Niềm Tin Phục Sinh - Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay A

Fri,24/03/2023
Lượt xem: 631

Niềm tin phục sinh

(Ed 37,12-14; Tv 129; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45)

Con người, một mặt chân nhận sự hữu hạn, chóng qua của mình cùng với thời gian, mặt khác, con người khám khá nơi mình mầm của sự bất tử. Điều này giải thích vì sao con người từ cổ chí kim luôn thao thức tìm kiếm phương dược để trường sinh bất tử. Đó là khát vọng mà Vinh gia 129 trong bài đáp ca đã thưa lên: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, Lạy Chúa”. Từ vực thẳm khốn cùng của kiếp phù du, của thân cát bụi – sự chết, nhưng con người luôn có niềm hy vọng, mong ngóng hừng đông từ Đấng cứu chuộc, Đấng tạo dựng con người theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Sách Khôn ngoan dạy: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kh 2,23-24).

Phụng vụ Chúa nhật dọn chịu nạn hôm nay hướng chúng ta vào niềm hy vọng chung cuộc này, niềm hy vọng từ ​​thị kiến ​​của Êdêkien đến thực tại nơi Chúa Giêsu, tột đỉnh mọi lời tiên báo của các ngôn sứ. Chúa Giêsu đã đánh thức bản tính nhân loại chúng ta - hạt giống của sự sống, sự bất diệt - nơi bản tính nhân loại của Người để đưa con người đi vào trong sự hiệp thông sự sống với Thiên Chúa.

1.  Hướng tới một viễn tượng sống động

Cái chết là vực sâu khốn cùng nhất của con người. Không những chết về thể xác mà cả linh hồn. Tội lỗi làm cho con người rơi vào cõi chết như thánh Phaolô khẳng định: “Tội lỗi đã xâm nhập thế gian và tội lỗi gây ra sự chết” (Rm 5,12). Xác thịt hay chết của chúng ta bị chôn vùi trong huyệt mộ và vì tội lỗi, con người sẽ bị giam cầm trong vực thẳm xa cách Thiên Chúa. Ngôn sứ Ezekiel đã nói về hậu quả của tội lỗi: “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác khi dám lìa xa Ngài”. “Vì tội lỗi chúng con, chúng con đã trở thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu” (Ed 3,27.37-38). Vì tội, chúng con đã đánh mất tất cả, bị tha hóa, tha hương, xa thánh điện Đức Chúa, không ngôn sứ, không thủ lãnh, không lễ hương, lễ tiến. Tuy nhiên, vị ngôn sứ của thời lưu đày không đánh mất niềm hy vọng. Ông loan báo thời kỳ Thiên Chúa sẽ làm hồi sinh Dân Người từ đám xương khô của tư thi như sự tạn lụi, hỗn mang và dẫn họ về lại miền Đất hứa (cf. Ed 37,1-14).

Ngôn sứ Isaia, trong lời sấm về “Bữa tiệc cánh chung”, đã loan báo Thiên Chúa sẽ vĩnh viện xóa bỏ sự chết khỏi mặt đất và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt (cf. Is 25:8). Và cuối cùng, Ezechiel, trong bài đọc thứ nhất, loan báo người chết sẽ phục sinh – Đức Chúa sẽ mở huyệt mả, và đám xương khô sẽ được hồi sinh nhờ thần khí mới của Đức Chúa (Ed 37,12-14). Đó là lời giải đáp cho việc Israel sẽ được hồi sinh – niềm hy vọng vươn lên từ chốn lưu đày, nhưng xa hơn là lời loan báo về Đấng sẽ xuống tận đáy huyệt trong cái chết và sẽ chỗi dậy trong sự phục sinh của Người. Đó là đời sống mới nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô mà thánh Phaolo khẳng định trong bài đọc thứ hai.

Đây là Tin mừng của chúng ta. Tin mừng đó không còn là ước vọng tương lai, mà là hiện tại của “sự sống lại và là sự sống” được ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu. Đức tin phục sinh mà Chúa Giêsu sẽ hoàn thành bằng cái chết và sự phục sinh của Người.

2.  Chúa Giêsu, Chúa của sự phục sinh và sự sống

Câu chuyện Ladarô sống lại là một trong những “dấu lạ” được thánh Gioan trình thuật trong sách các dấu lạ như là chóp đỉnh của các dấu chỉ để vén mớ thực tại mà chúng diễn tả. Qua việc phục sinh người em trai của Marta và Maria , tác giả Tin mừng thứ tư khẳng định Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng sự chết. Chóp đỉnh của trình thuật nằm trong câu khẳng định của Chúa Giêsu về chính Người: “Tôi là sự sống lại và sự sống. Ai tin vào tôi sẽ không bao giờ chết” (c.25-26). Thiên Chúa có quyền năng chiến thắng sự chết đã là niềm xác tín trong Cựu ước. Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng trên sự chết khi: 

               Chúa Giêsu tham dự tính hư nát của chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14). Điều cao cả là Thiên Chúa đã mang lấy xác thể để thần hóa nó: Thư gửi tín hữu Do thái minh định: “Đức Giêsu đã mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh Chúa gây ra cái chết… Người không giúp đỡ các thiên thần, mà con cháu Abraham. Người đã nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở nên một vị Thượng tế nhân từ, trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa…” (2,14.16-17).

         Trong thân phận con người, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước sự khốn cùng của phận người mà Người luôn “Nhìn thấy”, “Thổn thức”“Chạm” tới những khốn cùng của chúng ta. Chúng ta nhận ra nhiều lần trong Tin mừng thuật lại: “Người thấy một đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34); khi người ta đang khiêng đi chôn người con trái duy nhất của góa phụ. “Trông thấy bà, Chúa động lòng thương xót bà và bảo bà: “Đừng khóc!”  và Người “sờ vài quan tài” (Lc 7,12-13…; và trong bài Tin Mừng hôm nay, trước ngôi mộ của người bạn quá cố – ​​Ladarô, Chúa Giêsu đã “bật khóc” (c.35) và tác giả nhấn mạnh tâm thái “thổn thức” (c.33.38) của Người.

         Chúa Giêsu đến mộ Ladarô và Người mời goi: “Đem phiến đá này đi!”. Người cầu nguyện với Chúa Cha rồi đánh thức Ladarô từ cõi chết như những dấu chỉ loan báo cái chết và sự phục sinh của Người cũng như chúng ta trong tương lai.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người, không chỉ nhìn thấy, cảm thương, thổn thức hay sờ vào cái chết qua thi thể của người khác, mà chính Người đụng tới, đi tới chỗ sâu nhất của thân phận con người, cái chết và để biểu dương sự phục sinh. Đó là niềm hy vọng, sự xác tin nền tảng của chúng ta.

3.  Sống và tuyên xưng niềm tin phục sinh

Ai tin vào Chúa Giêsu đã thông dự vào những ân huệ của thời canh chung. Người ấy có được “sự sống bất diệt” mà cái chết thể xác không thể tiêu diệt được. Quả thực, nơi Đức Giêsu, ơn cứu độ hiện diện, và ai kết hợp với Người không còn bị trao nộp cho quyền lực tử thần. Đó là lời tuyên xưng của Marta: “Thừa Thầy, nếu thầy có mặt ở đây, em con đã không chết” (c.32). Cuộc đối thoại giữa Marta và Chúa Giêsu cũng là cuộc đối thoại của chúng ta với Người về niềm hy vọng sống lại. Lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu Kitô là nền tảng của toàn bộ toà nhà đức tin và hiện hữu của chúng ta. Chính Người “là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người, dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25).

Thánh Phaolo sau khi nói lên sự khốn cùng của thân phận con người đã minh định: “Ai có thể cứu tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,24-25): Chính Người “có quyền nằng khắc phục muôn loài, sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21); Chính Người sẽ đưa chúng ta đạt tới sự viên mãn trong ơn gọi nhân linh, rằng: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào chúng ta sẽ thấy như vậy” (1Ga 3,1-2).

Là con cái của sự sống lại, Thánh Phaolo mời gọi chúng ta thâm tín: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết, vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống… Thần Khí của Đấng là cho Đức Kitô sống lại… cũng dùng Thần khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8,10-11).

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :