Đức Tin và Văn Hóa: Con Đường Của Tin Mừng Trong Thời Đại Hôm Nay

Fri,03/11/2023
Lượt xem: 1335

Đức tin và văn hóa tưởng chừng như hai chiều kích tách biệt lại là một vấn đề tương giao nội tại trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội qua mọi thời. Đức tin là một hồng ân huyền nhiệm được Thiên Chúa trao tặng cho con người, là cánh cửa dẫn con người vào sự sống thần linh. Trong khi đó văn hóa lại là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm người, một quốc gia, dân tộc hay nhân loại. Tuy nhiên, hơn hai ngàn năm qua dù Tin Mừng đã được gieo vào hàng trăm nền văn hóa khác nhau trong nhân loại nhưng chưa bao giờ vấn đề giao thoa giữa đức tin và văn hóa hết thao thức trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội, đặc biệt là trong thời đại hôm nay, bởi như lời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thật sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”. Vậy ta hiểu nhận định đó như thế nào? Và vấn đề đó có ý nghĩa gì trong công cuộc Loan báo Tin Mừng giữa thời đại chúng ta hôm nay?

Trước hết, Đức tin được hiểu là ơn Thiên Chúa ban để người tín hữu tự do gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa (Fides qua), đón nhận những chân lý mặc khải (Fides quᴂ) trong Đức Kitô. Đây là một trong ba nhân đức đối thần. Đức tin là một điều kiện cần thiết để được cứu rỗi. Đức tin phải là một hành vi nhân linh, có ý thức và tự do, bao trùm toàn diện con người. (Từ điển Công giáo, tr.295).

Văn hóa được giải thích là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra. (Khái niệm Văn hóa – Wikipedia tiếng Việt).

Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelli Nuntiandi (1975), Đức thánh cha Phaolô VI nhấn mạnh rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự tách biệt giữa Tin Mừng và văn hóa là thảm cảnh của thời đại chúng ta hôm nay, cũng như các thời đại trong quá khứ”. Quả thế, đức tin Kitô giáo được hình thành, thông truyền và lưu chuyển không qua con đường nào khác ngoài con đường văn hóa. Về phần mình chính Đức Kitô đã trở thành linh hồn của văn hóa, làm phong phú nguồn văn hóa của nhân loại và là động lực cho sự biến đổi văn hóa. Chính vì thế dưới nhãn quan Kitô giáo thì giữa đức tin và văn hóa luôn có mối tương quan, gắn kết bổ trợ cho nhau và dường như là sự tồn tại hỗ tương không thể tách rời.

Cũng vì sự gắn kết tương giao đó nên thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị xác quyết: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thật sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”.

Thật thế, một đức tin nếu chỉ nằm trên lý thuyết trừu tượng mà không đi vào thực tiễn cuộc sống thì đức tin ấy chỉ là đức tin trên sách vở, lý thuyết, giáo huấn nặng nề mà chẳng thể đem lại giá trị, ý nghĩa gì cho cuộc sống con người. Do đó, một đức tin tồn tại kiểu như vậy không sớm thì muộn sẽ bị thanh lọc, loại trừ, khai tử.

Thế nên, một đức tin được nhìn nhận là linh hồn của văn hóa thì đức tin đó chắc chắn không phải là một tư tưởng trừu tượng, khó nắm bắt, khó đón nhận, nhưng ngược lại đức tin đó phải mang giá trị ý nghĩa thực tiễn cho con người ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Nhưng để mang lại ý nghĩa và giá trị đích thực cho con người, không còn con đường nào khác, đức tin đó phải đi vào mọi nền văn hóa, phải biến thành văn hóa, phải “sống” trong nền văn hóa và phải làm cho nền văn hóa đó được thông truyền, lưu chuyển, cũng như làm phong phú cho nền văn hóa, đặc biệt phải đưa đến những giá trị tốt đẹp cho thực tại cuộc sống của con người, là chủ thể của nền văn hóa. Có như thế, đức tin mới là cái “linh hồn” tồn tại trong nền văn hóa mà dù văn hóa có thay đổi thì “linh hồn” đó trường tồn vững bền.

“Một đức tin được đón nhận trọn vẹn, được suy tư, được sống chân thành khi chính đức tin đó biến thành văn hóa”.

Đức tin là một mầu nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa, là một hồng ân nhưng không đươc Thiên Chúa ban tặng cho con người, là chìa khóa để con người mở cánh cửa bước vào sự sống thần linh với Thiên Chúa. Còn văn hóa lại là cái thực tại của con người, cái tinh túy căn cốt được con người chắt lọc và bòn góp trong cuộc sống, là sản phẩm vật chất cũng như tinh thần do quá trình sinh sống và hoạt động của con người tạo ra. Thế nên, để đức tin đi vào văn hóa và biến đổi thành văn hóa thì trước hết, về phương diện tinh thần, đức tin đó phải được diễn tả, truyền bá bằng chính ngôn ngữ của nền văn hóa đó. Tiếp đến, nội dung giá trị chân lý của đức tin phải được thẩm thấu qua cảm thức tư tưởng, nhận thức, suy tư của chủ thể văn hóa. Từ sự khai sáng về nhận thức để ý thức về giá trị của đức tin dẫn đến sự cải biến về hành vi, cử chỉ, lối sống của thể văn hóa. Và cuối cùng từ sự cải biến, đức tin được biểu lộ trong cách ăn nết ở, lời ăn tiếng nói, trong cách đối nhân xử thế, cung cách sống của con người trong nền văn hóa đó.

Đức tin sau khi đi vào văn hóa bằng con đường tinh thần, sẽ dẫn tới sự biến đổi về mặt tâm linh, văn hóa khi đã thấm đẫm giá trị của đức tin thì sẽ làm tỏ lộ giá trị của Tin Mừng bằng một cuộc sống: nhẫn nhục, hiền hậu không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật. Bởi đức tin sản sinh đức mến, mà đức mến thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cr 14, 4-7). Và chính lúc ấy mỗi chủ thể trong nền văn hóa được đức tin cảm hóa sẽ phản chiếu khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, từ bi thương xót đối với hết thảy mọi người.

Cũng chính từ những giá trị Tin Mừng ấy, men đức tin sẽ thấm nhiễm vào trong từng cá thể của nền văn hóa, để rồi làm cho cả cộng đồng dậy men, và từ khởi đầu của một cộng đồng sẽ làm cho cả nhân loại dậy men: men hiệp nhất, men hòa bình, men yêu thương, men tha thứ, men tin tưởng, …. Bởi như Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI thì: “Đức tin luôn là men của văn hóa và là ánh sáng cho trí tuệ”. Và từ lúc ấy đức tin mới thực sự trở thành linh hồn của văn hóa nhân loại, đức tin đó mang một giá trị ý nghĩa sâu sắc, vĩnh cửu trường tồn và phổ quát trong nhân loại. Đức tin trở thành con đường để trong sự phong phú về văn hóa của nhân loại con đường chân lý đức tin sẽ dẫn nhân loại về hiệp nhất trong gia đình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên cội rễ phát xuất những giá trị Chân Thiện Mỹ cao cả vĩnh tồn cho con người.

Chúng ta có thể lấy một số dẫn chứng về sự đón nhận đức tin trọn vẹn trong chính nền văn hóa của mình: trước hết đó là hình ảnh của Đức cố Hồng y Phanxicô xaviê Nguyễn Văn Thuận, một người bị giam cầm gần 14 năm trong ngục tù cộng sản, thế nhưng khi ra khỏi tù ngài vẫn không chút ai oán than trách nhưng lại còn bao dung tha thứ cho những người bắt bớ, giam cầm mình. Hay mẹ thánh Têrêxa Calcutta, mẹ đã đến tận các hang cùng ngõ hẻm trong đất nước Ấn Độ để săn sóc những con người bất hạnh, bị bỏ rơi hay gạt ra bên lề xã hội. Nhân loại biết đến mẹ với gương chứng nhân đức tin qua tấm lòng yêu thương, quảng đại. Và gần gủi của chúng ta hôm nay, đó là hình ảnh của Đức giáo hoàng Phanxicô đương nhiệm, với tư cách là một người cha trong đức tin của Giáo hội, ở bất cứ nơi đâu, và với những ai ngài gặp gỡ, ngài đều trao ban sự trìu mến, ánh mắt yêu thương và một tấm lòng quảng đại chân thành, nơi ngài phản chiếu một Thiên Chúa thương xót.

Đặc biệt, trổi vượt một sự sống trọn vẹn đức tin trong văn hóa nhân loại đó chính là con người của Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng đã xuống thế làm người, Ngài sống trong kiếp người mặc lấy nền văn hóa của dân tộc Do Thái, nhưng lại sống với những giá trị của Tin Mừng một cách triệt để. Chúa Giêsu có một tâm hồn yêu thương đã chết cho người mình yêu, tha thứ tột cùng cho những ai giết mình, khiêm tốn cúi mình để phục vụ con người là thụ tạo thấp hèn yếu đuối, chữa lành những con người bị thương tích, cứu giúp những ai lầm than khốn khổ, nhưng trên hết ngài chính là con đường để tất cả những ai tồn tại trong sự đa dạng của văn hóa loài người đều tìm thấy ánh sáng đức tin đưa tới con đường cứu độ trong Thiên Chúa. Và cũng chính đức Kitô là mẫu gương, là điểm quy chiếu, để trong Người nhân loại tìm thấy: “Một đức tin được đón nhận trọn vẹn, được suy tư, được sống chân thành khi chính đức tin đó biến thành văn hóa”.

Vậy chúng ta Loan báo Tin Mừng trong bối cảnh văn hóa của chúng ta hôm nay như thế nào?

Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tha thiết kêu mời mọi tín hữu Chúa Kitô trong thời đại hôm nay: đừng có thái độ dửng dưng như một kẻ bàng quan, ngoài cuộc trong việc kiến tạo cuộc sống thế trần, vì đức tin không phải là bức tường ngăn cách giữa đạo và đời, cũng không phải là thứ thuốc mê đưa người Công giáo ra khỏi thực tại trần gian để sống trong chốn bồng lai tiên cảnh, nhưng là đưa chúng ta đến với con người và giúp chúng ta đánh giá đúng mức những thực tại trần thế: “Đừng làm ‘Công Giáo bù nhìn’; Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta” (Đường hy vọng, số 621-622).

Quả thế, đứng trước một thời đại văn minh, con người chủ trương chối bỏ các giá trị truyền thống, nghiêm trọng hơn giữa con người thời nay đang dần vắng bóng Thiên Chúa tâm linh đích thực mà thay vào đó là họ xem tiền bạc của cải là thiên chúa, quyền lực danh vọng là thiên chúa, thành tựu khoa học kỹ thuật là thiên chúa. Và cứ như thế, bên cạnh sự tự mãn kiêu căng của một nhóm người, thì thế giới vẫn còn đó hàng tỷ người đang trong cảnh chiến tranh, đói khát, bất hạnh, nghèo khổ. Sống trong một xã hội như vậy, mỗi người Kitô hữu trong môi trường văn hóa của chính mình cần phải nhìn nhận lại giá trị đức tin trong chính cuộc sống của mình. Hơn thế, cần phải biểu lộ giá trị đức tin trước cuộc sống qua: lời ăn tiếng nói, là cử chỉ hành vi, là thái độ, là cách đối nhân xử thế của mình với người xung quanh. Như lời thánh Giacôbê tông đồ: đức tin không hành động là đức tin chết. Hay thánh Phaolô quả quyết: với người Do Thái tôi đã trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái; với những ai sống theo lề luật tôi đã trở nên người sống theo lề luật; tôi đã trở nên yếu với người yếu để chinh phục người yếu, (1Cr 9, 19-23). Như thế, với những nền tảng đức tin đã được Thiên Chúa trao ban qua mẹ Giáo hội chúng ta hãy sống những giá trị tốt đẹp của Tin Mừng qua cung cách sống của chính mình để làm sao tỏa hương thơm Tin Mừng đến với đồng loại, đến với kẻ yếu thế, kẻ bị bỏ rơi, người bị gạt ra bên lề xã hội, từ đó mỗi người nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong chính chúng ta. Hơn thế nữa mỗi người Kitô hữu trên nhân loại này bằng chính ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, lối sống của mình cùng nhau kiến tạo một xã hội hòa bình, xã hội bác ái, xã hội của tình huynh đệ, tiến tới hiệp nhất trong Đấng Toàn Năng.

Tóm lại, “một đức tin chỉ được đón nhận trọn vẹn, được suy tư và được sống chân thành chỉ khi đức tin đó đã thực sự trở thành văn hóa”, bởi qua văn hóa đức tin được thể hiện và thông truyền một cách sống động qua cung cách sống của một con người. Từ cung cách sống của mình chúng ta là những gương mặt hình ảnh sống động phản chiếu khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, nhân hậu giữa thời đại hôm nay. Hầu làm cho cả nhân loại tìm về nguồn sống đích thực là đức tin và văn hóa trong Thiên Chúa Thiện Hảo, Đấng là phát xuất nguồn Chân Thiện Mỹ trường tồn vĩnh cửu.

Đỗ Nhiên – ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn tin: