Mùi Chiên

Fri,04/08/2023
Lượt xem: 589

 Có lẽ không ai trong chúng ta xa lạ gì với hai từ “Mùi chiên” cả vì hiện nay cụm từ đó đã được nhắc đến nhiều, thông qua các bài giảng, bài báo, bài chia sẻ, bài suy tư hay suy niệm. Thực ra cách nói “Mục tử mang mùi chiên” đã xuất phát từ hơn 10 năm nay qua bài giảng của Đức Thánh cha Phan-xi-cô. Chúng ta biết rằng, ngày thứ Năm Tuần Thánh 28-3-2013, tại Đền thờ Thánh Phê-rô, Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã cử hành Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30 sáng. Trong buổi lễ này, ngài đã nói với các linh mục: Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình. Đức Thánh Cha đã gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng, đó là mục tử phải có mùi của chiên. Người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt mục tử. Linh mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải như vậy. [1]

Thực vậy, linh mục là vị mục tử được sai đến với cộng đoàn dân Chúa phải “thấm mùi chiên” thì mới chứng tỏ ngài quan tâm chăm sóc chiên của mình, chấp nhận đồng hành và sống chết với họ. Mục tử càng gần gũi với chiên, thì ngài càng hiểu chiên, càng thông cảm và yêu mến chiên. Ngài không biến chức vụ, quyền hành của mình thành rào cản để xa dân Chúa, trái lại ngài sẽ luôn là điểm hấp dẫn mọi người đến với mình để chia sẻ với họ những gì họ đang thiếu, đang khát khao, đang mong đợi.

Lời của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en còn đây: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34, 14-16)

Ngoài ra, khi mở rộng tầm nhìn ra khỏi đời sống của cộng đoàn, người ta cũng có thể khám phá và cảm nhận được mùi-chiên giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, mùi-chiên giữa hai vợ chồng trong đời sống hôn nhân. Bởi xét cho cùng, vai trò và nhiệm vụ của cha mẹ đối với con cái trong gia đình không khác gì một mục tử giữa đoàn chiên và mối tương quan mật thiết giữa đôi bạn đời cũng phản ánh được sự gắn bó sâu đậm giữa người chăn chiên và con chiên thuộc về mình.

Từ những ý tưởng trên, chúng ta sẽ bàn về ba phạm vi mà khái niệm mùi chiên có liên quan. Đó là:

1- Mùi chiên và mục tử trong cộng đoàn;

2- Mùi chiên và cha mẹ trong gia đình;

3- Mùi chiên và vợ chồng trong hôn nhân.     

1.- MÙI CHIÊN VÀ MỤC TỬ TRONG CỘNG ĐOÀN XỨ ĐẠO

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là làm sao để biết các mục tử mang nặng mùi của các con chiên của mình, như kỳ vọng của Đức Thánh cha Phan-xi-cô. Dựa theo Lời Chúa, thì có thể thấy ngay được chân dung đích thực của một mục tử như lòng Chúa mong ước. LM Giu-se Nguyễn Hữu An, trong bài “Mục tử phải mang lấy mùi chiên” đã viết như sau:

Ơn gọi linh mục chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi” (Mc 3, 14). Linh đạo linh mục chính là nên thánh trong công việc mục vụ hàng ngày. Xin cầu nguyện cho các linh mục luôn có mùi chiên với những đức tính tốt mà Thánh Kinh đã mô tả:  

- Yêu thương chiên với cả tâm hồn: “Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” ( Is 40, 11)

- Yêu quý từng con chiên: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.” (Mt 18, 12-13)

- Lo cho chiên: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ.” (Ed 34, 14)

- Lo cho chiên được sống hạnh phúc: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (23, 4)

- Có tinh thần trách nhiệm cao đối với đàn chiên: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng.” (Ed 34, 16) [2]

Để khắc họa chân dung vị mục tử của thời đại ngày nay, người ta thường nhắc đến con người, cuộc sống và tâm tư của Đức Thánh cha Phan-xi-cô như là một mẫu gương mục tử điển hình và sống động nhất. Ta có thể liệt kê ra mấy phẩm chất đặc biệt nơi con người của vị Cha Chung của Hội thánh Công giáo hiện nay. Đó là: [3]

- Sống khó nghèo và sống cho người nghèo: Sau khi được bầu, Đức Thánh cha đã chọn danh hiệu là thánh Phanxicô Assidi, và ngài giải thích: “Vì tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo”.

- Mục tử nhân lành và chứng nhân lòng thương xót: Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã từng khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngay từ những tháng đầu tiên, ngài đã diễn tả sứ vụ của mình: “Tôi thấy rõ rằng điều mà Giáo hội cần nhất lúc này là khả năng chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, sự gần gũi, sự thân thiện. Giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến sau một cuộc chiến… Chúng ta phải chữa những vết thương đã, sau đó mới trao đổi về những gì còn lại…”

- Quyền hành là phục vụ: “Quyền hành đích thực là phục vụ, như Chúa Giêsu đã phục vụ. Người vĩ đại nhất là người phục vụ nhiều nhất”

- Chân thành và giản dị: Điều giúp Đức Thánh cha Phan-xi-cô gần gũi với đại chúng là sự chân thành, nhất là khi ngài đề cập cả đến những thiếu sót của Giáo hoàng: “Ngay cả giáo hoàng cũng đi xưng tội 2 tuần 1 lần, vì giáo hoàng cũng là một tội nhân…”

- Sống gần gũi thân tình và liên đới với mọi người: Đức Thánh cha Phan-xi-cô luôn tìm cách gặp gỡ con người, đụng chạm đến người ta và để người ta đụng chạm đến mình. Việc tiếp xúc về thể lý là một phần trong cung cách giao tiếp của ngài. Ngài không muốn trở thành bức tượng. Các tín hữu đều có thể ôm ngài, như trường hợp anh quân nhân người Ý sau trận chiến Afganistan trở về đã ở bên ngài thật lâu. Trong mọi cuộc lễ, Đức Phan-xi-cô không đặt khoảng cách với các tín hữu, không giữ khoảng cách nghi lễ. Ngài đón tiếp họ, lôi kéo họ, đụng chạm tới họ. Ngài nói chuyện, lắng nghe và nhìn vào mắt các tín hữu. Trời mưa, ngài vẫn để đầu trần như đám đông khách hành hương. (Hết trích)

Trên đây là một thoáng chân dung mục tử nổi bật nơi Đức Thánh cha Phan-xi-cô. Chân dung ấy người ta có thể chiêm ngưỡng, khám phá và đụng chạm đến một cách dễ dàng, như lời Đức Hồng y Tauran đã nhận xét: “Người ta đến Rôma để xem Đức Gioan Phaolô II, để nghe Đức Bênêdictô XVI, và để đụng chạm đến Đức Phanxicô”.

Về phần các linh mục mà tín hữu tiếp xúc, các linh mục sống giữa chúng ta, các linh mục có trách nhiệm “chăm sóc” chúng ta...liệu các ngài đã phản ánh dung mạo Mục Tử Giê-su hiền lành và khiêm nhường như thế nào, liệu các ngài có thấm đẫm mùi chiên như Đức Phan-xi-cô mong đợi (và chính ngài đã làm gương), liệu các ngài có phải là những vị mục tử như lòng Chúa mong ước và cộng đoàn mong đợi?... Sau đây là mấy suy nghĩ từ phía tín hữu giáo dân khi nói về vấn đề làm sao nhận biết mục tử thấm mùi chiên. Đó là: Mục tử có tấm lòng yêu mến dạt dào, mục tử có cuộc sống hy sinh trổi vượt và mục tử có cuộc đời dấn thân thực sự.

1.1. Mục tử thấm mùi chiên vì lòng mến

Yêu mến Chúa, yêu mến nhau, yêu mến tha nhân luôn là lệnh truyền tối thượng của Chúa đối với tất cả mọi Ki-tô hữu, và đặc biệt là đối với mục tử được Chúa sai đến với cộng đoàn, vì nếu thiếu đức ái mục tử thì người môn đệ của Chúa không thể chu toàn một cách trọn vẹn trách nhiệm chăm sóc và hướng dẫn chiên của Chúa được.

Trong bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho linh mục nhân dịp ngày năm thánh Lòng Thương Xót dành cho các linh mục ngày thứ sáu 3-6-2016, Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã giúp các linh mục chiêm ngắm trái tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô.

Ngài đã chia sẻ như sau: “Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta đối diện với một câu hỏi căn bản về đời sống linh mục của chúng ta: Con tim của tôi hướng về đâu? Sứ vụ của chúng ta thường đầy những hoạch định và những công việc khác nhau: từ việc giảng dạy cho đến việc phụng vụ, các công việc bác ái, những dấn thân mục vụ và cả những công việc hành chánh nữa. Giữa vô số những hoạt động ấy, chúng ta vẫn luôn phải chất vấn bản thân mình: con tim của tôi gắn chặt vào đâu, con tim của tôi đang hướng về đâu, và đâu là kho tàng mà tôi đang tìm kiếm? Vì Chúa Giêsu đã nói: ‘Kho tàng của anh ở đâu, thì tâm hồn anh ở đó’ (Mt 5,21).

Cũng trong bài giảng này, ngài đã lưu ý các linh mục: “Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì chúng và không ai là người xa lạ với Ngài (Ga 10,11-14). Đàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là những ông chủ để rồi đàn chiên phải khiếp sợ, nhưng Ngài là Mục Tử đồng hành với đàn chiên và gọi đích danh từng con (Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp những chiên còn chưa trở về chuồng của Ngài (Ga 10,16). Đối với các linh mục của Chúa Kitô cũng vậy. Linh mục được xức dầu để phục vụ dân Thiên Chúa, chứ không phải được chọn để làm theo ý riêng của mình, nhưng là gần gũi với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của các mục tử, cũng không ai bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của các linh mục. Với cái nhìn đầy yêu thương và với trái tim của người cha, các linh mục đón nhận, hòa nhập và những khi cần phải sửa dạy ai đó, các linh mục phải gần gũi với con chiên của mình hơn. Họ không bao giờ được phép khinh thường một ai, nhưng phải sẵn sàng để bị ‘vấy bẩn’ đôi bàn tay của mình.

Trong bài viết tựa “Linh mục với giáo dân”, LM Giu-se Tạ Xuân Hòa, thuộc TGP Hà-Nội đã mạnh dạn chia sẻ: “... Tôi thấy Linh mục chúng tôi nhiều khi thi hành các bổn phận thiêng liêng nhưng lại không có đời sống nội tâm tương xứng. Chúng tôi làm các việc như một cỗ máy vô hồn. Đôi lúc, chúng tôi giống như một công chức làm việc hành chính. Chúng tôi chất lên vai anh em gánh nặng về tiền bạc bởi những công trình xây dựng tốn phí. Chúng tôi tra tấn anh chị em giáo dân bằng những lời không xứng với linh mục trong các bài giảng. Chúng tôi hành xử làm khó dễ anh chị em trong các bí tích nhất là bí tích hôn phối. Tóm lại là chúng tôi không mang lại niềm vui cho anh chị em. Chúng tôi chưa thực sự thương anh chị em giáo dân của mình. Tôi vẫn còn nhớ như in lời của một cha giáo lớn tuổi trong chủng viện. Mỗi lần gặp gỡ chúng tôi bao giờ ngài cũng nói: khi nào các ông ra trường, các ông nhớ thương giáo dân nhé.[4]

1.2. Mục tử thấm mùi chiên vì đức hy sinh

Linh mục Antoine Chevrier đã nói một câu đầy ý nghĩa như sau: “Linh mục là người bị ăn”. Điều đó có nghĩa là thân phận của người mục tử là thân phận của người đầy tớ “bị ăn”, phải sống cuộc đời tận hiến hy sinh đến cùng.

Chúng ta biết rằng, các mục tử của Chúa được sai đi bất kỳ đâu, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ con người như lời Đức Ki-tô đã nói trong Mc 10, 45. Linh mục là người của muôn người, được sai đi, sai đến để làm “đầy tớ” thiên hạ. Nói linh mục là “đầy tớ” vì các ngài không được tuyển chọn để làm quan trong thiên hạ, mà làm kẻ phục vụ người khác. Càng phục vụ tích cực, càng phải hy sinh hết mình. Càng lo cho người khác, càng chết cho chính mình. Càng yêu mến quan tâm người khác, trái tim càng đau khổ dày vò. Khi con người của linh mục bị vắt cạn sức lực, đó là lúc Đức Ki-tô Mục Tử lớn lên trong các ngài và tỏa lan sức nóng ấm áp trong cộng đoàn. Đó cũng là lúc hạt giống chun vùi trong lòng đất sinh hoa kết trái, “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Ga 12, 24).

Có lẽ không gì hùng hồn và thuyết phục bằng việc đơn cử mẫu gương mục tử sáng ngời của cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars. Ngài nổi tiếng là một linh mục rất nhiệt tình trong việc rao giảng và giải tội. Hai thánh vụ này đã làm hao tốn biết bao sức lực của một người tông đồ nhiệt thành và một đầy tớ chuyên chăm của giáo dân.

Chẳng hạn về việc giải tội, cha sở họ Ars là một linh mục nổi tiếng trong việc siêng năng giải tội. Có thể nói tội nhân đã chiếm đoạt tất cả tâm tư, lời cầu nguyện, hãm mình và mọi hành động của ngài. Cha thường ngồi tòa 15 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 1 hay 2 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm khuya…Người ta nối nhau để chờ xưng tội. Có thể nói là cha ngồi tòa liên tục, bởi vì giáo dân xứ Ars xưng tội thường xuyên, lại có các khách hành hương từ các nơi xa kéo đến, có khi lên tới 80.000 người hằng năm. Cha giải tội cả lúc đêm về, bất cứ lúc nào cha cũng sốt sắng với việc giải tội khi có người xin vào những lúc bất thường. Trước ngày qua đời 5 hôm, người ta còn thấy các tội nhân chen chúc bên giường bệnh của cha để lãnh nhận ơn tha thứ. Cha còn được ơn thấu suốt tâm tư và tâm hồn của người khác và ngài biết khôn ngoan đưa dẫn họ vào việc xưng tội, cả khi họ không có ý đi xưng tội khi gặp ngài. Đặc biệt cha còn làm việc đền tội với tội nhân. Cha nói: “Tôi ra cho họ việc đền tội nhẹ nhàng và tôi làm thay cho họ việc đền tội còn lại”....

Một linh mục sống và làm việc như thế thì hiển nhiên là người-bị-ăn đích thực rồi. Chính giáo dân vừa yêu mến ngài lại vừa “hành hạ” ngài. Nhưng nét đẹp diệu vợi và thánh thiêng của vị mục tử là ở chỗ đó. Mọi giáo dân đều có chung một ý nghĩ này là chỉ nguyên sự hiện diện thường xuyên tích cực và sống động của linh mục giữa họ thôi cũng đủ đem lại bình an và niềm vui cho cộng đoàn rồi.

 Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi trái ngược, có nhiều nơi được gặp linh mục đã là khó, được ngồi nói chuyện giãi bày tâm sự với các ngài còn khó hơn, và được ngài lắng nghe, chỉ bảo, tâm sự còn khó hơn gấp nhiều lần...Một mục tử ngại khó, ưa thích sự an nhàn, thụ động trong công việc mục vụ thì khó lòng có thể mang mùi chiên như lòng mong đợi của Dân Chúa.

LM Giu-se Nguyễn Hữu An, cũng trong bài viết đã dẫn “Mục tử phải mang lấy mùi chiên” đã kể đến một gương “vị mục tử mang mùi chiên” như sau: “Linh mục Giu-se Nguyễn Công Hoàng, quản xứ Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa (Gp Phan Thiết), sống gắn bó với đoàn chiên. Ngài siêng năng thăm viếng giáo dân, hay ghé thăm những gia đình lương dân, thường thăm cha mẹ của các tân tòng. Ngài cũng giúp đỡ người nghèo, hay đến thăm các bệnh nhân và người già cả. Gần gũi chơi thể thao hàng ngày với giới trẻ, ca hát sinh hoạt với thiếu nhi, vui tươi và hiền hòa với mọi người, một linh mục trẻ dễ mến dễ thương…Từ ngày ngài về nhận xứ, số giáo dân là 1.100. Sau 5 năm số giáo dân tăng lên là 1.544. Tăng 441 giáo dân, một con số thật lý tưởng cho một vùng truyền giáo và tái truyền giáo giữa địa bàn dân cư lương dân và anh chị em Tin lành tại Căn cứ 6. Linh mục trẻ mới năm năm chịu chức, mang mùi của chiên, trở thành gương sáng trong sứ vụ mục tử.

1.3. Mục tử thấm mùi chiên vì dấn thân loan báo Tin Mừng

Chúng ta vẫn nghe nói, linh mục không phải là một nghề, cũng không phải là sự chọn lựa theo sở thích cá nhân, mà đó là một ơn gọi để thi hành lệnh truyền của Chúa, đó là một sứ mệnh phải thi hành theo thánh ý Chúa, đó cũng là một sự dấn thân lên đường ra đi loan báo Tin Mừng.

Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS, trong cuốn “Linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước”, khi bàn về linh mục giáo phận hăng say truyền giáo, đã viết như sau: “Công đồng Vatican II, đặc biệt qua Sắc lệnh Ad Gentes, giúp Giáo hội tái khám phá căn tính truyền giáo của mình. Truyền giáo là bản chất, là lẽ sống, là lý do tồn tại và là mục đích của Giáo hội. Do lãnh nhận lệnh truyền của Chúa Giê-su, linh mục là nhà truyền giáo tự bản chất và phải luôn hăng say truyền giáo. Nếu không truyền giáo, linh mục sẽ không còn là linh mục nữa và đánh mất căn tính của mình, như thánh Phao-lô quả quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng là một sự cần thiết phải làm. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cr 9,16).” [5]

Như vậy, nếu khẳng định truyền giáo là căn tính của ơn gọi và sứ vụ linh mục thì đời sống của các ngài là một dấn thân liên lỉ và dứt khoát. Các ngài vẫn thường được nhắc nhở rằng các ngài được sai đến cộng đoàn là để thực thi mệnh lệnh truyền giáo hơn là để xây nhà thờ, nhà xứ, xây trung tâm này nọ, hay để tổ chức các đoàn thể vv... Có thể nói linh mục là nhà truyền giáo chuyên trách không ai có thể thay thế được. Vì lý do đó mà ngài tự nguyện chấp một cuộc đời bấp bênh, đầy lo âu và thử thách. “Con chim có tổ, con cáo có hang, còn Con Người không có gối tựa đầu”... Đó là hình ảnh nổi bật nhất của cuộc đời dấn thân vì Tin Mừng và vì phần rỗi các linh hồn.  

Đức Thánh cha Phan-xi-cô rất quan tâm đến công cuộc truyền giáo, đặc biệt là đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của các mục tử. Ngài đã từng nói:

Cha muốn mọi người ra đi. Cha muốn Giáo hội ra ngoài đường phố…Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín vào chính mình…

Cha muốn một Hội thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội thánh xinh đẹp khi biết ra đi.

Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng.

Trong thư Mục vụ năm 2014 chủ đề “Tân Phúc Âm hoá đời sống các giáo xứ và đời sống thánh hiến”, Hội đồng Giám mục VN đã khẳng định: Chúng tôi xác tín rằng việc Phúc-Âm-hóa giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục. Chúng tôi cảm ơn anh em đã tận tụy và trung kiên với công việc phục vụ cộng đoàn được trao phó cho anh em. Tuy nhiên chúng ta không được quyền tự mãn với những gì đã làm, nhưng phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục. Vì thế, xin anh em nghe lại lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và hãy xem đó như kim chỉ nam cho tác vụ linh mục tại giáo xứ: Cùng với hàng giám mục, các linh mục ‘phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới’ (Niềm Vui Tin Mừng, số 31).” [6]

2.- MÙI CHIÊN VÀ CHA MẸ TRONG GIA ĐÌNH

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

Cha mẹ ơn sâu tựa đất trời

Nuôi con lao nhọc chẳng đầy vơi

Mở vòng tay lớn ôm con trẻ

Dẫn dắt con đi suốt cuộc đời

thể nói mùi-chiên giữa cha mẹ và con cái rất dễ cảm nhận và diễn tả bởi vì trên đời này không gì so sánh được với công cha nghĩa mẹ, nó cao vời như núi non và sâu rộng như biển cả. Công lao ấy người ta thường quy về ba nhiệm vụ chính của cha mẹ đối với con cái, đó là Sinh, Dưỡng, Dục. Nhiệm vụ nào cũng khó nhọc, nặng nề và phức tạp.

Công cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Nuôi con mới biết sự tình

Thầm thương cha mẹ nuôi mình hồi xưa.

Bao năm gian khổ héo hon,

Mẹ luôn cam chịu nuôi con nên người.

Chúng ta đều biết rằng trong gia đình, cha mẹ thấm đẫm mùi chiên khi họ hết lòng thi hành nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Để có những người con trưởng thành, ngoan ngoãn và hiếu thảo, cha mẹ phải vất vả hy sinh, ngay từ lúc kết hôn cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Trong bài báo “Mối quan hệ cha mẹ và con cái trong gia đình”, tác giả đã nhận định chi tiết như sau:

Như ta biết, tình cảm yêu thương, sự nâng niu, quan tâm chăm sóc bằng cả tấm lòng mà cha mẹ dành cho con cái là thứ tình cảm vô giá không có gì cân đo đong đếm được. Bởi lẽ, cha mẹ là những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ, che chở, đùm bọc cho mỗi chúng ta. Đặc biệt là mẹ, người đã mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày để cho con mình được chào đời. Rồi chắt chiu từng dòng sữa ngọt để nuôi chúng ta khôn lớn cùng với tình thương ấm áp của cha. Ngày ngày, cha mẹ phải làm lụng vất vả để cung cấp cho chúng ta về vật chất, bồi dưỡng cho chúng ta về tinh thần để chúng ta nên người, ăn học thành tài, tạo cho chúng ta một sự nghiệp ổn định. Sự thành công của chúng ta trong xã hội là do cha mẹ đứng sau hết lòng ủng hộ, giúp đỡ một cách vô điều kiện. Thậm chí, khi chúng ta thành gia lập thất, cha mẹ vẫn luôn bên ta theo dõi, chăm lo, quan tân đến cuộc sống của chúng ta. Điều đó cho thấy tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là tình cảm vô bờ vô bến, một tình cảm quý báu, bất tử theo thời gian. Mối quan hệ đó là mối quan hệ biện chứng qua lại, là dây mơ rễ má không thể tách rời.[7]

Vậy nếu, trong gia đình xứ đạo, linh mục sống một đời hy sinh từ bỏ, chấp nhận thân phận của một con người “bị ăn” đến cạn kiệt sức lực vì chiên...thì cũng như thế, trong gia đình hạt nhân, tức là Hội thánh tại gia, cha mẹ cũng tự nguyện lo lắng hy sinh cho con cái một cách không thể “cân-đo-đong-đếm” được.

Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn

Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con.

Trong thời gian vừa qua, ai theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông thì biết rằng cả nước “sôi” lên về chuyện thi cử của các em học sinh, từ tiểu học (vào lớp 1), đến học sinh hết cấp 2 thi vào lớp 10 công lập rồi đến kỳ thi tốt nghiệp THPT của hơn một triệu thí sinh trên toàn quốc. Có thể nói các bậc phụ huynh lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa” vậy! Những bậc cha mẹ nào rơi vào trong hoàn cảnh này thì quả thật thấm-mùi-chiên thật sự. Một bài báo đã mô tả tóm tắt như sau: “Hàng trăm phụ huynh chen chúc đứng, ngồi đủ kiểu để chờ đợi, thậm chí là trải chiếu ngủ ngay trước cổng trường hay xếp hàng xuyên đêm trước cổng trường, chỉ để làm sao có thể là người sớm nhất mua được hồ sơ cho con mình có một suất học lớp 10 vào những trường này. Đó là những hình ảnh đáng thương của các bậc làm cha mẹ, ai cũng có thể làm những gì tốt đẹp nhất cho con.[8]

Tóm lại, ta có thể khẳng định là chính gia đình luôn là môi trường lan tỏa mùi-chiên đặc biệt nhất, cụ thể nhất và sống động nhất. Bởi mùi-chiên chính là là mùi của tình yêu, sự hy sinh và lòng quảng đại vô bờ bến.

Thực vậy, như LM Vincentê Nguyễn Bản Mạnh trong bài “Gia đình với sự phát triển xã hội” đã chia sẻ: Gia đình là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc và sự hài hòa trong đời sống mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Chỉ trong gia đình mới thể hiện được mối quan hệ tình cảm thiêng liêng dựa trên tình cảm giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Trong gia đình, mỗi cá nhân được nuôi dưỡng về vật chất và được nuôi dưỡng về tâm hồn. Trẻ thơ có điều kiện được an toàn và khôn lớn; người lao động được phục hồi sức khỏe và bồi dưỡng tinh thần; người cao tuổi có nơi nương tựa... Ở gia đình, hàng ngày diễn ra các mối quan hệ thiêng liêng sâu đậm giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, anh - em, những người đồng tâm, đồng cảm nâng đỡ đùm bọc nhau suốt đời. Chỉ khi nào được yên ấm trong gia đình và hữu ái trong xã hội, mỗi nhân vị mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc. Một trong những bất hạnh lớn nhất của con người là lâm vào cảnh “vô gia cư”, gia đình lục đục tan nát vì rượu chè, cờ bạc, bói toán...[9]

3.- MÙI CHIÊN VÀ VỢ CHỒNG TRONG HÔN NHÂN

Các nhà khoa học cho rằng mùi-cơ-thể có vai trò đặc biệt trong đời sống tình dục vợ chồng. Người ta khẳng định có những cặp vợ chồng “nghiện” mùi của nhau đến nỗi họ không thể xa nhau, rời nhau, bỏ nhau...mặc dù thường xuyên họ cãi vã, xung đột nhau. Thực vậy, “Theo các nhà tình dục học thì mùi cơ thể tự nhiên chính là một trong những yếu tố giúp các cặp đôi gắn bó với nhau lâu dài. Và để tạo ra yếu tố đó, mỗi người nên có bí quyết riêng để nửa kia không thể tìm thấy điều đó ở bất cứ ai khác ngoài mình.[10]

Đó là bàn về mùi cơ thể. Một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lâu dài và thành công viên mãn thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác. Họ “biết” mùi nhau, “nghiện” mùi nhau, “say” mùi nhau vì cuộc sống lứa đôi là một cam kết dấn thân của những người yêu nhau, tình nguyện sống-với-nhau suốt đời. Ông bà ta nói, “Vợ chồng như đũa có đôi”. Đã gọi là đôi bạn thì họ không thể sống thiếu nhau, trái lại gắn bó với nhau mật thiết, nên-một với nhau cách kỳ diệu. Và họ phải “đồng cam cộng khổ/ sống chết có nhau” thì mới xây dựng nên một cuộc hôn nhân thành công, hạnh phúc.

Sau đây xin mạn phép đưa ra bốn yếu tố được coi là sức mạnh và vẻ đẹp của mùi-chiên trong đời sống vợ chồng.

3.1. Vợ chồng biết mùi-chiên của nhau nhờ sự hiểu biết sâu xa về nhau

Vợ chồng mà không biết nhau thì không còn là vợ chồng nữa. Một danh nhân đã nói, Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu trước khi lấy nhau hai người không biết rõ tính tình, thói quen và tính cách của nhau” (H. de Balzac). Đôi bạn biết nhau để có thể hoàn toàn chấp nhận nhau với tất cả hiện thực của mỗi con người. Tuy nhiên, Chúa Giê-su khi nói về sự “biết” giữa mục tử và chiên, đã phán thế này: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14). Chúa mạc khải sự biết của mục tử đối với chiên không chỉ là nhận thức, hiểu biết chung chung bề ngoài, trái lại “biết nhau” đó là đi vào mối tương quan thân tình bởi dám đánh cược mạng sống mình cho nhau, vì nhau.

Đức Thánh cha Phan-xi-cô trong thư gửi đến các đôi vợ chồng nhân dịp năm “Gia đình Amoris laetitia”, đã nhắn nhủ như sau:

Như Abraham, mỗi đôi vợ chồng đều rời bỏ miến đất của mình từ khi họ nghe tiếng gọi tình yêu hôn nhân và họ quyết định hoàn toàn trao hiến chính mình cho người khác. Cũng thế, việc đính hôn đã hàm ý việc rời bỏ miền đất của mình, vì nó đòi hỏi cùng nhau đi trên con đường dẫn đến hôn nhân. Những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, những ngày tháng trôi qua, sự xuất hiện của con cái, công việc, bệnh tật, đều là những hoàn cảnh trong đó sự dấn thân người này cho người kia, đối với mỗi người, bao hàm cả bổn phận từ bỏ những quán tính của mình, sự xác tín của mình, vùng tiện nghi của mình, và đi ra đến với miền đất mà Thiên Chúa hứa: trở thành hai trong Chúa Ki-tô, hai trong một. Một cuộc sống duy nhất, một ‘chúng ta’ duy nhất trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Giê-su, Đấng đang sống và hiện diện, trong mỗi giây phút của cuộc sống chúng con. Thiên Chúa đồng hành với chúng con cách vô điều kiện. Các bạn không phải cô độc![11]

3.2. Vợ chồng biết mùi chiên của nhau nhờ sự gắn bó thủy chung với nhau

Ca dao VN có câu:

Vợ chồng là nghĩa phu thê

Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau

Khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn cam kết yêu thương nhau, tôn trọng nhau và trung thành với nhau. Đó là một sợi dây thiêng liêng, cao đẹp ràng buộc hai người trong điều mà ta gọi là “Tình nghĩa vợ chồng”. thể nói, Tình và Nghĩa chính là chất keo gắn chặt hôn nhân đôi bạn. Đó cũng là đặc điểm của mùi-chiên lôi cuốn hai người với nhau. Ta biết rằng, một cuộc hôn nhân tốt đẹp, thành công, hạnh phúc thì không thể thiếu hai yếu tố Tình và Nghĩa được. Một cuộc hôn nhân trọn-tình và vẹn-nghĩa được sánh ví như một bông hoa đẹp vì sắc màu tươi thắm và sự hấp dẫn của mùi hương nồng nàn. Cái tình cái nghĩa nó quyện vào nhau như bóng với hình. Có bài thơ của người xưa thế này:

Muốn cho yên cửa, yên nhà,  

Chẳng gì hơn ở thuận hòa cùng nhau.

Dễ ai đội nón qua đầu,

Sao không nghĩ trước, nghĩ sau cho tầy.

Ái ân là nghĩa nặng thay!  

Vợ chồng há phải một ngày dám quên. (Hồ Huyền Quy)

Một tác giả kinh nghiệm về đời sống hôn nhân gia đình đã nhận xét là trong hôn nhân luôn tồn tại chữ “Nghĩa” để người ta có thể níu chân nhau lại, giữ tay nhau thật chặt mà bước đi cùng nhau đến hết cuộc đời, bình lặng, an yên. Riêng trong bài viết tựa “Tình và nghĩa: chất keo gắn chặt hôn nhân” trên trang tinmung.net, tác giả Trần Hữu Thuần đã bình luận như sau: “Trong các ngôn ngữ mà tôi được biết, có lẽ không có từ ngữ nào nói đến sự tương quan giữa hai người yêu nhau và chung sống với nhau chứa đựng nhiều ý nghĩa cho bằng cụm từ Tình Nghĩa Vợ Chồng của tiếng Việt chúng ta.  Tình là tình-yêu-đôi-lứa; Nghĩa là nghĩa-vợ-chồng. Hai thứ tình và nghĩa trộn lẫn lại làm thành phân bón, làm thành lương thực nuôi sống cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân giữa đối thể và khách thể trong văn hoá Việt Nam chúng ta như thế khởi đầu bằng ‘Tình’ và gắn bó bằng ‘Nghĩa’.[12]

Có thể nói nếu đôi bạn duy trì được mãi mối tình sâu nghĩa nặng thì điều đó sẽ luôn là một tiền đề cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc bền lâu. Điều đó cũng khẳng định một thực tế đáng khen ngợi, đó là đôi bạn đã phát huy được đức tính chung thủy trong đời sống vợ chồng. Chữ “Nghĩa” ngày nay cũng hiểu như là sự trung tín, trung thành (Loyalty) vậy.

LM Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo”, đã nêu lên ba yếu tố quan trọng nhất mà một cuộc sống hôn nhân Công Giáo cần phải có để bảo đảm được sự tồn tại và hạnh phúc của mình. Đó là tình yêu, sự chung thủy và phép lành của Thiên Chúa. Về sự chung thủy, tác giả có đoạn viết như sau:

“Lời thề hứa hoàn toàn tự nguyện của hôn nhân là một cam kết bó buộc và bất khả tháo gỡ đối với các đôi vợ chồng. Tính chất đặc thù này của lời thề hứa hôn nhân hoàn toàn không phải là một gánh nặng bất khả kham, nhưng là một phương tiện hữu hiệu giúp cho các đôi vợ chồng rèn luyện và thăng tiến được chính con người mình cũng như bảo đảm cho cuộc sống hôn nhân của họ được bền vững trước các sóng gió cuộc đời.

“Sự chung thủy hôn nhân không chỉ giới hạn trong phạm vi sự chung thủy về tính dục, nhưng còn bao hàm trong hành động cụ thể của bản thân mỗi người nữa, đó là họ phải luôn công khai bày tỏ một cách dứt khoát: Tôi thuộc về vợ/ chồng tôi. Sự chung thủy hôn nhân đòi tôi phải thực sự tôn trọng vợ/ chồng tôi. Sự chung thủy hôn nhân đòi tôi phải quan tâm tới điều chính đáng mà vợ/ chồng tôi cần tới và mong ước. Sự chung thủy hôn nhân đòi hỏi phải luôn biết tận tâm an ủi và nâng đỡ người vợ/ chồng của mình. Sự chung thủy hôn nhân đòi hỏi phải luôn biết cầu nguyện cho nhau và biết tín thác cuộc sống lứa đôi của mình cho sự quan phòng đầy yêu thương và phép lành của Cha trên trời.”[13]

3.3. Vợ chồng biết mùi chiên của nhau nhờ sự bền bỉ hy sinh cho nhau

Hy sinh cho nhau”, đó có thể được coi là mệnh lệnh của tình yêu dành cho đôi bạn trong đời sống hôn nhân gia đình. Đó cũng chính là gia vị của hạnh phúc và là sự hấp dẫn của mùi-chiên mà đôi bạn ban tặng cho nhau. Nếu trong đời sống cộng đoàn vị mục tử hy sinh cho chiên thế nào thì trong đời sống hôn nhân, vợ chồng cũng vâng lời Chúa mà chấp nhận hy sinh vì người yêu như thế.

Xưa nay chúng ta biết rằng sự hy sinh trong đời sống hôn nhân gia đình luôn được coi là một đức tính cao đẹp, một nhân đức cao cả tuyệt vời mà đôi bạn hằng nỗ lực thực hành để thể hiện cách cụ thể thường xuyên tình yêu và sự quan tâm của họ đối với bạn đời và gia đình họ. Không ai là không biết rằng một khi tình yêu là nền tảng của hôn nhân thì những hy sinh lớn nhỏ hàng ngày của đôi bạn chính là những chất liệu quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng hôn nhân ấy và là điều kiện không thể thiếu được trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Do đó, có người đã khẳng định rằng trong hôn nhân, hoặc là chấp nhận hy sinh để sống với nhau lâu dài hoặc là chia tay đường ai nấy đi. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng thì nói rõ thế này, “Yêu và hy sinh là một, không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Như vậy ta thấy rằng, hy sinh là một đòi hỏi không thể thiếu được luôn gắn liền với đời sống hôn nhân. Ngạn ngữ tây phương đã khẳng định hôn nhân không phải là luống hồng nhưng là bãi chiến trường. Đôi bạn là các dũng sĩ trong chiến trường ấy. Vì thế có người đã nhấn mạnh, “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller).   

Thực vậy, tín hữu chúng ta biết rằng khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta chấp nhận đi vào con đường thánh giá, con đường mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi môn đệ cùng đi với Ngài. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô đã chia sẻ: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…” [14]   

Trong bài viết có tựa “Tình yêu hiến tế” trên trang simonhoadalat.com, tác giả LM Đinh Lập Liễm (Gp Đà-Lạt) đã viết như sau:

“Chúng phải công nhận rằng tình yêu nối kết hai người lại với nhau, kết hợp với nhau để làm thành gia đình. Nhưng tình yêu ấy là tình yêu nào? Thưa, đó là “Tình yêu hiến tế. Nhìn vào Chúa Giêsu, ta thấy Ngài đã có tình yêu ấy đối với chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta một cách vô vị lợi, tình yêu ấy phải được gọi là Tình yêu hiến tế.  Chính vì vậy, Ngài đã hiến tế thân mình bằng cách chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta và còn biến mình máu Ngài làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta.

“Trong cuộc sống hôn nhân cũng vậy, vợ chồng phải yêu thương nhau bằng một tình yêu hiến tế, nghĩa là vợ chồng biết hy sinh cho nhau, quên đi bản thân mình để mưu cầu hạnh phúc cho bạn mình.  Một tình yêu thiếu hy sinh chưa hẳn là tình yêu thật mà chỉ là một tình cảm nhất thời chóng qua. Tình cảm thì không bền vững, nó có thể trồi sụt, dễ dàng biến mất. Và khi tình cảm đó biến mất thì gia đình cũng sẽ tan vỡ. Tình yêu hiến tế làm cho vợ chồng càng khắng khít với nhau, dám hiến thân cho nhau, quên đi những quyền lợi của mình để chỉ nghĩ đến hạnh phúc người yêu, như ca dao sau đây đã diễn tả:

Sông hồ một giải con con                   

Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo

Yêu nhau sinh tử cũng liều

Thương nhau lặn suối qua đèo có nhau. (Ca dao)[15]

3.4. Vợ chồng biết mùi chiên của nhau nhờ sự tích cực nuôi dưỡng đức ái hôn nhân

Có thể nói nhiều người chúng ta cư xử thiếu-bác-ái trong gia đình, giữa cha mẹ-con cái, giữa vợ-chồng với nhau. Thiếu bác ái trong lời ăn tiếng nói, trong các bổn phận thường ngày và qua những thái độ ứng xử với nhau. Chính trong tình cảnh này mà vợ chồng không còn cảm nhận được mùi-chiên của nhau, họ sống lạnh nhạt, vô cảm, vô trách nhiệm với nhau đến nỗi có người đã nhận xét thế này: Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornoton Wilder).  

Đối với đôi bạn Ki-tô hữu thì sao? Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ chúng ta hãy sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy. Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor:

Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hy sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài.

Thực vậy, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết trong thư gửi đến các đôi vợ chồng nhân dịp năm “Gia đình Amoris laetitia”: “Tình yêu vợ chồng là một món quà phải được tái thiết liên tục dưới ánh sáng kinh ngạc và có trách nhiệm của con đường trung thành và tự hiến cho nhau của chính vợ chồng trong suốt cuộc đời của họ. Một tình yêu giữa vợ chồng phải phát triển lòng kính trọng, sự chú ý, sự tin tưởng và sự hiệp thông trong các ý định và kế hoạch. Rõ ràng đây là một con đường phải được thực hiện hằng ngày.Trong cuộc phiêu lưu của con người này, đối với những người đã chọn lập gia đình với bí tích hôn phối, họ có thể và phải nắm bắt và thực hiện cho ‘ơn sủng của Bí tích Hôn phối’ được nhắm trước hết là ‘để làm cho tình yêu của đôi bạn nên trọn hảo.[16]   ./.

 

Aug. Trần Cao Khải

______________

[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/qmuc-tu-phai-mang-lay-mui-chienq/

[2] https://www.tonggiaophanhanoi.org/qmuc-tu-phai-mang-lay-mui-chienq/

[3] http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/179DTCPhanxico.htm#_ftn1 

[4] https://www.tonggiaophanhanoi.org/linh-muc-voi-giao-dan/

[5] LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy PSS - Linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước – NXB TG 2020 – Trang 121

[6]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-thu-muc-vu-2014-tan-phuc-am-hoa-doi-song-cac-giao-xu-va-doi-song-thanh-hien-17874

[7] http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/moi-quan-he-cha-me-va-con-cai-trong-gia-dinh/

[8]https://dantri.com.vn/tam-diem/ngu-truoc-cong-truong-tranh-suat-hoc-cho-con-roi-sao-nua-20230706083149984.htm

[9]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gia-dinh-voi-su-phat-trien-xa-hoi-42722#_ftnref2

[10]https://tienphong.vn/bien-mui-co-the-thanh-bua-yeu-thuong-hang-post668595.tpo

[11] LM Agostino Nguyễn Văn Dụ - HNGĐ sau Tông huấn Amoris Laetitia – Tủ sách nghiên cứu HNGĐ – AD -2023 – trang 2-3

[12]http://www.tinmung.net/GIADINH/QuanHeVoChong/2011/07/Tinh-va-nghia.htm

[13] LM Nguyễn Hữu Thy –  Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo – TTMVCG.VN Gp Trier CHLB Đức năm 2012 trang 90-92

[14] D. Wahrheit – Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô – MVGĐ trang 227-228

[15]https://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/HonPhoi/59Tinhyeuhiente.htm

[16] x.LM Agostino Nguyễn Văn Dụ - Sđd – trang 43-44

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn tin: