành vật vô dụng nếu thiếu sự cộng tác vào nguồn điện. Cũng vậy, ‘cành đời’ của người Ki-tô hữu sẽ khô héo, sẽ bất an, sẽ chán chường, sẽ thất vọng, sẽ khổ đau, sẽ mất phương hướng, mất đi sự sống đời đời nếu thiếu gắn kết, ở lại với Thiên Chúa, cụ thể là với Đức Giê-su Ki-tô. Từ mạch sống là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, người Ki-tô hữu chúng ta sẽ trở nên một với Đức Ki-tô, nếu chúng ta chuyên chăm tham dự thánh lễ và cũng như năng lãnh nhận các bí tích khác.

 

Hơn nữa, việc sinh hoa kết trái trong cuộc sống của Ki-tô hữu chúng ta tuỳ thuộc vào việc kết nối với Đức Giê-su Ki-tô, ngang qua việc đón nhận liên lỉ Lời Ngài và Mình Máu Thánh Ngài. Tại sao chúng ta phải ở lại với Thiên Chúa, với Đức Giê-su Ki-tô? Thưa, Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thánh thiện, mọi sự bình an và hạnh phúc, là nguồn ban sự sống cho con người, cho nên để con người có được sức mạnh, có được bình an, có được sự sống thì con người cần ở lại và gặp gỡ Ngài và hiệp thông với Ngài trong từng giây phút của cuộc đời. Chúng ta cần ở lại với Thiên Chúa, với Đức Giê-su Ki-tô, vì nếu không có Ngài chúng ta không làm được điều gì. Vì có Ngài chúng ta sẽ có tất cả, mất Ngài chúng ta sẽ mất tất cả. Vì ngoài Ngài, chúng ta không có ai nương tựa. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta đã quên mất điều này và thường tìm nương tựa vào của cải vật chất, các đam mê xấu xa và tham sân si, những thứ chỉ chóng qua và mang lại sự đau khổ cũng như sự chết. Do đó, chúng ta hãy tìm nương tựa nơi Chúa vì chính Ngài mới cho chúng ta hạnh phúc và bình an. Tựa nép vào Chúa, ‘cành đời’ chúng ta sẽ dễ dàng sinh hoa quả của yêu thương, của tha thứ, của hy sinh, phục vụ, của dấn thân và nối kết. Chúng ta ở lại với Chúa thì sẽ có Chúa ở lại với chúng ta. Tuy nhiên, điều kiện để Chúa ở lại với chúng ta, là chúng ta phải tin vào Ngài và ở lại với tha nhân. Vì thế, chúng ta phải:

Ở LẠI VỚI THA NHÂN

Nội dung Bài đọc IBài đọc II sẽ chỉ dẫn cho chúng ta cách thức ở lại với tha nhân như thế nào? Quả thật, nơi Bài đọc I, trong cộng đoàn tiên khởi dường như có sự xung khắc và bất bình giữa các Tông Đồ với ông Phaolô, nhưng qua việc bảo đảm của Ông Baraba, các Tông Đồ đã đón nhận và nối kết với Ông Phaolô để cùng nhau tham gia vào công vụ loan báo Tin mừng. Nhờ sự nối kết, hiệp nhất trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến, các Tông Đồ lúc bấy giờ dễ dàng nỗ lực tham gia vào đời sống Giáo hội cách tích cực và nhiệt thành. Do sự đồng tâm nhất trí, đồng lòng với nhau, các Tông Đồ đã làm cho Giáo hội ngày càng phát triển lớn mạnh: Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” (Cv 9, 31). Thật vậy, nhờ sự ở lại với Chúa mà các Tông Đồ đã sẵn sàng ở lại với nhau để cùng nhau truyền rao Tin mừng và giới thiệu Chúa cho mọi người trong mọi nơi và mọi lúc dù có khó khăn thử thách.

Nơi bài đọc II, Thánh Gioan Tông Đồ chỉ dẫn cho mọi người cách thức ở lại với nhau. Thánh nhân nói: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3, 18). Quả thật, ở lại với Chúa sẽ buộc mọi người nên một và ở lại trong nhau. Theo thánh nhân, việc ở lại với tha nhân tức là phải thể hiện mối dây yêu thương và nối kết. Việc này phải bằng việc làm và hành động cụ thể thay vì cứ nói trên môi trên miệng. Ở lại với Chúa ắt phải ở lại với tha nhân. Mến Chúa phải đi đôi với việc yêu người. Tin vào Chúa và ở lại với Chúa thì phải yêu thương anh chị em đồng loại. Vì ‘yêu thương là chu toàn lề luật’. (x. Rm 13,10). Đức Ái là “mối giây liên kết tuyệt hảo” (x. Cl 3, 14). Quả thật, chúng ta nói yêu Chúa, nói hiệp hành với Chúa, nói hiện diện với Chúa, nói ở lại với Chúa mà ghét anh chị em mình thì chúng ta quả thật là kẻ nói xạo, nói dối. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã minh định:Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Vì thế, là Ki-tô hữu, một khi chúng ta đã kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô và với Thân Hình Mầu Nhiệm của Đúc Ki-tô, tức là Hội Thánh, chúng ta được mời gọi sống xứng đáng là Ki-tô hữu chính danh thay vì “hữu danh vô thực”, nghĩa là chúng ta phải sinh hoa kết trái yêu thương, bác ái, hy sinh và nối kết trong gia đình hoàn vũ, trong gia đình Giáo hội, gia đình Giáo xứ, gia đình làng xóm và gia đình chính mình. Chúng ta đừng trở thành những “Ki-tô hữu vô thần” – “Ki-tô hữu trong sổ Rửa tội”, mà hãy luôn ý thức rằng Ki-tô hữu là thuộc về Chúa Ki-tô, lắng nghe Lời Chúa Ki-tô, là sống như Chúa Ki-tô và để Chúa Ki-tô sống trong ta. Nhờ vậy, đời sống chúng ta sẽ toát lên hình ảnh Giê-su yêu thương và hiệp nhất; tha thứ và nối kết; dấn thân và phục vụ. Thật vậy, không thể hiệp thông với Chúa mà lại không hiệp thông với tha nhân. Không thể ở lại với Chúa mà lại loại trừ và bỏ rơi anh chị em mình.

Như vậy, đâu là cách thức cụ thể để Ki-tô hữu chúng ta tham gia vào đời sống Giáo hội hôm nay?

Vì nhờ việc ở lại với Chúa và Chúa ở lại với chúng ta, chúng ta có đủ sức mạnh để ở lại với nhau. Cũng nhờ Chúa ở lại và ở lại với Chúa, chúng ta sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của Giáo hội, của Giáo xứ: bao gồm những người phục vụ trong vai trò là Hội đồng mục vụ, là giáo lý viên, là ca viên ca đoàn, là những thành viên trong các hội đoàn của Giáo xứ. Hơn nữa, nhờ việc ở lại với Chúa là kết quả thúc đẩy mọi Ki-tô hữu tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, truyền giáo và thăm viếng cô nhi quả phụ, già cả neo đơn, ốm đau bệnh tật, những hoàn cảnh khó khăn và nghèo đói dù họ là ai, dù họ là công giáo hay lương dân. Ngoài ra, nhờ việc ở lại với Chúa, mọi Ki-tô hữu được mời gọi sống đoàn kết, hiệp nhất, hiệp thông với nhau để xây dựng đời sống Giáo hội, giáo xứ, giáo họ nơi mà mình được sinh ra và lớn lên. Quả thật, đã là Ki-tô hữu, đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi chúng ta không thể không nối kết với Đức Ki-tô, không thể không nối kết với nhau và không thể không tham gia vào đời sống Giáo hội trong mọi nơi và mọi lúc.

Ước gì mỗi chúng ta biết năng tìm gặp Chúa, ở lại với Ngài để qua Lời Ngài và Mình Máu Ngài, chúng ta có sức mạnh để ở lại với nhau và cùng nhau thúc đẩy tham gia vào đời sống Giáo hội cách nhiệt thành và ý nghĩa. Amen.

Ước gì được như thế!

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin: