Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 30 TN A: Tình Yêu: Thương Người - Mến Chúa

Sat,28/10/2023
Lượt xem: 763

CHÚA NHẬT 30 TN A

(Xh 22,20-26; Tv 17; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)

Tình yêu: thương người - mến Chúa

Trả lời cho những kẻ chất vấn để gài bẩy mình về điều răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã khéo léo tóm lược tất cả Sách Luật và Ngôn sứ vào hai điều chính yếu, gắn kết thương người (Lv 19,18) và mến Chúa (Đnl 6,5), làm cho cả hai đều trọng yếu và không thể tách rời. Mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và yếu người như chính mình” là sống tình yêu với trọn con người, với cả cuộc hiện sinh. Trình thuật này, chúng ta bắt gặp ở cả ba tác giả Nhất lãm (x. Mt 22,34-40; Mc 12,18-34; Lc 10,25-28), và nhiều khi chúng ta có cảm tưởng như nhàm bởi quá quen như chúng ta vẫn thường đọc: “Mười điều răn này tóm về hai điều mà chớ, trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau nữa yêu người như chính mình ta vậy. Amen”, và thế là hết, là đã yêu thương. Nhưng trong thục tế không phải vậy, chúng ta vẫn chưa yêu trọn con tim với Chúa và tha nhân. Nói cách khác, giới luật trọng nhất một lần nữa nhắc chúng ta về việc mình đã sống “Điều răn mới” thế nào? Xin gợi lên 3 điểm để cùng suy niệm qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay:

1.  Thương người – thước đo tình mến Chúa

Một tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối với Thiên Chúa – “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”- là khát vọng, là ưu tiên! Đó là tình yêu vượt trên mọi thứ, bởi vì Deus semper major, vì Người là Hóa Công, là Tình Yêu tuyệt hảo, Người là Sức mạnh, là Núi đá, là Đấng cứu thoát. Tuy nhiên, tình yêu đối với Thiên Chúa không chỉ là một đòi hỏi, một khát vọng được diễn tả trong các lễ nghi phụng vụ tôn thờ dành riêng cho một mình Người, song được định lượng bằng tình mến đối với con người – hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26; Mt 25,31-46). Bởi thế, Chúa Giêsu xếp giới luật yêu người thân cận vào điều răn trọng nhất – mến Chúa. Trong Tin mừng thứ tư, Chúa Giêsu gọi đó là Giới răn mới – luật yêu thương, phục vụ hiến mạng cho bạn hữu, cho người mình yêu (x. Ga 13,24; 15,13). Trong diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu khẳng định tình mến đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo, khổ đau, bệnh tật, là tiêu chí cho việc xét xử, là thước đo tình mến đối với Chúa Giêsu: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Là họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu, yêu người là sự thật cho tình mến đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ minh định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy… Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”, và ai yêu nghĩa là biết Thiên Chúa: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7.20).

Trong bài huấn dụ Yết kiến chung ngày 21.10.2020, Đức Phanxicô dạy: “Nếu bạn đọc nhiều kinh Mân Côi mỗi ngày nhưng lại nói xấu người khác, lại mang lòng giận dữ, thù ghét người khác, thì đó là giả dối, không phải là chân lý”. Và Ngài thêm: “Tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi xa lánh tha nhân và tôi cho phép mình thù ghét người khác. Đó là vô thần thực hành. Không nhận ra con người là hình ảnh Thiên Chúa, đó là một sự phạm thánh, một sự ô uế, một hành vi xúc phạm tồi tệ nhất mà người ta có thể làm đối với đền thờ và bàn thờ”.

Là kitô hữu, người thánh hiến, chúng ta đã diễn tả tình yêu Chúa đối với tha nhân thế nào?

2.  Thương người – cách vô biên cương

Yêu người – thước đo tình mến với Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta thường “chọn bạn mà chơi” và “chỉ yêu người ta thích, có lợi cho ta”. Giới luật yêu thương không cho phép giới hạn người thân cận, vì tất cả đều là anh em, con cái của Chúa, “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Người thân cận không chỉ là người bà con, lối xóm, bằng hữu của ta, mà là bất cứ ai, thậm chí cả kẻ thù của chúng ta. Bài đọc thứ nhất, tác giả Sách Xuất hành đề cập tới những chỉ dẫn để sống tình mến, sự liên đới đối với những ngoại kiều, những người không thuộc Israel và đặc biệt đối với những người nghèo khổ, rằng: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi, áp bức… Mẹ góa con côi, ngươi không được ức hiếp…”; không hành xử với người vay mượn như chủ với con nợ, nhưng như với anh em; phải hoàn lại áo choàng cho người cầm cố khi màn đêm buông xuống.

Luca khi nói về giới răn trọng nhất, đã quảng diễn giới luật yêu người bằng dụ ngôn người Samaritano nhân nhậu để cho thấy ai là người thân cận của chúng ta. Khi chúng ta biểu tỏ tình mến đối với nhau, với người cần đến chúng ta, chúng ta trở nên người thân cận của họ và họ là người thân cận của chúng ta.

Trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Phanxicô dành chương 2 để nói về “tấm gương của người Samaritano nhân hậu là tình yêu bắc cầu”. Trước nhiều bóng tối của thế giới hôm nay, người Samaritano nhân hậu là một tấm gương sáng ngời, đem lại niềm hy vọng, trong đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với khổ đau và hoàn toàn “mù tịt” với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương (n. 64-65), tất cả chúng ta được mời gọi – như người Samaritano nhân hậu – trở thành người thân cận với tha nhân (n. 81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (n. 77). Đức Thánh Cha khẳng định: “Tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho tình yêu” (n. 88), ngài khuyến khích cách đặc biệt các tín hữu nhận ra Đức Kitô nơi nhưng ai bị loại trừ (n. 85). Nguyên lý về khả năng yêu thương ở “mức độ phổ quát” (n. 83) mà chúng ta được mời gọi “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện hữu” (n. 88), học nơi tha nhân năng động bác ái hầu giúp chúng ta hướng đến “sự hiệp thông phổ quát” (n. 95). Rằng đời sống con người được định nghĩa bởi tình yêu là điều “luôn ở vị trí đầu tiên” và giúp chúng ta nỗ lực hơn vì lợi ích của tha nhân, giúp ta tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ích kỷ (n. 92-93). Ai là người thân cận của tôi lúc này?

3. Thương người – nhập thể tình yêu thương xót

Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37). Làm gì vậy? – nhập thể tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho người thân cận: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36; x. Mt, 5,48). Bởi vậy, yêu người một cách vô vị lợi vượt trên bổn phận/giới luật, là cách thế diễn tả chân tính của con cái Chúa – nhập thể lòng thương xót của Chúa Cha. 

Thương người, nhất là những người cùng khổ, người cần tới sự giúp đỡ của chúng ta là cách biểu lộ tình yêu thương xót của Chúa. Giống như người Samariatano nhân hậu nhận ra người bị hạibiết chạnh thương. Chỉ khi biết chạnh thương, người ta mới giám “lại gần”, “cúi xuống”, “lấy dầu”, “lấy rượuđể sơ cứu và “băng bó thương tích cho nạn nhân; chỉ khi biết cảm thương, người ta mới có khả năng chuyên chở tha nhân đi theo mình, chứ không rẽ lối bước đi. Để có thể nhận ra người anh em, người thân cận, không thể bằng thái độ dựng dưng, cũng không chỉ cho họ vài đồng tiền, nhưng phải bằng nghĩa cử của lòng thương xót. Khi giám cúi xuống, giám chạnh lòng thương người khác, tôi đã tìm gặp chính mình, tìm được người anh em của tôi, và như thế tôi đã phản chiếu khuôn mặt từ ái của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, khuôn mặt nhân loại của Tình yêu thương xót đã trở nên bạn, người thân cận của mỗi một chúng ta, trở nên người Samaritano đích thực của mỗi chúng ta. Người cúi xuống bên con người, trong thân phận con người ôm lấy thương tích tật nguyền của con người để nâng chúng ta lên: Đức Giêsu đã nhận ra khuôn mặt của người mù bên vệ đường trong sự thờ ơ của kẻ khác (x. Mc 11,46-52); Người nhận ra sức nặng đang kéo lê con người “dở sống dở chết” bởi bệnh tật và tội lỗi (x. Lc 14,1-6); Người đã trở nên bạn đồng hành với những kẻ bộ hành trên lô trình chiều tím Emmaus (x. Lc 24,13-35); Người đã trở nên người thân cận với khi dùng bữa với người thu thuế và tội lỗi (x. Lc 5,30), thân mật với họ (x. Lc 7,36; 11,37; 14,1); Người đã xử sự nhân từ với các tội nhân (x. Mt 9,13), đồng bàn với họ và mời gọi họ vào Nước của Người (x. Lc 15,1-2;23-24).

Trong những ngày qua, chiến sự diễn ra ác liệt ở dải Gaza giữa Israel và Palestin. Những trận mưa bom làm tư thương nhiều người, phá hủy nhiều cơ sở vật chất. Đức Phanxicô mời gọi thế giới tìm kiếm giải pháp hòa bình, vì chỉ có tình yêu, mới có thể chấm dứt mọi hận thù. Ngài mời gọi chúng ta thực hành chay tịnh, cầu nguyện cho những người khốn cùng và những ai có trách nhiệm, biết kiến tạo hòa bình. Chúng ta, những môn đệ của Đấng Chạnh Lòng Thương cùng âu sầu và lo lắng với họ qua kinh nguyện, qua việc quyên góp những hy sinh để sẻ chia tình thương mến với những người khổ đau, tật bệnh... Chúng ta luôn được mời gọi hãy là người thân cận, người có khả năng chạnh thương với người đang gần tôi nhất trong trong phong cách sống, phong cách hành động và phong cách hiện diện của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết Chạnh thương nhờ việc cảm biết tình thương mà Chúa thi thố nơi mỗi chúng con. Xin giúp chúng con được bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng đức ái, khám phá chiều Cao của tình mến Chúa, chiều sâu của cõi lòng và chiều rộng của tình đệ huynh. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin: