Hiệp Nhất Dân Thiên Chúa Trong Gia Đình Nhân Loại
“Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Thật vậy, con người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Thiên Chúa khi tạo dựng con người đã khắc ghi vào trong mỗi người lòng khắc khoải, khao khát và ước mong trở về với Thiên Chúa.[1] Vì thế, với Công đồng Vaticanô II, dân Thiên Chúa không chỉ còn là dân riêng như trong thời Cựu Ước, hay chỉ còn gói gọn trong phạm vi Giáo hội của Đức Kitô, nhưng Công đồng xác tín: “Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, vì vậy, thánh Công đồng được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo hội, để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15). Trong Đức Kitô, Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người, vì thế Giáo hội muốn trình bày rõ ràng hơn cho các tín hữu và cho toàn thế giới chính bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình, dựa trên giáo huấn của các Công đồng trước đây. Thực trạng thế giới đương đại khiến cho bổn phận này của Giáo Hội càng trở nên khẩn thiết, để con người ngày nay, khi đã gắn kết với nhau chặt chẽ hơn nhờ những mối liên hệ đa dạng trong lãnh vực xã hội, kỹ thuật và văn hóa, phải đạt đến sự hợp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô”.[2] Thật vậy, dân Thiên Chúa khởi đi từ tổ phụ Ápraham, để rồi Thiên Chúa qua bao thế hệ đã tuyển chọn dân tộc Ítraen làm cơ nghiệp cho riêng Người. tuy nhiên, bước sang thời Tân ước, khi Đức Giêsu Kitô nhập thể, Ngài đã ban xuống lệnh truyền: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16, 15-16). Và kể từ ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống trên các Tông đồ, các ngài đã rảo khắp đó đây đến tận cùng trái đất, để rao giảng Tin Mừng, quy tụ muôn dân thiên hạ về cùng một mối trong Đức Giêsu Kitô (Cv 13,14-15). Cũng thế, Giáo hội tiếp nối sứ mạng các Tông đồ nên suốt 2000 năm qua vẫn cần mẫn trao truyền Lời Chúa cho nhân loại, tìm kiếm và quy tụ muôn dân trong cùng một Phép Rửa của Đức Ki tô. Tuy nhiên, với Công đồng Vaticanô II, Giáo hội xác định Dân Thiên Chúa không chỉ những ai đã lãnh nhận Phép Rửa, nhưng Dân Thiên Chúa còn đó là tất cả những người được Chúa chọn, những ai tôn thờ Đấng Tạo Hóa và rồi bao gồm toàn thể nhân loại với những ai thành tâm thiện chí nhưng vì lý do khách quan mà không nhận biết Thiên Chúa nhưng vẫn ăn ngay ở lành, vẫn tìm kiếm điều thiện hảo. Để rồi tất cả muôn dân được quy tụ trong Chúa Kitô, qua một Giáo hội duy nhất nhưng phổ quát cho tất cả muôn dân, như lời của thánh Công đồng Vaticanô II: “Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ một đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, để hoàn thành ý định của Thiên Chúa, Đấng từ khởi nguyên đã thiết lập bản tính duy nhất của con người, và quyết định cuối cùng sẽ quy tụ về một mối tất cả con cái của Ngài đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11,52). Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, Đấng Ngài đặt làm người thừa kế tất cả vạn vật (x. Dt 1,2), để Người sẽ là Thầy, là Vua và là Tư Tế của mọi người, là Thủ lãnh của đoàn dân mới gồm những người con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu”.[3] Vậy hiệp nhất Dân Thiên Chúa trong gia đình nhân loại gồm những thành phần nào? Chúng ta cùng đi vào tìm hiểu: (1) Dân Thiên Chúa là dân của Giao Ước mới; (2) Dân Thiên Chúa là dân tôn thờ Đấng Tạo Hóa; (3) Dân Thiên Chúa là những ai tìm kiếm chân lý; (4) Dân Thiên Chúa được quy tụ trong Giáo hội của Đức Giêsu Kitô.
1. Dân Thiên Chúa là dân của Giao ước
“Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dạy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử và thánh hóa họ để dành riêng cho mình”.[4] Thật vậy, Thiên Chúa giàu lòng yêu thương, đã kêu gọi tổ phụ Ápraham để lập thành một dân Giao ước. Với lòng tin và sự cậy trông ông Ápraham đã nghe theo tiếng Chúa, sẵn sàng ra đi bỏ lại tất cả để tới thành Ua, là miền đất Chúa đã hứa. Đổi lại, Thiên Chúa hứa cũng sẽ trung tín và ban cho Ápraham một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Như thế, khởi đầu từ các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp, dân tộc Ítrael bắt đầu lớn mạnh. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn biểu lộ quyền năng đã làm cho dân này phải lưu đày kiếp nô lệ bên Ai-Cập. Để rồi, sau 400 năm lưu lạc Thiên Chúa lại dang cánh tay uy quyền qua vị thủ lãnh Môsê, đưa dân Người về đất hứa và để rồi từ đó thành lập với họ một Giao ước mới qua mười giới luật, trong đó Thiên Chúa hứa che chở và bao bọc dân Ítrael như là dân riêng, còn Ítrael hứa trung thành và phụng sự một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Sau thời gian nô lệ trở về đất hứa dân Chúa tiếp tục lớn mạnh. Tuy trong hành trình trung tín với Giao ước đã không ít lần dân tộc Ítrael bất trung, phản bội, trở mặt, nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành yêu thương, bao bọc, che chở và cứu giúp dân Người. Có thể nói, dân Ítrael là dân riêng của Đức Chúa và Thiên Chúa, Đấng Trung Tín sẽ không chỉ cứu giúp và giải thoát dân Người, nhưng còn sẽ mãi là dân tộc của Đấng Cứu Độ, sản sinh Đấng Cứu Độ, thừa hưởng các lời Giao ước và sẽ trở thành nguồn cội phát xuất Đấng Cứu Thế. Vì thế, dân Chúa chọn, dân Giao ước sẽ là dân tộc được yêu thương và có thể được hưởng ơn cứu độ làm gia nghiệp muôn đời.
2. Dân Thiên Chúa là dân nhận biết và tôn thờ Đấng Tạo Hóa
Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội của thánh Công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Nhưng ý định cứu độ cũng bao gồm những ai nhận biết Đấng Tạo Hoá, trong số đó phải kể đến người Hồi giáo, những người xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham, và cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, và là Đấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết”.[5] Quả thế, cũng phát xuất từ tổ phụ Ápraham với người con là Ishmael của người tớ gái là Ha-ga.[6] Từ đó sản sinh ra một dân tộc lớn mạnh, để rồi sau này, chính dân tộc này đã nhận mình là con cháu tổ phụ Ápraham, dân tộc chúng ta đang nói đến đó chính là những người anh em Hồi Giáo. “Hồi giáo hay còn gọi là đạo Hồi hay là đạo Islam, (tiếng Ả Rập: الإسلام, chuyển tự al-ʾIslām) là một tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, độc thần, dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa (Allah) và Muhammad là sứ giả của Thiên Chúa. Hồi giáo dạy rằng Thiên Chúa là lòng thương xót, Đấng Toàn năng và Duy nhất”.[7] Vì có nguồn gốc từ tổ phụ Ápraham, nên những tín đồ của tôn giáo này cũng tôn thờ một tôn giáo duy nhất mà họ gọi là Thượng Đế. Với tôn giáo của mình, các tín đồ Hồi Giáo tin nhận Thượng Đế là Đấng tác tạo muôn loài, trong đó loài người với con người đầu tiên là A-đam. Họ cũng tin nhận Thượng Đế là Đấng Tối Cao duy nhất và Môhamét là vị tiên tri cuối cùng được Đức A-la mặc khải Thiên kinh.[8] Trong quá trình phát triển, Hồi Giáo cũng tin nhận Thánh Kinh Cựu Ước, Tân Ước với vị Thiên sứ là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, những người anh em Hồi Giáo họ không tin rằng Đức Giêsu Ki tô là Đấng Cứu Độ vạn vật, nhưng thay vào đó, Đức Giêsu chỉ là một trong những ngôn sứ của Đức A-la. Vì thế, dầu rằng họ không có cùng phép rửa với người Công giáo nhưng với nguồn gốc phát xuất của mình, cùng với một sự thành tâm tìm kiếm và tôn thờ một Đấng Hóa Công, một Thượng Đế duy nhất, toàn năng và tối cao nên các tín đồ Hồi Giáo cũng đáng được lãnh nhận ơn cứu độ. Để rồi tất cả cùng quy về một mối duy nhất trong Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ mọi loài.
3. Dân Thiên Chúa là những ai thiện chí tìm kiếm chân thiện
Lumen Gentium, số 16 còn khẳng định: “Thiên Chúa cũng không ở xa cả những ai đang tìm kiếm trong bóng tối và nơi những hình tượng, một Thiên Chúa mà họ không biết, bởi vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự, và vì Đấng Cứu Thế muốn mọi người đều được cứu độ (x. 1 Tm 2,4). Thật vậy, những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu”.[9] Thật vậy, gia đình nhân loại với hơn 08 tỉ người.[10] Gồm rất nhiều dân tộc, quốc gia, cộng đồng và thậm chí là từng cá nhân hợp nhất thành gia đình nhân loại. tuy trong gia đình này có không ít người phủ nhận Thiên Chúa, phủ nhận Chân lý sự thiện hảo, nhưng cũng có rất nhiều người thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo, hướng về điều thiện và sống những giá trị căn bản mà nhờ lương tâm soi dẫn họ tìm kiếm chân lý, điều thiện lành trong những chọn lựa của cuộc sống. Quả thế, con người trong mọi thời vẫn luôn khắc khoải và kiếm tìm điều chân lý. Tuy nhiên, vì những hoàn cảnh, những điều kiện khách quan, những bóng tối chập chùng bủa vây nên họ không có khả năng tìm kiếm chân lý trong Thiên Chúa. Thế nhưng, nhờ có ánh sáng chân lý được Thiên Chúa phú bẩm khắc ghi vào trong tâm khảm, đáy lòng họ là lương tâm, nêu dầu trong hoàn cảnh, môi trường, tôn giáo nào họ vẫn quyết tâm ăn ngay ở lành, tìm kiếm điều chân thiện và mong muốn khao khát sống và phục vụ chân lý. Vì thế, dẫu cho những con người này họ không tìm thấy và nhận biết Thiên Chúa, nhưng với lương tâm và sự chân thành sống các giá trị căn bản cốt lõi của con người họ cũng trở thành dân Thiên Chúa và cũng có thể được hưởng ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Như vậy, mặc dù họ không có tên trong Giáo hội và thân xác thể lý của họ ở ngoài dân Thiên Chúa nhưng với một tâm hồn chân thành họ đã ở gần với những người Kitô hữu thiện hảo. Để rồi từ đó họ trong ước muốn cũng là con cái Thiên Chúa, là thân thể Đức Kitô trong một thế giới đa phức và sự mù tối của con đường tìm đến chân lý không phải bởi họ nhưng bởi hoàn cảnh và môi trường sống.
4. Dân Thiên Chúa được quy tụ trong Giáo hội của Đức Kitô
Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Như thế, nơi mọi quốc gia trên địa cầu, chỉ có một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, gồm những người được kết nạp từ muôn dân nước để trở thành công dân của một vương quốc không thuộc về thế gian nhưng thuộc thiên quốc. Quả thật, tất cả các tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần, và như thế ‘kẻ ở Rô-ma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình’”.[11] Quả thật, Giáo hội của Thiên Chúa được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô, nơi là nguồn mạch phát xuất sự sống thần linh được kết tinh từ Nước và Máu Chúa Giêsu trên thập giá. Tiếp đó, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Giêsu Kitô đã hiện ra, đã thổi thần và trao ban lệnh truyền cho các Tông đồ để các ngài đi khắp nơi loan báo Tin Mừng và quy tụ muôn dân thiên hạ vào thành một Giáo hội duy nhất qua phép Thánh Tẩy. Kể từ đó đến nay gần 2000 năm, Giáo hội vẫn trung thành với sứ mạng của Chúa Kitô, ra đi đến với muôn dân, quy tụ các tín hữu trong Chúa qua các bí tích và các lời giáo huấn của Giáo hội. Như thế, Giáo hội lớn mạnh trong nhân loại suốt ngần ấy thời gian, phát xuất chỉ là một nhóm nhỏ những người môn đệ trong đất nước Palestina nhỏ bé, đến nay Giáo hội đã lan tràn trên khắp mặt đất với đầy đủ các thành phần thuộc mọi dân tộc, quốc gia, thuộc mọi màu da sắc tộc. Thật vậy, Giáo hội giờ đây là Giáo hội hoàn vũ, phổ quát, gồm tất cả mọi người thuộc mọi dân mọi nước được quy tụ và hiệp thông với nhau nhờ cùng một Phép Rửa, nhờ cùng một lời tuyên xưng đức tin, nhờ cùng một cùng đích là hướng tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô là Nước Trời vĩnh cửu. Và Giáo hội thời nay cũng như trong tương lai vẫn luôn ra đi loan báo Tin Mừng. Vẫn mời gọi mọi người trong gia đình nhân loại gia nhập vào gia đình Giáo hội, quy tụ về cùng một đoàn chiên trong một Giáo hội Chúa Kitô, như lời của một vị thần học gia vị vọng và cũng là người kế vị Thánh Phêrô, Đức cố Giáo hoàng Bênêdictô XVI: “Chúng ta cần phải xác định hai đặc điểm của Giáo hội đó là bản chất nội tâm và cộng đoàn. Giáo hội phát triển từ bên trong và chuyển ra bên ngoài, chứ không phải ngược lại. trên hết, Giáo hội là dấu chỉ hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô. Giáo hội được hình thành chủ yếu trong một đời sống cầu nguyện, các bí tích và những thái độ cản bản là tin tưởng, cậy trông và yêu mến. Do vậy, nếu một ai đó hỏi rằng tôi phải làm gì để trở thành Giáo hội và lớn lên như Giáo hội, câu trả lời buộc phải là: Bạn phải trở thành một người sống tin tưởng, cậy trông và bác ái.”[12]
5. Ý nghĩa của hiệp nhất Dân Thiên Chúa trong thời đại hôm nay
“Lạy Thiên Chúa của con, ước mong sao con người nhận biết Ngài.”[13] Đó là lời của thánh I nhã, một vị thánh vĩ đại đã trở lại sau một biến cố và trở thành vị sáng lập dòng Tên. Thật vậy, ngày nay nhân loại đang bước vào khúc quanh mới của lịch sử. Khi mà những tiến bộ của khoa học kỹ nghệ đang lên ngôi, đưa đến cho con người đủ đầy về mọi phương diện, lấp đầy những khát vọng vật chất, khỏa lấp những trống vắng tinh thần cho con người, chính điều đó đã đưa dẫn con người bước vào cuộc sống hưởng thụ với thứ chủ nghĩa ích kỷ, cá nhân, tương đối với một xã hội duy thế tục với sự suy thoái về các giá trị của Tin Mừng. Tuy nhiên, giữa bối cảnh như vậy hơn lúc nào hết, người Ki tô hữu cần phải dấn thân loan báo Tin Mừng bằng cách xây dựng tình huynh đệ giữa mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Đồng thời cần xây dựng sự hiệp thông giữa những người tin nhận Thiên Chúa, tin nhận Đấng Tạo Hóa, tin nhận Đức Giêsu Kitô. Bằng con đường đối thoại và hòa giải chúng ta cùng quy tụ nhau trong một niềm tin và một niềm hi vọng vào sự sống vĩnh cửu. Bởi trong một xã hội tục hóa tự do với chủ nghĩa hưởng thụ và cá nhân, đẩy con người vào những khoảng không gian riêng tư làm cho con người ngày càng xa rời thực tại Nước Trời với những giá trị chân thiện cao cả. Trong một nhân loại như vậy, thiết nghĩ người Kitô hữu phải là những con người can đảm dấn thân xây dựng sự hiệp thông giữa những người con cái Thiên Chúa, quy tụ muôn dân, quy tụ những ai tin nhận Thiên Chúa, tin nhận Đấng Tạo Hóa, những người thành tâm thiện chí thành một dân Thiên Chúa duy nhất và ở đó chúng ta có một Đấng Cứu Độ, một vị thủ lãnh, một người lãnh đạo Tối Cao là Đức Giêsu Kitô, như lời của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI: “Chúng ta phải chấp nhận mất mát, nhưng chúng ta sẽ luôn là một Giáo hội mở. Giáo hội không được đóng kín để thỏa mãn cho riêng một nhóm nào. Nhất là ta phải mang tinh thần truyền giáo, bằng cách luôn nhắc nhở xã hội về những giá trị làm nên lương tri của nó về những giá trị làm nên nền tảng hiện hữu của quốc gia và ta luôn phải là một cộng đồng xã hội thật sự nhân văn.”[14]
Tựu trung, hiệp nhất Dân Thiên Chúa trong gia đình nhân loại là một khái niệm mở, nó bao gồm tất cả những ai tin nhận Thiên Chúa: Đó là dân Do Thái, dân Chúa chọn, dân của Giao ước và Lời Hứa Cứu Độ. Tiếp đó, chúng ta phải chân nhận những người anh em Hồi Giáo cũng có phát xuất từ tổ phụ Ápraham họ cũng tin nhận Đấng Tạo Hóa duy nhất là Đức A-la. Sau nữa, với Công đồng Vaticanô II, Giáo hội xác tín dân Thiên Chúa gồm những người vì hoàn cảnh hay những lý do khách quan nên họ không thể nhận biết Thiên Chúa, tuy nhiên họ vẫn ăn ngay ở lành và thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo thì họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương, hướng dẫn qua chính lương tâm. Và cuối cùng với người Kitô hữu, những người đã được nhận lãnh Bí tích Rửa Tội và với đời sống đức tin công chính họ sẽ được gọi là những nghĩa tử, là dân thánh của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, hơn lúc nào hết giữa bối cảnh đa phức của nhân loại ngày nay con người phải quay về với nguồn cội của mình, tìm về nguồn chân thiện mỹ đích thực. Hơn nữa, với người Ki tô hữu, chúng ta cần xây dựng sự hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình của Thiên Chúa qua cung cách sống, qua sự xây dựng tình huynh đệ qua đối thoại, để chúng ta loan báo Tin Mừng cứu độ, hầu quy tụ muôn dân dưới quyền một vị thủ lãnh duy nhất là Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Công đồng Vatica nô II trong Hiến Chế Lumen Gentium số 13 đã minh định: “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, Đấng Ngài đặt làm thừa kế tất cả vạn vật, để Người sẽ là Thầy, là Tư Tế, là Vua của tất cả mọi người, là Thủ Lãnh của đoàn dân mới gồm những người con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu”.[15]
ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê
Đỗ Nhiên
[1] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2016, số 365.
[2] Công đồng Vaticanô II, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức Tin, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2012, số 1.
[3] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 13
[4] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 9
[5] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 16
[6] Bách khoa toàn thư – Wikipedia, https://vi.wikipedia.org. Truy cập ngày 10 tháng 01 năm 2024.
[7] Bách khoa toàn thư – Wikipedia, https://vi.wikipedia.org. Truy cập ngày 09 tháng 01 năm 2024.
[9] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 16.
[10] Dân số thế giới, https://danso.org. Truy cập ngày 12 tháng 01 năm 2024.
[11] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 13.
[12] Joseph Ratzinger, Lieven Boeve và Gerard Mannion biên soạn, Cao Viết Tuấn, CM, dịch. Tuyển Tập Ratzinger, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội 2023, tr.209.
[13] Giuse Hoàng Thanh Phong SJ và Giuse Phạm Đình Ngọc SJ dịch và chú thích, Lời hay ý đẹp của thánh I nhã, Nxb.Đồng Nai, Đồng Nai, 2021, tr.20
[14] Joseph Ratzinger – Biển Đức XVI, Pham Hồng Lam chuyển ngũ, Thiên Chúa và trần thế, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội 2023, tr.449
[15] Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 13.